Hôm 29.7, một số nhà phân tích cảnh báo điều này sau khi Apple cho biết nhu cầu đã tăng trở lại từ giữa tháng 6 sau khi đợt phong tỏa ở Trung Quốc cản trở doanh số bán hàng.
Apple hôm 28.6 đã báo cáo doanh thu quý 2/2022 tại Trung Quốc giảm 1%.
Dù vậy, doanh thu tổng thể quý 2/2022 của Apple đã tăng 2%, đánh bại các ước tính. Công ty cho biết nhu cầu iPhone trên toàn cầu không hề suy giảm dù các chỉ số kinh tế vĩ mô chuyển sang tiêu cực.
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, đổ lỗi cho sự sụt giảm doanh thu ở Trung Quốc do tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt ở các thành phố lớn, khiến hàng triệu người phải ở nhà và tác động đến nền kinh tế nước này.
Ông nói: "Chúng tôi đã nhận thấy nhu cầu thấp hơn dựa trên việc phong tỏa ở các thành phố”.
Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để loại bỏ vi rút SARS-CoV-2 của Trung Quốc đã làm giảm sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với niềm tin của người tiêu dùng dao động gần mức thấp kỷ lục, đầu tư tư nhân chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục 19,3%, khiến chính phủ kêu gọi các biện pháp kích thích khẩn cấp hơn.
Tuần này, Apple công bố giảm giá iPhone và các phần cứng khác cho khách hàng Trung Quốc, động thái mà hãng thỉnh thoảng thực hiện khi doanh số bán hàng chậm lại. Tuy nhiên, Apple vẫn tránh được tác động của nền kinh tế yếu kém vì đây là thương hiệu hàng đầu duy nhất cung cấp các thiết bị đắt tiền, các nhà phân tích cho biết.
Huawei, đối thủ cạnh tranh chính của Apple trong phân khúc cao cấp, chứng kiến sự sụt giảm doanh số bán hàng sau khi các lệnh trừng phạt từ Mỹ ngăn cản họ tìm nguồn cung ứng các thành phần quan trọng. Honor, thương hiệu smartphone trước đây thuộc về Huawei, đang phát triển nhanh chóng nhưng vẫn chưa thâm nhập vào thị trường cao cấp.
Công ty Counterpoint Research cho biết tổng doanh số bán smartphone của Trung Quốc trong tháng 4 đến tháng 6.2022 giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức mức thấp nhất một thập kỷ.
Theo Counterpoint Research, thị phần Apple tại Trung Quốc tăng nhẹ lên 15,5% ngay cả khi doanh số bán hàng của hãng giảm 5,8%, mức giảm nhẹ hơn so với Oppo, Xiaomi và Vivo.
Theo nhà phân tích Will Wong của hãng IDC, không giống như vào cuối năm 2020 khi nhu cầu điện thoại ở Trung Quốc tăng mạnh sau đợt phong tỏa đầu tiên, doanh số bán điện thoại dự kiến sẽ giảm.
Ông nói: “Đó không chỉ là việc phong tỏa mà các yếu tố khác như chính phủ đàn áp các hãng công nghệ và thị trường bất động sản giảm tốc, đều có tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng”.
Apple chuẩn bị phát hành dòng iPhone 14 vào mùa thu.
Nhà phân tích Nicole Peng của hãng Canalys nhận xét doanh số bán iPhone 14 tại Trung Quốc khó có thể vượt qua iPhone 13 năm ngoái.
"Doanh số điện thoại cao cấp có xu hướng phục hồi ở Trung Quốc, nhưng Apple có thể lo lắng rằng chính nhu cầu đang suy yếu", Nicole Peng nói.
Apple dự báo tăng trưởng doanh số nhanh hơn, nhu cầu iPhone mạnh bất chấp nền kinh tế suy thoái
Apple hôm 28.7 cho biết tình trạng thiếu linh kiện đang giảm bớt và nhu cầu về iPhone không ngừng giảm dù người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khác, giúp hãng vượt qua kỳ vọng của Phố Wall và dự báo doanh số bán hàng sẽ tăng trưởng nhanh hơn.
Cổ phiếu của gã khổng lồ Thung lũng Silicon đã tăng 3,5% nhiều giờ sau khi công bố kết quả tài chính.
Dù các chỉ số kinh tế vĩ mô trên thế giới đang chuyển biến tiêu cực, Giám đốc tài chính Apple - Luca Maestri nói với Reuters rằng nhu cầu với iPhone, nguồn doanh thu lớn nhất của công ty không hề giảm.
Doanh số bán iPhone trong quý tài chính thứ ba đã tăng 3% lên 40,7 tỉ USD, khi Phố Wall đã chuẩn bị cho sự sụt giảm 3%. Ngược lại, thị trường smartphone toàn cầu nói chung đã giảm 9% trong quý 2/2022, theo dữ liệu của Canalys.
Cơ sở khách hàng trung thành và tương đối giàu có của Apple giúp hãng này chống lại sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng tốt hơn các thương hiệu khác trong quá khứ và kết quả quý mới nhất cho thấy một mô hình tương tự đang xuất hiện.
Nhà phân tích Runar Bjorhovde của Canalys cho biết: "Theo nghĩa đó, Apple có sức mạnh nhất định cho phép nó bị ảnh hưởng ít hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh".
Dù vậy, Apple đã đưa ra một số cảnh báo.
Trong cuộc phỏng vấn, Luca Maestri nói nền kinh tế đang đi xuống đang ảnh hưởng xấu đến doanh số bán quảng cáo, phụ kiện và sản phẩm gia dụng.
"May mắn thay, chúng tôi có một danh mục đầu tư rất rộng, vì vậy chúng tôi biết mình sẽ có thể điều hướng được điều đó", ông nói thêm.
Kết quả cho thấy hoạt động kinh doanh quảng cáo của Apple, bao gồm bán quảng cáo cùng các bài viết và kết quả tìm kiếm trên cửa hàng ứng dụng (App Store), rất dễ bị cắt giảm tiếp thị giống như đối thủ Snap và Meta Platforms.
Luca Maestri nói tình trạng thiếu linh kiện sẽ tiếp tục cản trở doanh số bán hàng của Mac và iPad, dù tác động đã giảm bớt. Điều này làm Apple mất dưới 4 tỉ USD doanh thu trong quý kết thúc vào ngày 25.6.2022, ít hơn so với dự báo. Luca Maestri nói Apple hy vọng mức ảnh hưởng sẽ giảm hơn nữa trong quý hiện tại.
Thế nhưng, Apple có nguy cơ tham gia cùng các đối thủ trong việc tích lũy kho dự trữ máy tính bảng và PC không bán được, nếu nhiều khách hàng hơn dự kiến ngừng mua do lạm phát và lãi suất tăng.
Trích dẫn sự không chắc chắn về kinh tế, Apple cho biết không đưa ra gợi ý cụ thể về doanh thu. Thế nhưng, công ty thông báo doanh số bán hàng sẽ tăng nhanh hơn trong quý 3/2022 so với cùng kỳ năm trước, còn mức tăng trưởng ở quý vừa kết thúc là 2%.
Nhìn chung, Apple cho biết doanh thu và lợi nhuận quý 2/2022 là 83 tỉ USD và 1,20 USD/cổ phiếu, cao hơn ước tính 82,8 tỉ USD và 1,16 USD/cổ phiếu, theo dữ liệu của Refinitiv.
Đồng USD tăng cao đã tác động đến nhiều công ty, gồm cả Apple. Nhà sản xuất iPhone nói biến động tiền tệ làm giảm doanh số bán hàng 3% trong quý 2/2022 và sẽ giảm 6% trong quý 3/2022.
Việc đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Nga vào đầu năm nay do chiến tranh cũng khiến doanh số bán hàng của Apple bị ảnh hưởng.
Giống nhiều công ty cùng ngành công nghệ khác, Apple đang làm chậm việc tuyển dụng và cắt giảm chi phí do tình hình kinh tế khó khăn.
Tim Cook nói công ty "đang cân nhắc nhiều hơn trong việc tuyển dụng để nhận ra thực tế của môi trường".
Những tai ương kinh tế gần đây nhất bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến việc sản xuất một số sản phẩm Apple như iPad và Mac có các địa điểm lắp ráp tập trung gần các khu vực Trung Quốc rơi vào tình trạng phong tỏa.
Trong khi doanh số bán iPhone và iPad đứng đầu kỳ vọng, doanh thu từ dịch vụ, máy tính Mac và phụ kiện của Apple đã không đạt mục tiêu của Phố Wall và doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm 1%.
Apple cũng đang đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung chậm lại ở Trung Quốc, nơi doanh thu trong quý tài chính thứ ba của họ là 14,6 tỉ USD.
Tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của Apple (từng thúc đẩy doanh số bán hàng và lợi nhuận những năm gần đây) là 12%, thấp hơn tỷ lệ 33% của năm trước và dẫn đến doanh thu 19,6 tỉ USD, thấp hơn ước tính 19,7 tỉ USD.
Apple cho biết hiện có 860 triệu người đăng ký trả phí cho các dịch vụ của mình, tăng so với 825 triệu của quý trước.
Doanh số bán iPad và Mac là 7,2 tỉ USD và 7,4 tỉ USD, so với ước tính 6,9 tỉ USD và 8,7 tỉ USD. Doanh số bán máy Mac giảm 10%, lần đầu tiên kể từ khi tăng cường làm việc tại nhà và giới thiệu các chip xử lý độc quyền mới của Apple.