Đài phát thanh Mỹ NPR cho biết đội ngũ nhân viên nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang chạy đua tìm nguồn nước để giữ cho cơ sở hoạt động an toàn.
Sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka, mực nước tại hồ chứa cấp nước cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia giảm nhanh chóng. Đội ngũ nhân viên phải gấp rút trữ đầy ao, kênh và hồ nhân tạo nhỏ cạnh nhà máy.
Chuyên gia hạt nhân Edwin Lyman (tổ chức Union of Concerned Scientists) nhận định tình hình hiện tại chưa phải khủng hoảng, nhưng mất đi nguồn nước quan trọng khiến nhà máy chịu thêm sức ép vốn đã rất lớn trong hơn 1 năm bị Nga chiếm đóng.
Trước đó nhà máy từng bị mất điện, hỏa hoạn, pháo kích – loạt sự kiện mà chuyên gia Lyman đánh giá là đã làm giảm khả năng phòng thủ của cơ sở.
Nhà máy điện hạt nhân tạo ra rất nhiều nhiệt nên cần lượng nước lớn để hạ nhiệt. Đây là lý do tại sao nhà máy Zaporizhzhia nằm gần hồ chứa đập Nova Kakhovka thuộc hàng lớn nhất Ukraine.
Hồ chứa đập Nova Kakhovka có kích thước gần bằng hồ Great Salt (hồ kín lớn thứ 4 thế giới), cung cấp nước giúp làm mát nhà máy Zaporizhzhia suốt hàng thập kỷ.
Thế rồi đập bị vỡ. Chỉ trong vài ngày mực nước hồ chứa giảm hơn 6 mét.
Hiện các lò phản ứng của nhà máy Zaporizhzhia chưa gặp sự cố gì. Cựu nhân viên Olexiy Kovynyev cho biết cơ sở có ao làm mát rộng hơn 3.000 mét tách biệt với hồ chứa. Công ty hạt nhân nhà nước Ukraine (Energoatom) tuyên bố mực nước ao vẫn ổn định dù hồ chứa cạn kiệt.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác định ao làm mát cùng vài nguồn nước khác đủ dùng trong vài tháng. Theo ông Kovynyev nhờ các lò phản ứng đang ngừng hoạt động nên cần ít nước hơn.
Nhưng ngay cả khi ngừng hoạt động, nhiên liệu phóng xạ trong lò phản ứng vẫn tạo ra nhiệt suốt nhiều năm. Vì vậy đội ngũ nhân viên không thể bỏ đi và nhà máy vẫn cần nước để làm mát.
Với việc hồ chứa đập Nova Kakhovka không còn khả dụng trong tương lai gần, nhà máy cần tìm thêm nguồn nước thay thế. IAEA đề xuất huy động nước giếng tại chỗ hay thậm chí dùng máy bơm di động lấy nước từ nơi khác đến. Thiết lập hệ thống cấp nước thay thế đòi hỏi nhiều nhân lực – một thách thức lớn cho cơ sở.
Chuyên gia Lyman cảnh báo nếu lò phản ứng không có nước, nhiên liệu bên trong có thể tan chảy dẫn đến rò rỉ khí phóng xạ một cách chậm rãi.
Kỹ sư hạt nhân Jacopo Buongiorno (Viện Công nghệ Massachusetts) nhận định do nhà máy đã ngừng hoạt động thời gian dài, tình trạng nhiên liệu tan chảy nếu xảy ra sẽ không thảm khốc như thảm họa Chernobyl năm 1986.