Ngày 30.11, Press TV cho biết vũ khí được sử dụng để ám sát Mohsen Fakhrizad, nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng của Iran, hôm 27.11 được sản xuất tại Israel.
Press TV là mạng tin tức và phim tài liệu thuộc sở hữu nhà nước của Iran phát sóng bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.
Một nguồn tin giấu tên nói với Press TV: “Vũ khí thu được từ địa điểm xảy ra vụ khủng bố (nơi Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát - PV) mang logo và thông số kỹ thuật của ngành quân sự Israel”.
Phát biểu về báo cáo của Press TV, người đứng đầu cơ quan tình báo Israel - siêu điệp viên Eli Cohen nói với đài phát thanh 103 rằng ông không biết ai phải chịu trách nhiệm.
Khi được hỏi về khả năng trả đũa của Iran, Eli Cohen nói với đài phát thanh 103: "Chúng tôi có ưu thế về tình báo khu vực, và về vấn đề này, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi đang tăng cường cảnh giác, ở những nơi cần thiết".
Sinh ra trong gia đình 8 người ở thành phố Alexandria của Ai Cập bên bờ Địa Trung Hải vào ngày 6.12.1924, Eli Cohen là điệp viên cự phách và trung thành của tình báo Israel, từng xâm nhập sâu vào bộ máy nhà nước Syria và suýt trở thành Tổng thống Israel.
Iran trong quá khứ đã cáo buộc Israel giết một số nhà khoa học hạt nhân của họ kể từ năm 2010.
Hôm 27.11, hãng thông tấn bán chính thức Tasnim (Iran) cho biết "những kẻ khủng bố đã cho nổ một chiếc ô tô khác" trước khi dùng một khẩu súng máy tự động điều khiển từ xa bắn vào chiếc xe chở Mohsen Fakhrizadeh và các vệ sĩ của ông trong một cuộc phục kích bên ngoài Thủ đô Tehran, Iran. Mohsen Fakhrizadeh đã chết ở bệnh viện sau đó.
Các nhân chứng nói rằng có những tay súng trên mặt đất, sau đó có sự hiện diện đông đảo của lực lượng an ninh chặn ô tô ở Tehran để tìm kiếm những kẻ giết người.
Hôm qua, Tổng thống Iran - Hassan Rouhani đã cáo buộc Israel ám sát Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học nổi tiếng của nước này bị phương Tây nghi ngờ điều hành chương trình bom hạt nhân bí mật.
Ông Hassan Rouhani nói: “Một lần nữa, bàn tay độc ác lính đánh thuê theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái (ám chỉ Israel) đã nhuốm máu của một người con trai Iran. Vụ ám sát Fakhrizadeh cho thấy sự tuyệt vọng và lòng căm thù sâu sắc của kẻ thù chúng ta” nhưng khẳng định: “Việc tử vì đạo của ông ấy sẽ không làm chậm thành tựu của chúng ta”.
Tổng thống Hassan Rouhani nói trong cuộc họp nội các trên truyền hình rằng Iran sẽ đáp trả "vào thời điểm thích hợp".
Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran, viết trên Twitter rằng các quan chức Iran phải nhận nhiệm vụ "theo đuổi tội ác này, trừng phạt những kẻ gây ra nó và những kẻ đã chỉ huy nó".
“Chắc chắn Iran sẽ trả đũa. Khi nào và như thế nào phụ thuộc vào lợi ích quốc gia của chúng ta. Nó có thể xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần tới, nhưng nó sẽ xảy ra”, một quan chức cấp cao của Iran nói với Reuters. Ông này nhắc lại cuộc tấn công tên lửa trả đũa của Iran hồi tháng 1 vào căn cứ của Iraq, nơi lực lượng Mỹ đóng quân, chỉ vài ngày sau khi máy bay không người lái của Mỹ giết chết chỉ huy quân sự hàng đầu Iran - tướng Qassem Soleimani ở Baghdad.
Fereydoon Abbasi, cựu lãnh đạo Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran, người đã sống sót sau một vụ ám sát năm 2010, cho biết: “Sự tử vì đạo của Fakhrizadeh sẽ thúc đẩy công việc hạt nhân của chúng tôi”.
Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, nói với đài truyền hình nhà nước: “Đây là một vụ ám sát rất phức tạp được thực hiện từ xa bằng các thiết bị điện tử. Chúng tôi có một số manh mối nhưng chắc chắn nhóm Monafeghin có liên quan và phần tử tội phạm đằng sau nó là chế độ Zionist (ám chỉ Israel) và Mossad (cơ quan tình báo nước nhà của Israel)”.
Monafeghin là thuật ngữ mà các quan chức sử dụng để chỉ Hội đồng Quốc gia Kháng chiến Iran (NCRI) có trụ sở tại Paris (Pháp), một khối bảo trợ của các nhóm đối lập lưu vong tìm cách chấm dứt chế độ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite.
Ít nhất 4 nhà khoa học đã bị giết trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2012, điều mà Tehran nói là kế hoạch ám sát nhằm phá hoại chương trình năng lượng hạt nhân của nước này. Iran luôn phủ nhận việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, nói rằng mục tiêu của họ chỉ là hòa bình.
Văn phòng Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu đã từ chối bình luận về vụ Fakhrizadeh bị ám sát. Bộ Ngoại giao Israel cho biết Bộ này không bình luận về vấn đề an ninh liên quan đến các phái bộ ở nước ngoài. Một Bộ trưởng Nội các Israel, Tzachi Hanegbi nói rằng ông không biết ai đã thực hiện nó.
Dù vậy, các đại sứ quán Israel đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi Iran đe dọa trả đũa vì Mohsen Fakhrizadeh vừa bị ám sát.
Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA và nhóm chuyển tiếp của Biden cũng từ chối bình luận về vụ Fakhrizadeh bị giết.
Hôm 30.11, Iran đã bắt đầu chôn cất Mohsen Fakhrizadeh tại một nghĩa trang ở phía bắc Tehran. Bộ trưởng Quốc phòng Iran - Thiếu tướng Amir Hatami hứa rằng Cộng hòa Hồi giáo sẽ trả đũa vụ giết ám sát Mohsen Fakhrizadeh.
Truyền hình nhà nước chiếu cảnh quan tài của Fakhrizadeh, được quấn bởi lá cờ Iran trong một buổi lễ tại Bộ Quốc phòng, nơi chỉ có vài chục chỉ huy quân đội cấp cao và gia đình của ông tham dự do đề phòng lây lan coronavirus.
“Kẻ thù biết và tôi với tư cách là một người lính, nói với họ rằng không có tội ác, không có kẻ khủng bố và không có hành động ngu ngốc nào sẽ không bị người dân Iran đáp trả”, Thiếu tướng Amir Hatami nói trong bài phát biểu trên truyền hình tại buổi lễ.
Thi thể Fakhrizadeh sau đó được chuyển đến nghĩa trang Emamzade Saleh ở phía bắc Tehran để chôn cất.
Mohsen Fakhrizadeh được cho là người lãnh đạo Dự án Amad - nỗ lực của Iran nhằm đạt được vũ khí hạt nhân.
Theo cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, dự án đã bị dừng vào năm 2003 nhưng các quan chức Israel đã nhiều lần cảnh báo rằng Iran vẫn chưa từ bỏ ý định có được hạt nhân.
Người đàn ông được mệnh danh là cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran gần như mai danh ẩn tích. Nhiều nỗ lực từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để tiếp cận Mohsen Fakhrizadeh cho một cuộc phỏng vấn nhưng bị Iran ngăn cản.
Năm 2013, Mohsen Fakhrizadeh được cho đã đến Triều Tiên dưới danh tính giả để chứng kiến một vụ phóng thử tên lửa.
Tháng 4.2018, Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu lần đầu tiên tiết lộ khuôn mặt của Mohsen Fakhrizadeh với thế giới trong bài thuyết trình trên truyền hình dựa trên hàng loạt tài liệu được Mossad (Cục tình báo nước nhà của Israel) trích xuất từ một nhà kho ở Tehran.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nói: "Hãy nhớ cái tên đó, Fakhrizadeh" sau khi thông báo rằng Mossad đã lấy được 100.000 file từ kho lưu trữ hạt nhân bí mật của Iran. Các file này tập trung vào chương trình hạt nhân bí mật của Iran được phát triển từ năm 1999 đến 2003 có tên là Dự án Amad, do Fakhrizadeh điều hành. Khi tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran đã phủ nhận rằng có một chương trình như vậy.