Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết chính quyền Biden “lo ngại” việc đáp ứng yêu cầu của Ukraine về bom chùm.

Chính quyền Biden lo ngại về việc cung cấp bom chùm cho Ukraine

Hoàng Vũ | 11/12/2022, 14:25

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết chính quyền Biden “lo ngại” việc đáp ứng yêu cầu của Ukraine về bom chùm.

“Theo chính sách của chúng tôi, chúng tôi lo ngại về việc sử dụng các loại vũ khí đó”, ông Kirby nói với các phóng viên hôm 9.12, từ chối xác nhận bất kỳ yêu cầu cụ thể nào từ Kyiv.

Các quan chức và nghị sĩ Ukraine trong những tháng gần đây đã cố gắng thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ cung cấp cho quân đội Ukraine các loại bom và đạn chùm. Đây là loại vũ khí hiện đã bị cấm tại hơn 100 quốc gia, nhưng cả Mỹ, Nga và Ukraine đều không cấm.

Politico dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết yêu cầu cung cấp bom và đạn chùm của Ukraine là một trong những yêu cầu gây tranh cãi nhiều nhất trong nội bộ chính quyền Biden.

Bom chùm, lần đầu tiên được sử dụng trong Thế chiến 2, là loại bom bi cỡ nhỏ được chứa trong quả bom mẹ cỡ lớn. Khi nổ, bom mẹ bắn bom con ra một vùng rộng lớn, khi rơi xuống mục tiêu, bom con sẽ nổ gây sát thương cho người hay phá hủy xe cơ giới.

Chúng được thiết kế để tiêu diệt nhiều mục tiêu quân sự trên một khu vực rộng lớn, nhưng cũng gây nguy hiểm đáng kể cho dân thường. Bom chùm thường có 2 loại. Một là kiểu buộc tất cả các bom con lại rồi treo dư­ới cánh hoặc thân máy bay. Thứ hai là kiểu hộp, tức cho rất nhiều bom nhỏ vào trong một chiếc hộp, hộp bom sau khi thả từ máy bay đến độ cao nhất định, dư­ới tác động của thuốc nổ sẽ bung ra, ném các bom con xuống.

Theo quan chức Mỹ, Washington hiện không phải là bên ký kết lệnh cấm quốc tế đối với Công ước về bom đạn chùm năm 2010. Tuy nhiên yêu cầu cung cấp bom chùm “khá phức tạp” và chúng có nguy cơ gây thiệt hại đối với dân thường. Một số loại bom chưa phát nổ có thể bị bỏ lại trên chiến trường.

Quốc hội Mỹ hiện đã áp đặt các hạn chế theo luật định đối với khả năng chuyển giao bom đạn chùm của Washington, với lý do rủi ro đối với dân thường. Tổng thống Mỹ Joe Biden hoặc Ngoại trưởng Antony Blinken có thể bác bỏ những ràng buộc này, nhưng phải đáp ứng một tiêu chuẩn cao.

Bên cạnh đó, việc cung cấp bom chùm cho Ukraine sẽ tạo hình ảnh xấu cho Mỹ khi Washington gần đây đã cam kết 89 triệu USD giúp Kyiv dọn sạch bom của Nga hiện rải rác trên những khu vực rộng lớn của đất nước. Số tiền này sẽ tài trợ cho 100 đội gỡ mìn ở Ukraine trong năm tới và sẽ được dùng để xác định các khu vực bị nặng nhất, đồng thời giúp đào tạo và trang bị cho lực lượng Ukraine thực hiện các nhiệm vụ gỡ bom mìn.

Lầu Năm Góc hôm 9.12 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, gồm các khả năng phòng không mới. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ không nêu rõ những hệ thống nào đang được chuyển giao, nhưng cho biết chúng sẽ được sử dụng để chống lại máy bay không người lái và tên lửa của Nga.

Gói này cũng gồm cả đạn dược bổ sung cho hệ thống HIMARS, 80.000 viên đạn pháo 155mm, xe cứu thương và thiết bị y tế, khoảng 150 máy phát điện và thiết bị dã chiến. Tổng cộng, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh trị giá gần 20 tỉ USD cho Kyiv kể từ Nga gây chiến tại Ukraine.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Biden lo ngại về việc cung cấp bom chùm cho Ukraine