Xung đột thương mại và kiểm soát đại dịch chặt chẽ cản trở dòng tài năng thiết kế chip ở nước ngoài đến Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát tư nhân đã kết luận rằng căng thẳng Trung-Mỹ và các biện pháp kiểm soát đại dịch cứng nhắc của Trung Quốc đã làm giảm đáng kể dòng tài năng chip rất cần thiết vào nước này.
Theo cuộc khảo sát do công ty chip IP Arm China và ICWise có trụ sở tại Thượng Hải thực hiện, Trung Quốc đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân tài nghiêm trọng dù ngày càng có nhiều sinh viên mới tốt nghiệp gia nhập ngành này.
Cuộc khảo sát cho thấy Trung Quốc sẽ cần khoảng 320.000 chuyên gia thiết kế chip vào năm 2023, nhưng đội ngũ nhân tài của những chuyên gia như vậy đến 2021 chỉ là 221.000.
“Dù một số công ty Trung Quốc đã cố gắng thu hút một số lượng nhân tài cấp cao từ nước ngoài, điều đó vẫn còn rất xa so với nhu cầu phát triển của ngành. Do tác động của xung đột thương mại kinh tế Mỹ-Trung ngày càng tăng và việc bình thường hóa các biện pháp kiểm soát đại dịch, nhân tài mà các công ty vi mạch có kế hoạch thuê từ nước ngoài vào năm 2021 thấp hơn đáng kể so với 2020”, theo khảo sát dài 79 trang.
Các công ty thiết kế chip của Trung Quốc đã mọc lên như nấm trong những năm gần đây. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho thấy có 2.810 công ty thiết kế chất bán dẫn mới bắt đầu vào năm 2021, tăng 26,7% so với 2020, khi các doanh nghiệp Trung Quốc bắt tay vào thiết kế chip của riêng họ.
Theo cuộc khảo sát, số lượng chuyên gia thiết kế chip ở Trung Quốc tăng 10,7% hàng năm lên 221.000 người vào 2021, chiếm khoảng 1/3 tổng số nhân tài bán dẫn của đất nước. Ngoài thiết kế chip, hai lĩnh vực chủ chốt khác về việc làm là đóng gói và sản xuất.
Sự thiếu hụt nhân tài về chip của Trung Quốc là yếu tố chính cản trở tham vọng bán dẫn nước này.
Dựa trên mẫu gồm 160 chuyên gia thiết kế chip từ 10 công ty, cuộc khảo sát cho thấy khoảng 2/3 có mức lương cao hơn 200.000 nhân dân tệ (29.583 USD) mỗi năm, với 5% kiếm được hơn 1 triệu nhân dân tệ. Trong số nhóm được khảo sát, 37% cho biết họ có kế hoạch thay đổi công việc.
Hầu hết công ty được khảo sát có trụ sở tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, cũng như các thành phố nhỏ hơn là Vô Tích, Nam Kinh, Tô Châu, Tây An và Hàng Châu.
Các công ty thiết kế chip hoạt động trên một mô hình kinh doanh tương đối nhẹ về tài sản so với các xưởng đúc thâm dụng vốn, vốn đầu tư hàng chục tỉ USD vào thiết bị wafer fab để sản xuất các thiết kế chip. Kết quả, nhiều công ty bán dẫn lớn nhất thế giới là fabless (hãng có thiết kế bán dẫn nhưng không tự sản xuất), thích lấy chip từ các xưởng đúc hợp đồng như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC).
TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.
Cuộc khảo sát từ IP Arm China và ICWise cho thấy doanh thu từ lĩnh vực thiết kế chất bán dẫn của Trung Quốc tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2021 lên 451,9 tỉ nhân dân tệ, chiếm tỷ trọng lớn nhất (43%) trong tổng ngành công nghiệp bán dẫn nước này theo giá trị.
Trong khi đó, doanh thu từ lĩnh vực sản xuất chip đã tăng 24,1% vào năm 2021 lên 317,6 tỉ nhân dân tệ, chiếm 30% tổng doanh thu, trong khi kiểm tra và đóng gói chiếm 26,4%.