Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ trong năm nay nhiều hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Căng thẳng Đài Loan gia tăng, Mỹ-Nhật tăng cường tập trận nhằm đối phó với Trung Quốc

Hoàng Vũ | 13/08/2022, 14:56

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ trong năm nay nhiều hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Nikkei, tổng cộng 10 máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản và Không quân Mỹ đã tham gia các cuộc tập trận chung quanh Okinawa trong tuần này. Động thái này xảy ra cùng lúc với các cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh Đài Loan.

Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tính đến cuối tháng 7, Tokyo và Washington đã tổ chức tổng cộng 51 cuộc tập trận song phương vào năm 2022 , so với 34 cuộc vào năm 2021 và chỉ 23 cuộc tập trận năm 2020. 

Sự gia tăng các cuộc tập trận Mỹ - Nhật diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nga gia tăng hoạt động quân sự ở vùng lân cận Nhật Bản sau diễn biến tại Ukraine, cùng với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

fztep6zacaapevt.jpg
Các tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tham gia một cuộc tập trận vào ngày 7.8 với một tàu tiếp dầu của Mỹ - Ảnh: Nikkei

Việc tên lửa đạn đạo của Trung Quốc lần đầu tiên rơi vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trong tháng này, trong cuộc tập trận ở Đài Loan, nhấn mạnh nguy cơ Tokyo bị lôi kéo vào một cuộc xung đột xuyên eo biển.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã tham gia 29 cuộc tập trận chung với lực lượng Mỹ, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Lực lượng này đóng vai trò thiết yếu trong việc phòng thủ tên lửa ngoài khơi và giám sát các tàu Trung Quốc.

Các khu vực tập trung của Tokyo và Washington bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông, cùng với quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý (khu vực này cũng được Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và gọi là đảo  Điếu Ngư), và quần đảo Sakishima, một số điểm gần nhất của Nhật Bản với Đài Loan.

Các cuộc tập trận chung Mỹ - Nhật nhằm đảm bảo rằng các lực lượng hai nước có thể phối hợp với nhau một cách hiệu quả để đối phó với các mục tiêu chung quan trọng đối với cả hai bên. Chủ đề của các cuộc tập trận này xuất hiện trong một tuyên bố chung, được công bố sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 5, khi cho biết Tokyo và Washington sẽ "tăng cường năng lực chung, bao gồm cả việc sắp xếp các chiến lược và ưu tiên các mục tiêu chung".

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tham gia khoảng 20 cuộc tập trận chung với các đối tác bao gồm Ấn Độ và Úc, các thành viên khác của Nhóm an ninh Quad, cũng như Anh, Pháp và các quốc gia Đông Nam Á. Tháng 6 đã chứng kiến ​​các lực lượng Nhật Bản tập trận với NATO lần đầu tiên sau gần 4 năm.

Chất lượng của các bài tập đang được cải thiện cùng với số lượng của chúng. Trong cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương vào mùa hè năm nay, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản lần đầu tiên tham gia các cuộc tập trận trên thực địa nhằm đối phó các mối đe dọa đối với sự tồn vong của Nhật Bản.

Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tuyên bố nước này có thể diễn giải việc Trung Quốc tấn công Đài Loan là "mối đe dọa đến sự tồn vong của Tokyo", qua đó triển khai lực lượng nhằm mục đích phòng vệ tập thể.

“Nếu một biến cố lớn xảy ra tại Đài Loan, đó sẽ không hề là điều xa lạ nếu nó đụng chạm đến tình huống đe dọa sự tồn vong. Nếu trường hợp đó xảy ra, Nhật Bản và Mỹ phải cùng bảo vệ Đài Loan”, Phó thủ tướng Taro Aso khẳng định.

Nếu một cuộc tấn công nhằm vào một đối tác thân cận của Nhật Bản - chẳng hạn như Mỹ - gây nguy hiểm cho người dân Nhật Bản, một kịch bản mà Tokyo có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể của mình. Điều khoản này có thể là cơ sở cho việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia vào một cuộc xung đột ở Đài Loan.

"Mục tiêu lớn nhất của các cuộc tập trận chung là cải thiện khả năng tương tác. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể học các chiến thuật mới nhất của quân đội Mỹ và phía Washington có cơ hội đánh giá khả năng của lực lượng Nhật Bản", cựu Tham mưu trưởng MSDF Tomohisa Takei nói với Nikkei. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng Đài Loan gia tăng, Mỹ-Nhật tăng cường tập trận nhằm đối phó với Trung Quốc