Sống cùng thời với Hàn Mặc Tử, cuộc đời nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong cũng có nhiều điểm tương đồng với thi nhân tài hoa bạc mệnh này. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam, qua đời khi mới 24 tuổi nhưng đã kịp để lại cho đời ba bản tình ca bất hủ: Đêm thu, Con thuyền không bến và Giọt mưa thu. Điều đặc biệt là ba tuyệt phẩm này đều dệt từ chuyện tình yêu huyền thoại của chính nhạc sĩ.

Bóng hồng “tạc” dấu ấn của tác giả 'Con thuyền không bến' Đặng Thế Phong

Một Thế Giới | 06/06/2015, 10:00

Sống cùng thời với Hàn Mặc Tử, cuộc đời nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong cũng có nhiều điểm tương đồng với thi nhân tài hoa bạc mệnh này. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam, qua đời khi mới 24 tuổi nhưng đã kịp để lại cho đời ba bản tình ca bất hủ: Đêm thu, Con thuyền không bến và Giọt mưa thu. Điều đặc biệt là ba tuyệt phẩm này đều dệt từ chuyện tình yêu huyền thoại của chính nhạc sĩ.

Cảm hứng sáng tác nhờ tình yêu
 Nhạc sĩ Đặng Thế Phong sinh năm 1918 tại phố Hàng Đồng (thành phố Nam Định). Theo hồi ức của nhà văn Phạm Cao Củng (1913-2012, nhà văn chuyên viết truyện trinh thám nổi tiếng từ trước năm 1945) thì ông là một chàng trai đẹp, môi đỏ như son, đàn hay hát giỏi, lại thích hóa trang thành thiếu nữ trong những vở kịch ngắn. Chính đặc điểm này đã khiến nhiều người cho rằng đó là sự báo trước một cuộc đời đoản mệnh. Không chi vậy, một giai thoại dự báo điều tương tự cũng được nhiều tài liệu về Đặng Thế Phong ghi chép.

Khi Đặng Thế Phong đang học năm thứ hai bậc thành chung (tương đương lớp 7 ngày nay) thì cha qua đời. Phải nghỉ học vì túng quẫn, ông lên Hà Nội kiếm sống. Trong thời gian này, Đặng Thế Phong vừa làm nghề vẽ tranh minh họa cho báo Học sinh (do nhà văn Phạm Cao Củng làm chủ bút) vừa theo học vẽ với tư cách dự thính tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cho đến năm 21 tuổi. Một giai thoại kể lại rằng khi thi vào trường, Đặng Thế Phong vẽ một thân cây cụt rất đẹp nhưng không có ngọn. Vị thầy người Pháp chấm điểm khi ấy đã phải thốt lên khen ngợi tài năng của cậu học trò nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi dự đoán "e rằng cậu không sống lâu được".

Thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của cha và năng khiếu trời phú nên ngoài hội họa, Đặng Thế Phong còn có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc.Tuy nhiên ban đâu, ông chỉ tham gia ca hát và chơi đàn, còn việc sáng tác thì năm 22 tuổi mới bắt đầu khi trái tim mở cửa đón tình yêu. Theo đó năm 21 tuổi, trong một lần về quê, Đặng Thế Phong đi chợ sắt (chợ duy nhất và lớn nhất của thành Nam lúc bấy giờ) và bắt gặp hình ảnh duyên dáng của cô gái bán hàng chăn gối màn. Trúng "tiếng sét ái tình”, chàng trai trẻ mấy đêm liền mất ngủ vì tơ tưởng tới bóng hồng kia. Cất công dò hỏi, Đặng Thế Phong biết cô gái tên Tuyết, gia đình thuộc dạng khá giả nên đang rất có nhiều mối nhòm ngó. Vốn tính nhút nhát, nghĩ mãi không có cách nào để tiếp cận người trong mộng nên cuối cùng, ông đành vờ làm khách vào cửa hàng của cô Tuyết hỏi giá rồi nhét vội vào tay nàng một bức thư. Chẳng biết bức thư viết gì mà sau đó, cô Tuyết đã cự tuyệt tất cả các chàng trai giàu có khác để đón nhận tình cảm của anh họa sĩ nghèo, vậy là đôi uyên ương đã dìu nhau vào cuộc tình thật trong sáng và lãng mạn. Cũng từ đó, Đặng Thế Phong nảy sinh cảm hứng sáng tác nhạc như một cách để thể hiện cảm xúc trong tình yêu.

Sáng tác đầu tay của Đặng Thế Phong là Đêm thu (1940) - ca khúc hấp thụ và chịu ảnh hưởng rất rõ của văn hóa Pháp. Vào buổi sơ khai của tân nhạc Việt thì "Đêm thu” với lời ca trữ tình và giai điệu dìu dặt, êm ái đã thu hút thính giả ngay từ lúc mới phát hành. Cùng với "Duyên kiếp" của Nguyễn Văn Tuyên, “Đêm thu" là bài hát được đông đảo trí thức bấy giờ yêu chuộng.Tuy nhiên, hai nhạc phẩm sau này của ông mới thực sự ấn tượng, trở thành những bản tình ca bất hủ trong làng nhạc. Đó chính là "Con thuyền không bến”"Giọt mưa thu”. Hai ca khúc cũng đều được nhạc sĩ lấy cảm hứng từ người yêu. Theo ghi chép của nhạc sĩ Lê Hoàng Long - người biên soạn cuốn sách Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến (2 tập) thì mùa thu năm 1940, Đặng Thế Phong cùng một số người bạn văn nghệ sĩ lên Bắc Giang chơi ít ngày, nhân đó họ tổ chức một đêm đi thuyền trên sông Thương. Tuy nhiên đang lúc đang vui thì có người ra đưa cho nhạc sĩ một bao thư. Ông ngưng ngay chuyện trò và vào trong khoang, lấy bao diêm ra đốt lửa để coi thư và đây đúng là thư của cô Tuyết, từ thành Nam gửi lên cho ông. Đọc xong thư, ông có vẻ buồn và suy nghĩ. Bạn bè thắc mắc hỏi thì được ông cho biết rằng trong thư cô Tuyết viết đang nhuốm bệnh cả tuần nay. Giữa lúc đêm sắp tàn, Đặng Thế Phong thao thức không sao chợp mắt được. Và ông đã nảy sinh cảm hứng sáng tác trong nỗi lo lắng và nhớ nhung người yêu.Đó chính là lý do tại sao, những lời ca trong "Con thuyền không bển" lại buồn đến não lòng như vậy: "Đêm nay thu sang cùng heo may/ Đêm nay sương lam mờ chân mây/ Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng/ Như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”.

Sớm hôm sau, Đặng Thế Phong từ giã bạn bè, tức tốc trở về Nam Định với người yêu. Nhờ vậy, bệnh của cô Tuyết đã thuyên giảm rất nhanh. Hôm hai người hẹn hò nhau ở chốn cũ, Đặng Thế Phong ghé sát tai người yêu hát tặng bài Con thuyền không bến vừa sáng tác. Khỏi phải nói Cô Tuyết đã xúc động tới nhường nào. Cô gục đầu vào vai người yêu và thầm nguyện cầu cho hai người được bên nhau hạnh phúc đến cuối đời. Nhưng số phận thật trớ trêu khi chỉ cho nhạc sĩ tài hoa ở dương gian đến tuổi 24 đã buộc họ phải chia lìa.

Tình cảm đáng ngưỡng mộ

"Con thuyền không bến" ra mắt khán giả thủ đô lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội qua tiếng hát của nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển. Từ Nam Định cô Tuyết đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội, ngồi cạnh Đặng Thế Phong ngay ở hàng ghế đầu để nghe bài hát người ấy viết riêng cho mình. Những tưởng đây chính là bước khởi đầu thuận lợi cho con đường sự nghiệp của chàng nhạc sĩ trẻ nhưng ai đâu ngờ giông tố đang đến rất gần. Sau một thời gian từ Bắc Giang trở ve ông đã nhuốm bệnh lao. Vì lúc đó, bệnh lao là nan y và bị những người xung quanh xa lánh, Đặng Thế Phong giấu tất cả mọi người. Nhưng không hiểu sao, cô Tuyết vẫn biết được. Cô âm thầm tìm cách giúp người yêu bằng cách mua thuốc rồi nhờ một y sĩ trong nhà thương chữa trị giúp người yêu. Thuốc bệnh lao lúc ấy vừa hiếm lại vừa đắt, cô Tuyết không những không ngại tốn kém mà còn thường xuyên gặp người yêu để săn sóc một cách kín đáo, khônq hè sợ bị lây.

Mùa xuân năm 1941, cô Tuyết cùng Đặng Thế Phong từ Nam Định lên Hà Nội để tiễn chân ông vào Sài Gòn tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp. Rồi ông sang Nam Vang nhưng cuộc sống ở kinh đô xứ Chùa Tháp cũng không được như ý muốn. Vậy là Đặng Thế Phong lại trở về Hà Nội. Về lần này, ông thuê một căn gác hẹp tường cây, mái lá ở làng trồng hoa Ngọc Hà, ở chung với người chú họ cùng tuổi là ông Nguyễn Trưòng Thọ. Bệnh tình Đặng Thế Phong phát ngày một nặng. Gia cảnh nghèo nàn, tiền bạc phải vay mượn để chữa trị, cuộc sống kham khổ làm cho sức khỏe Đặng Thế Phong ngày càng suy kiệt. Tháng 7 mưa ngâu, cảnh buồn tê tái. Nỗi nhớ người yêu trào lên quay quắt, ông ôm đàn và viết Vạn cổ sầu với những giai điệu vô cũng não nề: "Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi/ Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi/ Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu/ Ai khóc ai than hờ... Gió xa xôi vẫn về/ Mưa giăng mù lê thê/Đến bao năm nữa trời/ Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu".

Cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi, Đặng Thế Phong nhờ chú đưa về Nam Định. Từ đấy cho đến lúc ông lìa đời, cô Tuyết lúc nào cũng túc trực chăm sóc, khiến ai cũng xót xa, thương cảm. Nhạc sĩ mất không lâu sau đó, vào đầu năm 1942 khi mới bước sang tuổi 24. Tang lễ của ông có rất nhiều thanh niên nam nữ của thành Nam tham dự, cô Tuyết mặc áo đại tang đi sau linh cữu như một người vợ tiễn đưa chồng lần sau cuối. Vậy là đôi uyên ương đã thực sự chia cách âm dương, cơ hội một năm được thấy nhau một lần như vợ chồng Ngâu cũng không có. Nhưng cùng với "Con thuyền không bến” và "Giọt mưa thu” , mối tình của hai người mãi mãi như một huyền thoại, khiến người đời sau không khỏi cảm động và ngưỡng mộ.

Nhung Đinh / GĐ & XH
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng hồng “tạc” dấu ấn của tác giả 'Con thuyền không bến' Đặng Thế Phong