Hãng chip khổng lồ Nvidia (Mỹ) sẽ thảo luận về các thỏa thuận hợp tác về chất bán dẫn với Việt Nam và những hãng công nghệ nước ta trong một cuộc họp vào ngày 11.12 ở thủ đô Hà Nội, Reuters đưa tin.
Việt Nam là nơi đặt các nhà máy lắp ráp chip lớn, trong đó có nhà máy lớn nhất thế giới của Intel. Nước ta đang cố gắng mở rộng sang thiết kế chip và có thể cả sản xuất chip.
Ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Nvidia, vào ngày 11.12 sẽ gặp đại diện của chính phủ Việt Nam và các công ty nước ta. Mục đích là để thảo luận các cách “thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và mối quan hệ đối tác tiềm năng của Nvidia với các hãng công nghệ Việt Nam”, theo Reuters dẫn nội dung thư mời dự sự kiện.
Theo một nguồn tin trong ngành nắm rõ việc chuẩn bị cho cuộc gặp, Nvidia dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ với ít nhất một công ty Việt Nam.
Theo Reuters, FPT, VinGroup và Viettel cho biết sẽ tham dự cuộc họp hôm 11.12 với Nvidia nhưng từ chối bình luận về bất kỳ thỏa thuận nào có thể xảy ra.
Nvidia, hãng sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) và bộ xử lý đồ họa (GPU) lớn nhất thế giới, đã hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu Việt Nam để triển khai AI trong ngành công nghiệp đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe, theo một tài liệu được Nhà Trắng công bố vào tháng 9 khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Có trụ sở tại thành phố Santa Clara (bang California, Mỹ), Nvidia là hãng chip có giá trị nhất thế giới (hơn 1.160 tỉ USD) và thiết kế ra các chip phức tạp nhất cần thiết để phát triển thế hệ AI mới nhất.
Nvidia hợp tác với công ty Malaysia trong dự án phát triển AI trị giá gần 4,3 tỉ USD
YTL Power International, đơn vị của tập đoàn YTL (Malaysia), sẽ hợp tác với Nvidia để phát triển cơ sở hạ tầng AI tại quốc gia Đông Nam Á này, trong một thỏa thuận đầu tư trị giá gần 4,3 tỉ USD.
Trong một tuyên bố hôm 8.12, YTL Power International cho biết giai đoạn đầu tiên của dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2024.
Trước đó, Reuters đưa tin Nvidia và YTL đang đàm phán nâng cao để hợp tác về cơ sở hạ tầng AI, bao gồm cả siêu máy tính và điện toán đám mây, với dự án sẽ được lưu trữ tại một trung tâm dữ liệu ở bang Johor, phía nam Malaysia.
Theo thỏa thuận, hai công ty sẽ hợp tác xây dựng siêu máy tính nhanh nhất Malaysia sử dụng chip AI Nvidia, và YTL Power International cũng dùng nền tảng điện toán đám mây AI của Nvidia để xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn bằng tiếng Malaysia, YTL Power International cho biết.
Thông báo xác nhận dự án sẽ được tổ chức tại công viên trung tâm dữ liệu của YTL ở thị trấn Kulai, bang Johor.
Sự hợp tác này nhằm củng cố hệ sinh thái AI đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á cũng như tham vọng của Malaysia với tư cách là cường quốc sản xuất chất bán dẫn. Quốc gia này đã chứng kiến các khoản đầu tư trị giá hàng tỉ USD ngày càng tăng từ các công ty bán dẫn toàn cầu trong những năm gần đây, gồm cả từ Intel và Infineon.
Malaysia là một trung tâm quan trọng với cơ sở hạ tầng máy tính ở Đông Nam Á, nơi đòi hỏi khả năng tiếp cận đất đai, cơ sở vật chất và năng lượng. “YTL có thể đóng một vai trò lớn trong đó”, ông Hoàng Nhân Huân nói với các phóng viên.
Thủ tướng Malaysia - Anwar Ibrahim đã đăng trên mạng xã hội X (trước đây gọi là Twitter) rằng sự hợp tác giữa Nvidia và YTL sẽ liên quan đến khoản đầu tư trị giá 20 tỉ ringgit (4,29 tỉ USD).
Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết sau cuộc gặp với ông Hoàng Nhân Huân và Yeoh Seok Hong - Giám đốc điều hành YTL Power International: “Quyết định đầu tư vào Malaysia là tín hiệu rõ ràng rằng các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những gã khổng lồ công nghệ, tiếp tục đưa đất nước chúng ta trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu trong khu vực này”.
Cách đây hai ngày, khi đến Singapore, ông Hoàng Nhân Huân nói với các phóng viên rằng Huawei, Intel và một nhóm các công ty khởi nghiệp bán dẫn đang mở rộng đặt ra thách thức lớn với vị trí thống lĩnh của Nvidia trên thị trường chip AI.
Huawei (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến) là hãng dẫn đầu ở Trung Quốc về công nghệ chip và trở lại nổi bật trong năm nay với bộ xử lý tiên tiến Kirin 9000s 7 nanomet do SMIC sản xuất trong nước. SMIC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc.
"Chúng tôi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, ở Trung Quốc và bên ngoài Trung Quốc. Hầu hết đối thủ cạnh tranh không thực sự quan tâm đến việc chúng tôi đang ở đâu. Họ muốn cạnh tranh với chúng tôi ở mọi nơi chúng tôi đến", ông Hoàng Nhân Huân tuyên bố.
Các câu hỏi về Trung Quốc là đáng chú ý trong chuyến đi Singapore của ông Hoàng Nhân Huân. Tại đây, Giám đốc điều hành Nvidia gặp Thủ tướng Singapore - Lý Hiển Long để thảo luận về chiến lược của quốc gia Đông Nam Á này nhằm cạnh tranh trong cuộc đua AI toàn cầu. Chip AI của Nvidia đã trở thành mặt hàng hot nhất trong thời kỳ bùng nổ AI, vì cung cấp phương pháp hiệu quả nhất để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn, chẳng hạn GPT-4 làm nền tảng cho ChatGPT.
Thế nhưng, Mỹ đã thắt chặt việc hạn chế xuất khẩu chip AI tiên tiến của Nvidia sang Trung Quốc vào giữa tháng 10. "Chúng ta không thể để Trung Quốc có được những chip này. Chấm hết", Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo cho biết cuối tuần trước.
Tại Singapore, Hoàng Nhân Huân nói rằng Trung Quốc trước đây chiếm khoảng 20% doanh số bán hàng của Nvidia và công ty sẽ tiếp tục tuân thủ hoàn toàn các quy định thương mại.
Tỷ phú 60 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan phải đương đầu với những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng tăng nhắm vào chip AI Nvidia vì sản phẩm này có tầm quan trọng chiến lược trong cán cân quyền lực giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nvidia sẽ cung cấp một bộ sản phẩm mới cho thị trường Trung Quốc phù hợp với các quy định mới nhất đến từ Mỹ, ông Hoàng Nhân Huân nói thêm.
Theo ông Hoàng Nhân Huân, Nvidia có phục vụ khách hàng Trung Quốc tại Singapore. Trong số các công ty Trung Quốc lớn góp mặt ở Singapore có ByteDance (chủ sở hữu TikTok và là nhà tuyển dụng lớn tại địa phương) cũng như các hoạt động đám mây quốc tế của Tencent và Alibaba. Doanh số bán hàng cho khách tại Singapore, gồm cả các công ty Trung Quốc, chiếm khoảng 15% doanh thu của Nvidia trong ba tháng kết thúc vào tháng 10, theo một bản báo cáo theo quy định.
Singapore coi việc mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số là công cụ để kích thích tăng trưởng rộng hơn. Nước này có các nhà máy sản xuất chip kém tiên tiến hơn do Globalfoundries và các công ty toàn cầu khác điều hành. Nhà sản xuất chip AI hàng đầu cho Nvidia là TSMC và NXP Semiconductors NV (cũng điều hành một liên doanh tại Singapore).
Hoàng Nhân Huân sinh ra ở Đài Loan, đồng sáng lập Nvidia vào giữa những năm 1990 và hiện được chào đón như người hùng lúc trở lại châu Á, sau khi công ty của ông nằm trong danh sách các hãng có vốn hóa ngàn tỉ USD.
Trước khi gặp Thủ tướng Singapore, ông Hoàng Nhân Huân đã tới Tokyo (thủ đô Nhật Bản) để gặp Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura và trao đổi về tiềm năng của Nhật Bản về việc xây dựng hệ sinh thái AI trong nước.