Các công ty điện tử Đài Loan, bao gồm cả các nhà sản xuất chip và nhà máy lắp ráp, đang cố gắng chống chọi với căng thẳng địa chính trị sau chuyến thăm đảo này của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Các hãng công nghệ Đài Loan tránh xa tình trạng hỗn loạn chính trị sau chuyến đi của bà Pelosi

Sơn Vân | 06/08/2022, 22:52

Các công ty điện tử Đài Loan, bao gồm cả các nhà sản xuất chip và nhà máy lắp ráp, đang cố gắng chống chọi với căng thẳng địa chính trị sau chuyến thăm đảo này của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Pegatron Corporation là một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple với một số mẫu iPhone nhất định. Hôm 5.8, Pegatron Corporation đã đưa ra tuyên bố cho Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan, bác bỏ thông tin từ phương tiện truyền thông rằng việc sản xuất và vận chuyển tại nhà máy của công ty ở Trung Quốc bị buộc phải tạm ngừng sau chuyến thăm gây tranh cãi.

Tờ Nikkei đưa tin 5.8 rằng Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp đảm bảo các chuyến hàng từ Đài Loan đến Trung Quốc được dán nhãn sản xuất tại “Đài Loan, Trung Quốc” hoặc “Đài Bắc Trung Hoa”, thay vì chỉ đơn giản là “Đài Loan” hoặc tên chính thức của nó là “Trung Hoa Dân Quốc”.

Các hoạt động của chúng tôi ở Trung Quốc đang diễn ra bình thường và không có việc tạm dừng sản xuất, vận chuyển”, theo Pegatron Corporation - nhà lắp ráp iPhone có trụ sở tại Đài Bắc.

Pegatron Corporation có các nhà máy quan trọng ở Thượng Hải và Côn Sơn - thành phố ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).

United Microelectronics Corp (UMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng của Đài Loan, cũng tìm cách tách mình khỏi nhà sáng lập Robert Tsao, người cùng ngày cam kết tài trợ 3 tỉ Tân Đài tệ (100 triệu USD) để giúp Đài Loan củng cố khả năng phòng thủ của mình.

Ông Robert Tsao mô tả các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc xung quanh Đài Loan là "sự xấc xược không thể chịu đựng được".

Ông Robert Tsao đã nghỉ hưu ở UMC hơn 10 năm trước. Ông ấy không liên quan gì đến UMC”, UMC cho biết trong tuyên bố với truyền thông Trung Quốc hôm 5.8.

Ma Xiaoguang, phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, đã chỉ trích các động thái của ông Robert Tsao trong một cuộc họp báo hôm 5.8, nói rằng doanh nhân này “không đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ở Đài Loan, cũng không phải người Đài Loan”.

Thành lập UMC vào năm 1980, Robert Tsao từ chức chủ tịch công ty và rời hội đồng quản trị vào năm 2005, sau sự giám sát của chính quyền Đài Loan về các khoản đầu tư bất hợp pháp vào xưởng đúc bán dẫn Hejian Technology Corp (Trung Quốc).

Robert Tsao đã từ bỏ quốc tịch của mình để di cư đến Singapore năm 2011, sau đó trở thành nhà phê bình với Trung Quốc.

Pegatron Corporation, UMC và Apple đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về vấn đề này.

doi-tac-voi-apple-o-dai-loan-tranh-xa-hon-loan-chinh-tri-sau-chuyen-di-cua-ba-pelosi.jpg
Hai người đàn ông đi ngang qua một bảng hiệu của UMC ở Tân Trúc, Đài Loan. UMC đã tìm cách tách mình khỏi người sáng lập sau khi ông đưa ra những bình luận chỉ trích các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh đảo sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi - Ảnh: Reuters

Các phản ứng với chuyến thăm của bà Nancy Pelosi phản ánh nỗ lực kiểm soát thiệt hại rộng hơn từ các công ty Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Đài Loan. Vai trò quan trọng của Đài Loan trong lĩnh vực điện tử toàn cầu, đặc biệt là với tư cách là nhà cung cấp chất bán dẫn tiên tiến lớn nhất thế giới, đã dẫn đến những lo ngại về việc căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Trong cuộc họp với các lãnh đạo Pegatron và TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu thế giới), bà Nancy Pelosi đã nói chuyện với Chủ tịch TSMC Mark Liu về đạo luật Chips and Science (Chips và Khoa học) của Mỹ. Jason Cheng - Phó chủ tịch Pegatron cũng có mặt tại cuộc họp.

Đạo luật Chips and Science đã được Quốc hội thông qua lần cuối vào tuần trước và dự kiến ​​sẽ được ký thành luật trong vòng vài ngày. Bắc Kinh coi đạo luật này là một cách để Mỹ làm suy yếu vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, Trung Quốc đã cấm Đài Loan nhập khẩu nhiều mặt hàng thực phẩm, bao gồm một số loại bánh kẹo, bánh quy, bánh mì, trái cây họ cam quýt, sò điệp trắng ướp lạnh và cá thu đông lạnh. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã hạn chế xử phạt bất kỳ thiết bị điện tử nào, bao gồm cả chất bán dẫn mà các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang dựa vào.

Sau hơn 2 năm, Thượng viện và Hạ viện Mỹ cuối cùng đã thông qua đạo luật Chips and Science hồi cuối tháng 7.2022, phản ánh sự nhất trí của lưỡng đảng trong Quốc hội trước việc cần thiết phải chống lại khả năng trỗi dậy về công nghệ Trung Quốc. Đạo luật được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Joe Biden khi ông rất mong nó được ký thành luật.

Song theo các nhà phân tích, đạo luật mới, bao gồm 52 tỉ USD trợ cấp cho các nhà sản xuất chip của Mỹ, cùng hàng chục tỉ USD cho nghiên cứu khoa học, có khả năng sẽ phủ bóng đen lên an ninh chuỗi cung ứng và sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, dù tác động tức thời có thể được hạn chế.

Mỹ đã thu hút các công ty sản xuất chip trong một thời gian, với các ưu đãi khá lớn. Sẽ có nhiều công ty quan tâm đến việc tham gia và điều này chắc chắn sẽ tác động đến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc”, theo William Wang, Giám đốc điều hành công ty tư vấn IC Cafe có trụ sở tại Thượng Hải.

Theo William Wang, ảnh hưởng trực tiếp có thể sẽ mất nhiều năm để phát huy tác dụng, nhưng trên thực tế tác động cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các công ty chip có thể tận dụng chính sách hỗ trợ của Mỹ để định hình lại ngành công nghiệp toàn cầu hay không.

Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại về đạo luật mới và tác động của nó với ngành công nghệ Trung Quốc. Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố nước này kiên quyết phản đối các điều khoản trong đạo luật hạn chế hợp tác công nghệ thông thường giữa hai nước.

Theo Gu Wenjun, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn bán dẫn ICWise, biện pháp khuyến khích mới sẽ làm giảm đầu tư của các công ty quốc tế vào Trung Quốc, đồng thời thu hút vốn, nhân tài và chuỗi cung ứng ngành quay trở lại Mỹ.

Nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước sẽ làm suy yếu phạm vi tiếp cận các nguồn tài nguyên quốc tế của Trung Quốc. Về lâu dài, nó có thể làm cạn kiệt chuyển giao công nghệ và gây ra tình trạng tiêu hao tài năng với Trung Quốc”, Gu Wenjun nói.

Trung Quốc không phải là nước dẫn đầu trong chuỗi giá trị chất bán dẫn toàn cầu do phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Li Yizhong, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin giai đoạn 2008 - 2010, đầu tháng này nói rằng Trung Quốc phải nỗ lực gấp đôi để bắt kịp lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và vật liệu, nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo dữ liệu từ Gartner, các công ty Mỹ đang nắm quyền kiểm soát chặt chẽ chuỗi giá trị chất bán dẫn thượng nguồn, với 13 trong số 25 nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới tính theo doanh thu vào năm ngoái là của Mỹ.

Bài liên quan
Cổ phiếu TSMC và nhiều hãng chip lao dốc vì tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan
Cổ phiếu chất bán dẫn giảm trên toàn cầu hôm 2.8 khi rộ tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi có chuyến thăm Đài Loan, nơi Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các hãng công nghệ Đài Loan tránh xa tình trạng hỗn loạn chính trị sau chuyến đi của bà Pelosi