Đội ngũ của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang cân nhắc xem có nên dỡ bỏ thuế với hàng Trung Quốc để giảm lạm phát hay không.
Quá trình ra quyết định trở nên phức tạp hơn khi có đến hơn 400 yêu cầu giữ nguyên thuế gửi đến Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR). Trong số đơn vị gửi yêu cầu có một ủy ban quy tụ 24 hội đoàn – từ Liên đoàn Lao động (AFL-CIO) cho đến Hiệp hội Phi công (ALPA).
Nếu dỡ bỏ thuế, Tổng thống Biden sẽ quay lưng lại đối tượng cử tri quan trọng: người lao động. Ông lâu nay xây dựng hình tượng là nhà lãnh đạo đứng về phía người lao động, đảng Dân chủ của ông cũng cần đến các hội đoàn để giành chiến thắng bầu cử năm 2020.
Sau nhiều tuần cân nhắc phương án dỡ bỏ thuế, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 5.7 cho biết đội ngũ của Tổng thống Biden còn xem xét nhiều chiến lược khác nhau.
“Vấn đề này có nhiều yếu tố, đặc biệt là chính quyền trước áp đặt thuế một cách hỗn loạn phi chiến lược. Vì vậy chúng tôi muốn đảm bảo có được cách tiếp cận phù hợp. Đội ngũ của ông đang làm việc để tìm ra cách tiếp cận”, theo bà Jean-Pierre. Thư ký báo chí Nhà Trắng từ chối đưa ra mốc thời gian cụ thể khi được hỏi liệu có phải Tổng thống Biden chờ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rồi mới ra quyết định hay không.
Một số nguồn thạo tin tiết lộ Tổng thống Biden muốn ghép chuyện dỡ bỏ thuế với cuộc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về hành vi trợ cấp công nghiệp, nỗ lực thống trị một số ngành công nghiệp trọng yếu - chẳng hạn như ngành bán dẫn - của Trung Quốc.
Điều tra Mục 301 có thể mất tới 1 năm với kết quả là áo đặt thuế quan mới. Nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Biden định áp đặt thuế với hàng hóa mang tính chiến lược nhiều hơn thay vì hàng tiêu dùng như áo cotton hay bộ định tuyến internet.
Vấn đề thuế được nêu ra trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 5.7. Tuyên bố Bộ Tài chính Mỹ đưa ra sau đó không hề đề cập đến thuế mà chỉ tập trung vào trừng phạt nhắm vào Nga cùng vài vấn đề kinh tế rộng lớn hơn.
Lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất 4 thập kỷ qua, chi phí nhiên liệu cùng thực phẩm tăng vọt đem lại áp lực kinh tế nặng nề cho các hộ gia đình lẫn áp lực chính trị to lớn cho chính quyền đương nhiệm.
Đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng gián đoạn, cuộc chiến tại Ukraine là 3 nguyên nhân chính gây lạm phát. Nhà Trắng bị chỉ trích thiếu linh hoạt, chậm chạp trong kiềm chế lạm phát. Tổng thống Biden hiện đứng trước lựa chọn khó khăn: duy trì thuế quan và đối mặt với lạm phát hay điều chỉnh để giảm lạm phát và tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc.