Nỗi đau đớn hiển hiện như một cơ thể sống, nhưng luôn bị rất nhiều phụ nữ Việt Nam chôn chặt, cố gắng giấu diếm và đối đầu với nó trong đơn độc, tối tăm. 

Chia sẻ thầm kín của một phụ nữ trẻ mắc bệnh ung thư vú

Một Thế Giới | 01/10/2014, 18:00

Nỗi đau đớn hiển hiện như một cơ thể sống, nhưng luôn bị rất nhiều phụ nữ Việt Nam chôn chặt, cố gắng giấu diếm và đối đầu với nó trong đơn độc, tối tăm. 

LTS: Trên facebook của chị, chị viết rằng “nhắc nhau về phòng tránh và phát hiện sớm ung thư vú. Chỉ vậy thôi nhưng đã là một cách yêu thương hơn người phụ nữ của mình rồi”. 

Chị là Nguyễn Khánh Thương, sinh năm 1982. Ở tuổi 20, chị được biết đến như là một trong những thủ lĩnh của những hoạt động tình nguyện trong cả nước; sau là giảng viên khoa báo chí trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. 

Thương mắc ung thư vú giai đoạn 4 sau lễ ăn hỏi ít ngày. Lúc đó chị mới qua sinh nhật tuổi 30 ít tháng. Không có triệu chứng gì đặc biệt, ngoài triệu chứng sưng nhẹ ở giữa cẳng tay, chị đã mất rất nhiều thời gian đi khám ở nhiều bệnh viện mới có chẩn đoán chính xác. 

Quá trình tìm hiểu về bệnh tật và điều trị khiến chị nhận ra rằng, những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú thiếu thốn các hỗ trợ về thể chất lẫn tinh thần; còn phụ nữ Việt Nam nói chung thiếu thốn thông tin giáo dục về căn bệnh một cách nghiêm trọng. Đó là lý do thúc giục chị thành lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (www.bcnv.org.vn). Qua đó, đã có hàng trăm phụ nữ được tiếp cận với bài tập phục hồi chức năng sau mổ, tóc giả trong khi truyền hóa chất, những thông tin về quản lý tác dụng phụ…

Dưới đây là một tâm sự rất thật và sâu kín của Thương về căn bệnh của mình, với mong muốn hỗ trợ được nhiều hơn những phụ nữ không may mắc bệnh ung thư vú, cũng như là một “sợi chỉ” kết nối yêu thương hơn của xã hội với những khó khăn mà người mắc bệnh phải trải qua. 

Một Thế Giới xin giới thiệu cùng bạn đọc.

---- 

Chia se tham kin cua mot phu nu tre mac benh ung thu vu
Ảnh: Tạ Hoàng Mai Anh

Chia sẻ thầm kín của một phụ nữ trẻ mắc bệnh ung thư vú (phần 1)

Dịch xong một bài báo về 1 công bố nghiên cứu thuốc mới trong điều trị ung thư vú, tôi quay ra chia sẻ với chồng: “Em vừa dịch một bài về thuốc mới trong điều trị ung thư vú. Nhưng thuốc này không dành cho em vì trong bài nói rằng thuốc phát huy tác dụng tốt đối với phụ nữ mắc ung thư vú hậu mãn kinh (post-menapause). Chồng thản nhiên: em là phụ nữ hậu mãn kinh mà.
Tôi ngẩn ngơ mất một lúc. Chồng nói đúng. Chồng nói sự thật. Tôi quên mất là mình đang sống cuộc sống thể chất và cả tâm lý của một phụ nữ ngũ tuần chứ không phải một cô gái mới ngoài 30 tuổi. Ung thư vú không chỉ cắt ngắn cuộc đời của tôi, mà đánh cắp trải nghiệm đẹp đẽ nhất của đời người, cướp đi cơ hội làm mẹ và bắt tôi chứng kiến rất nhiều tổn thương và mất mát của chính tôi và của những người xung quanh.
Những điều tôi sắp nói có lẽ là nỗi niềm của nhiều phụ nữ Á đông mắc ung thư vú lúc tuổi đời còn trẻ. Tôi không chia sẻ để thoả mãn sự tò mò của đám đông hay khi chồng tôi không phải là đàn ông Việt. Tôi cũng chẳng lên tiếng để gây sốc hay tìm kiếm danh tiếng, khi thực tế là chưa có một phụ nữ Việt nào lại "bô bô" kể ra những khổ sở và buồn đau sâu kín của mình và rất dễ dàng bị quy kết vạch áo cho người xem lưng.
Tôi chia sẻ chân thành để bạn tự có câu trả lời và suy ngẫm riêng mình về những nỗi đau có thật của những người phụ nữ trẻ mắc ung thư vú. Nỗi đau đớn hiển hiện như một cơ thể sống, nhưng luôn bị rất nhiều phụ nữ Việt Nam chôn chặt, cố gắng giấu diếm và đối đầu với nó trong đơn độc, tối tăm.
Và để một lúc nào đó, một ngày nào đó bạn sẽ thông cảm và yêu thương được những phụ nữ phải chiến đấu với căn bệnh như tôi, ở giai đoạn như tôi và yêu lấy mình để không bao giờ phải kinh qua những đoạn trường gian khó ấy.

Ung thư vú đã làm gì cơ thể, tâm hồn tôi?

Thuốc nội tiết điều trị ung thư vú làm tôi tắt kinh nguyệt hơn 1,5 năm nay. Trải qua mọi triệu chứng mãn kinh, tôi hiểu hơn những lúc khó ở của mẹ mình. Tôi mắc chứng hay quên hoặc bị tật nói nhịu. Ví dụ, đầu thì nghĩ muốn ăn cơm mà miệng thì nói ra là mình thèm phở. Chuyện này xảy ra hàng ngày, có ngày vài bận. Hoặc nói đi nói lại một việc không biết bao nhiêu lần mà vẫn cứ đinh ninh là mình chưa nói lần nào cả hoặc quên biến một việc đã hứa.

Thuốc nội tiết cũng khiến nhu cầu tình dục tắt ngấm. Bộ phận sinh dục vì thế cũng khô hạn như một hệ quả tất yếu. Việc chẳng hòa hợp và cân bằng nhu cầu tình dục trong đời sống lứa đôi có thể là một mâu thuẫn âm ỉ làm tổn thương lẫn nhau, và nghiêm trọng hơn nó làm một tổ ấm có thể rạn nứt và đổ vỡ.
Chia se tham kin cua mot phu nu tre mac benh ung thu vu
 Ảnh: Thương Sobey

Tôi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú tháng 4.2014. Phụ nữ nhìn cơ thể tôi chắc cũng còn cám cảnh, nói gì đến đàn ông. Phải mất hơn 2 tháng kể từ lúc mở băng vết mổ, tôi mới thấy hết sợ hãi những vết sẹo trên ngực mình. Tôi mới vượt qua được cảm giác mình thật xấu xí và mới ngừng hỏi chính mình rằng, tôi có còn là phụ nữ không?

Điều trị ung thư vú đã di căn khiến toàn bộ xương cốt, cơ khớp bị tổn thương, đau đớn. Nói cách khác, tôi sẽ đồng phải sống chung, phải làm bạn với những đau đớn bất tận về thể xác. Và vì thế đừng ngạc nhiên, khi bạn nghe thấy một bệnh nhân ung thư than thở họ thèm chết hoặc muốn chết cho xong. Những lúc đau quá mà thuốc giảm đau không giúp được nhiều, thì ý nghĩ giá mà chết đi được cho đỡ nhọc xác, đỡ đau đớn, đỡ khổ cho người thân lại có dịp xuất hiện. Điều đó cũng hết sức bình thường. 

Tôi uống 3 liều giảm đau hàng ngày, mỗi liều có tác dụng trong vòng 8 tiếng để tôi vẫn có thể sống, sinh hoạt như một người bình thường. Nên nếu bạn thấy cũng một người bệnh ung thư di căn nhưng tươi tỉnh, khỏe khoắn như người bình thường thì cũng đừng mặc định rằng họ chẳng sao cả. 

Hàng đêm, tôi mất ngủ vì lúc thì quá nóng, mồ hôi toát ra, cả người hầm hập. Nhưng được một lát thì cả cơ thể co lại dúm dó vì lạnh. Thuốc ngủ chẳng xi-nhê gì. Đêm nào ngủ được 3-4 tiếng là đêm đó thấy vui. Mỗi sáng thức dậy đỡ cảm thấy kiệt quệ năng lượng, cả ngày bớt dật dờ như xác chết. Rồi chỉ cần ăn uống thay đổi nho nhỏ là táo bón, nào thì tiêu chảy, nào thì mất hết cả vị giác, lẫn nhu cầu thèm ăn, thèm uống… nào là ăn vào lại muốn nôn sạch ra, nhai thức ăn mà như một cực hình…khi truyền hóa chất. 

Rồi tóc rụng. Cái đầu trọc lốc tố cáo rằng: tôi đang bị ung thư. Da dẻ nhăn nheo, cháy xạm, khuôn mặt tiều tụy, hốc hác và mệt mỏi vô cùng. Nói trắng ra, tôi là một phụ nữ không đủ khả năng làm vợ, làm mẹ. Với nhiều phụ nữ, rơi vào cảnh như thế thì chết cho rồi, sống sao nổi. Với nhiều đàn ông nhìn vào tôi thì sẽ tự hỏi, mình làm yêu sao mà được 1 phụ nữ như thế…

(còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chia sẻ thầm kín của một phụ nữ trẻ mắc bệnh ung thư vú