Sáng 10.3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn các sở y tế, bệnh viện, cơ sở y tế và doanh nghiệp… triển khai nghị quyết 30 và nghị định 7 của Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh đây là 2 văn bản hết sức quan trọng, căn cơ, đã bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
"Những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước. Do đó, tại hội nghị này, chúng tôi muốn nghe các đơn vị nêu rõ những gì còn vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… để Bộ Y tế ghi nhận và phối hợp với các bộ, ngành trung ương báo cáo lên Chính phủ. Mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế mà cần có giải pháp thay thế để phục vụ người bệnh. Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Có thể thiếu thuốc này nhưng có thuốc khác thay thế hoặc thiếu trang thiết bị này thì có loại khác" - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) đều khẳng định 2 văn bản mà Chính phủ mới ban hành đang góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt về thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập. Trong đó có những quy định mới chỉ thí điểm thực hiện đến ngày 31.12.2023.
Lãnh đạo của nhiều sở y tế và các bệnh viện bày tỏ mong muốn đối với những loại thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế độc quyền, chỉ có một đơn vị sản xuất, cung ứng, nên chuyển sang hình thức đàm phán giá, thay vì tổ chức đấu thầu như hiện nay. Đặc biệt, các đơn vị cũng thắc mắc về việc những hướng dẫn trong Nghị quyết 30 mới chỉ mang tính tạm thời, liệu sau này có được chấp nhận khi thanh tra, kiểm toán hay không; đồng thời đề xuất việc cần triển khai Nghị quyết 30 của Chính phủ tới các ngành khác để về sau không gây khó cho các đơn vị của ngành y tế trong quá trình thanh tra, kiểm tra…
Trả lời cho thắc mắc này, ông Lê Thành Công, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiến hành sửa đổi luật đấu thầu. Đó là sửa đổi theo hướng được phép mua sắm trang thiết bị được phân nhóm các nước sản xuất, được phép chỉ định trong trường hợp máy đóng. Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024 cũng đã quy định về nội dung bệnh viện được sử dụng máy mượn, khắc phục tình trạng khoảng trống pháp lý.
Các bệnh viện cũng phải sớm hoàn thiện các thể chế để sửa đổi luật trong vấn đề về trang thiết bị y tế. Theo Bộ Y tế, Nghị định 07 đã được ban hành nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng trang thiết bị y tế nhập khẩu tại các cửa khẩu.
Nghị định 07 là căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ nhằm góp phần cung cấp cho ngành y tế các trang thiết bị có chất lượng, đúng giá trị và sử dụng hiệu quả nhằm phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế cũng giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tổ chức thực hiện và ban hành các văn bản hướng dẫn để thống nhất nhất thực hiện trong toàn ngành theo đúng quy định của Chính phủ.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhanh chóng soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thuốc phục vụ khám, chữa bệnh chính là những biện pháp căn cơ, lâu dài, để giúp các bệnh viện đảm bảo hoạt động đúng luật.