Quan chức y tế bang Washington, Mỹ cho biết các triệu chứng đáng chú ý ban đầu do BA.2 (biến thể Omicron “tàng hình”) gây ra.
Điều quan trọng là phải cập nhật các triệu chứng liên quan đến biến thể mới nhất, để có thể nhận biết được nếu nhiễm nó, đi xét nghiệm, tránh lây lan vi rút cho người khác và tìm cách điều trị nếu cần thiết.
1. Chóng mặt và mệt mỏi
Một số triệu chứng ban đầu với BA.2 đã được báo cáo, quan chức y tế bang Washington - Francisco Velazquez nói vào tuần trước. Trong đó, chóng mặt và mệt mỏi là triệu chứng cần theo dõi, ông nói. Điều quan trọng là phải cảnh giác với các triệu chứng bất thường. Thật không may khi nhiễm BA.1 (biến thể Omicron ban đầu) trước đó dường như không có khả năng bảo vệ chống lại nhiễm BA.2, ông Francisco Velazquez nói. Thế nhưng, tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin COVID-19 sẽ giúp bảo vệ khỏi bệnh nặng hoặc tử vong.
2. Đau dạ dày
Từ những ngày đầu tiên của đại dịch, các nhà khoa học của ZOE COVID Symptom Study (dự án nghiên cứu triệu chứng COVID-19 do chính phủ Anh tài trợ) đã theo dõi các triệu chứng liên quan đến các ca mắc COVID-19 mới. Đầu tháng này, các nhà khoa học cho biết có sự tăng mạnh trong các báo cáo về việc đau dạ dạy từ giữa tháng 12.2021 đến giữa tháng 1.2022.
Họ cho biết: “Các vấn đề về đường tiêu hóa (GI) - chẳng hạn như tiêu chảy, đau dạ dày, cảm thấy buồn nôn và chán ăn hoặc bỏ bữa - đều có thể là triệu chứng của COVID-19”. Song chưa rõ liệu Omicron có gây khó chịu cho dạ dày hơn các biến thể trước không. Sự gia tăng các triệu chứng về đường tiêu hóa cũng có thể là do bệnh cúm dạ dày theo mùa.
Cúm dạ dày là một bệnh nhiễm trùng đường ruột với các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng và nôn mửa. Hiện chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu với cúm dạ dày, việc điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
3. Các triệu chứng Omicron không quá khác biệt so với Delta
Mặt khác, các nhà khoa học ZOE COVID Symptom Study nói các triệu chứng Omicron không khác biệt rõ rệt so với Delta. Trên thực tế, 5 triệu chứng thường được báo cáo là giống nhau gồm chảy nước mũi, nhức đầu, mệt mỏi, hắt hơi và đau họng. Các nhà nghiên cứu cho biết bệnh nhân cũng thường xuyên bị mất cảm giác thèm ăn và sương mù não (suy giảm nhận thức).
Theo CDC, các triệu chứng mắc COVID-19 phổ biến nhất gồm:
Sốt hoặc ớn lạnh
Ho
Thở gấp hoặc khó thở
Mệt mỏi
Đau nhức cơ hoặc cơ thể
Đau đầu
Mất vị giác hoặc khứu giác
Viêm họng
Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
Buồn nôn hoặc nôn mửa
Bệnh tiêu chảy
4. Làm thế nào để biết bạn bị cảm lạnh hay COVID-19?
Làm thế nào để phân biệt được ho, đau họng là do cảm lạnh hoặc COVID-19? Theo các chuyên gia, nếu không xét nghiệm COVID-19, bạn thực sự không thể biết được. Lời khuyên của chuyên gia: Nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường, hãy xét nghiệm COVID-19 càng sớm càng tốt ngay cả khi bạn đã tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin, cách ly cho đến khi biết kết quả.
5. Các phương pháp giữ an toàn
Thực hiện các nguyên tắc cơ bản trong đại dịch này. Bất kể sống ở đâu, bạn hãy tiêm vắc xin COVID-19 càng sớm càng tốt. Nếu sống trong khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, bạn hãy đeo khẩu trang N95, hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, tránh đám đông lớn, không đi vào không gian trong nhà nơi cộng cộng với những người không quen biết, đặc biệt là trong quán bar; thực hành tốt vệ sinh tay.
Một nghiên cứu của Đan Mạch phát hiện ra rằng việc bị nhiễm 2 dòng Omicron khác nhau là có thể xảy ra.
Ở Đan Mạch, BA.2 đã truất ngôi BA.1. Điều nhiều người quan tâm là liệu một người có thể nhiễm cả hai biến thể này hay không.
Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Statens Serum Institut (SSI) - Cơ quan quản lý bệnh truyền nhiễm hàng đầu Đan Mạch, những người nhiễm BA.1 có thể nhiễm BA.2 sau đó, nhưng đây là trường hợp hiếm khi xảy ra.
Các tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi cung cấp bằng chứng cho thấy việc tái nhiễm Omicron BA.2 là rất hiếm nhưng có thể xảy ra tương đối ngắn sau khi nhiễm BA.1”.
BA.1 và BA.2 khác nhau tới 40 đột biến. BA.2 hiện chiếm hơn 88% các ca mắc COVID-19 ở Đan Mạch. Số ca nhiễm BA.2 cũng gia tăng ở Vương quốc Anh, Nam Phi và Na Uy.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, việc nhiễm BA.2 sau BA.1 phần lớn ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi chưa tiêm vắc xin và chỉ gây ra bệnh nhẹ, không có trường hợp nào dẫn đến nhập viện hoặc tử vong.
Nghiên cứu đã tìm thấy 1.739 trường hợp nhiễm BA.2 sau BA.1 trong khoảng thời gian từ ngày 21.11.2021 đến ngày 11.2.2022, trong đó bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính hai lần cách nhau từ 20 đến 60 ngày.
Trong khoảng thời gian đó, hơn 1,8 triệu ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở Đan Mạch.
Từ một nhóm mẫu nhỏ hơn, nghiên cứu tìm thấy 47 trường hợp tái nhiễm BA.2 ngay sau khi nhiễm BA.1. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ít vi rút hơn ở lần nhiễm BA.2, cho thấy một số khả năng miễn dịch đã được phát triển từ lần nhiễm đầu tiên.
Một nghiên cứu của Đan Mạch phát hiện ra BA.2 có khả năng lây truyền cao hơn so với BA.1 và lây nhiễm mạnh hơn ở những người đã tiêm vắc xin.
Nghiên cứu phân tích các ca mắc COVID-19 trong hơn 8.500 hộ gia đình Đan Mạch từ tháng 12.2021 đến tháng 1.2022, cho thấy những người nhiễm BA.2 có nguy cơ lây truyền vi rút cho người khác cao hơn khoảng 33% so với những ai nhiễm BA.1.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi kết luận rằng Omicron BA.2 về cơ bản có khả năng lây truyền cao hơn BA.1 và nó cũng sở hữu các đặc tính tránh miễn dịch, làm giảm thêm tác dụng bảo vệ từ việc tiêm vắc xin”.
Nghiên cứu vẫn chưa được đánh giá bởi các nhà nghiên cứu tại Statens Serum Institut, Đại học Copenhagen, Thống kê Đan Mạch và Đại học Kỹ thuật Đan Mạch.
"Nếu tiếp xúc với ca nhiễm BA.2 trong gia đình, bạn có 39% xác suất lây vi rút trong vòng 7 ngày. Thay vào đó, nếu tiếp xúc với ca nhiễm BA.1, xác suất là 29%", Frederik Plesner, tác giả chính của nghiên cứu nói với Reuters.
Điều đó cho thấy BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn BA.1 khoảng 33%, ông Frederik Plesner nói thêm.