Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden tái hợp tác với cộng đồng quốc tế, chuyển trọng tâm sang đối phó Trung Quốc và rút quân khỏi Afghanistan một cách hỗn loạn.

Chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm 2021

Cẩm Bình | 26/12/2021, 11:05

Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden tái hợp tác với cộng đồng quốc tế, chuyển trọng tâm sang đối phó Trung Quốc và rút quân khỏi Afghanistan một cách hỗn loạn.

Khi chính thức nắm quyền vào đầu năm 2021, Tổng thống Biden cam kết từ bỏ chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập của người tiền nhiệm để quay lại đường lối kề vai sát cánh với đồng minh và đối tác chủ chốt, khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ, chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan - cuộc chiến lâu dài nhất trong lịch sử Mỹ, đối phó Trung Quốc ngày càng quyết đoán hiệu quả hơn, tìm kiếm mối quan hệ ổn định với Nga, khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran, xây dựng chính sách nhập cư ở biên giới phía nam theo hướng nhân đạo hơn.

Sau 1 năm, chính quyền Mỹ đương nhiệm quả thực rất nỗ lực thiết lập lại quan hệ với các đồng minh quan trọng và tự định vị mình ở vai trò trung tâm trong xử lý các cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng cũng hứng chịu không ít chỉ trích. Ông PJ Crowley - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama - nhận xét: “2021 là năm chuyển đổi. Tổng thống Biden thay thế sự nóng nảy thời Trump bằng chủ nghĩa thực dụng, đây là một thành tựu thực sự nhưng cũng đem lại thử thách cho năm 2022. Sau khi đã tái xây dựng chính sách đối ngoại Mỹ, liệu ông ấy có đem lại thành quả ý nghĩa nào không?”.

Tái hợp tác với cộng đồng quốc tế

Ngay thời gian đầu nắm quyền, Tổng thống Biden đã nhanh chóng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận Paris về khí hậu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ông cũng trấn an các đồng minh NATO, hàn gắn quan hệ với các nước láng giềng Bắc Mỹ, đẩy mạnh hợp tác với Liên Hợp Quốc, đặt Mỹ vào vai trò lãnh đạo cuộc chiến đối phó biến đổi khí hậu, chống đại dịch COVID-19, bảo vệ quyền tự do dân sự.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9, Tổng thống Biden tuyên bố mở ra kỷ nguyên “ngoại giao không ngừng nghỉ” của Mỹ để thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Ông kết thúc năm bằng Hội nghị cấp cao về Dân chủ quy tụ nhà lãnh đạo của nhiều chính phủ và tổ chức xã hội dân sự nhằm tìm cách đối phó chủ nghĩa độc tài cùng tham nhũng, thúc đẩy tôn trọng nhân quyền.

joe-biden-un-general-assembly-speech.jpg
Ông Biden tuyên bố thực hiện "ngoại giao không ngừng nghỉ" - Ảnh: Fox News

Nhiều đồng minh lâu năm hoan nghênh cách tiếp cận dễ đoán hơn của Tổng thống Biden, nhưng như vậy không có nghĩa năm qua không có bất hòa.

Động thái rút quân khỏi Afghanistan một cách hỗn loạn khiến Mỹ giảm sút uy tín. Tờ The Washington Post từng cho biết các đồng minh Mỹ than phiền rằng họ không được tham vấn đầy đủ về quyết định chính sách đem lại rủi ro cho an ninh quốc gia họ - trái với lời hứa hợp tác toàn cầu từ Tổng thống Joe Biden. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng tự hỏi liệu có thể tin tưởng Washington thực hiện cam kết an ninh lâu dài hay không.

Gần đây, hoạt động đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Biden với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về tình hình biên giới Ukraine được cho làm dấy lên lo ngại lẫn giận dữ từ phía thành viên NATO thuộc Đông Âu - những quốc gia lo ngại sẽ có nhượng bộ gây hại.

Liên minh Mỹ - Anh - Úc (Aukus) khiến Canberra quyết định bỏ hợp đồng mua tàu ngầm Pháp cũng gây nên một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Washington đắc tội với đồng minh lâu đời nhất.

Đối phó Trung Quốc

Vào tháng 11, Tổng thống Biden hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - sự kiện dường như để hạ nhiệt căng thẳng đang ngày càng gia tăng.

Thương chiến Mỹ - Trung từ năm 2018 tiếp tục kéo dài đến nay. Trong khi đó, chính quyền Mỹ đương nhiệm tìm cách tập hợp đồng minh tại châu Âu lẫn châu Á chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, xây dựng hàng loạt thỏa thuận quốc phòng và chuyển sức mạnh quân sự sang đối phó Trung Quốc.

Mỹ xác định rõ Trung Quốc là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu. Ngoại trưởng Antony Blinken từng xác định đối thủ châu Á là quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ đủ lớn để thách thức hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở khiến thế giới vận hành theo cách Mỹ muốn.

ap21320043338795.jpg
Mỹ xem Trung Quốc là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu - Ảnh: AP

Mỹ chỉ trích Trung Quốc rất nhiều vấn đề, từ tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, Đài Loan đến tình trạng vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông, Tân Cương. Trong số này, “điểm nóng” gây căng thẳng nhất là vấn đề Đài Loan.

Trung Quốc chưa từng loại bỏ khả năng thống nhất bằng vũ lực. Năm qua nước này liên tục cho máy bay quân sự tiếp cận không phận Đài Loan, với quy mô lớn hơn những đợt xâm phạm năm ngoái.

Tháng 10 năm nay, Tổng thống Biden dường như muốn từ bỏ chính sách “mơ hồ chiến lược” lâu nay khi tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công đảo tự trị. Nhà Trắng sau đó lên tiếng rút lại tuyên bố, khẳng định không thay đổi chính sách “một Trung Quốc”.

Đưa tin cuộc hội đàm trực tuyến tháng 11, tờ Hoàn cầu thời báo cho biết Chủ tịch Tập cảnh báo Tổng thống Biden rằng Mỹ đang “chơi với lửa” khi ủng hộ Đài Loan độc lập.

Afghanistan

Năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump ký thỏa thuận rút quân khỏi Afghanistan với hạn chót đưa toàn bộ lực lượng rời khỏi là tháng 5.2021. Tổng thống Biden lùi hạn chót đến tháng 9, nhưng vẫn xúc tiến kế hoạch.

Hoạt động rút quân diễn ra nhanh như chớp, cuộc di tản sân bay quốc tế ở Kabul với hàng nghìn người Afghanistan rất hỗn loạn. Đến ngày 26.8, ISIS-K (“chân rết” của IS tại Afghanistan) thực hiện một vụ đánh bom liều chết trước lối vào sân bay giết chết ít nhất 180 người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ. Vụ việc làm bùng lên chỉ trích rút quân là một sai lầm về chiến lược lẫn tình báo. Sau vụ đánh bom liều chết, Mỹ mở chiến dịch không kích nhắm vào ISIS-K nhưng lại giết nhầm một gia đình dân thường.

Chính quyền đương nhiệm bảo vệ quyết định rút quân. Washington đến nay vẫn thừa nhận chính quyền do Taliban lập nên, Qatar đại diện cho các lợi ích ngoại giao của Mỹ ở Afghanistan.

Trước nguy cơ khủng hoảng nhân đạo bùng nổ sau khi Taliban lên nắm quyền, Mỹ vào ngày 22.12 cho phép viện trợ cho Afghanistan thông qua Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức phi chính phủ.

rtxfog1q.jpg
Mỹ kết thúc cuộc chiến dài nhất lịch sử bằng một cuộc rút quân hỗn loạn - Ảnh: Foreign Policy

Trung Đông

Như chính quyền tiền nhiệm, chính quyền đương nhiệm cũng không còn quá xem trọng Trung Đông nên dần chuyển nguồn lực quân sự ra khỏi khu vực.

Ngày 9.12, Mỹ thông báo sứ mệnh chiến đấu do Mỹ dẫn đầu tại Iraq đã chính thức kết thúc. Tuy nhiên họ vẫn có lực lượng thực hiện nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ quân sự. Trong khi đó, 900 quân Mỹ ở Syria có lẽ sẽ không sớm rút đi.

Chính quyền đương nhiệm kế thừa Hiệp định Abraham (giúp một số quốc gia Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Israel) ký dưới thời ông Trump. Vào tháng 11, Mỹ, Bahrain, Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) lần đầu tiên công khai tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đỏ.

Tổng thống Biden duy trì quan hệ bền chặt với Israel, nhưng có vài động thái báo hiệu sẽ chấm dứt cách tiếp cận dễ dãi mà ông Trump từng áp dụng: đưa công ty Israel NSO Group vào “danh sách đen” vì cung cấp phần mềm giúp một số chính quyền theo dõi người bất đồng chính kiến, nhà báo và nhân vật đối lập, cam kết mở một lãnh sự quán Mỹ cho người Palestine tại Jerusalem, chỉ trích các khu định cư Israel.

Về vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống Biden là người ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc đạt được với Iran năm 2015. Phía Iran cũng tỏ muốn quay trở lại, nhưng 2 nước còn bất đồng về thời điểm dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ và dỡ bỏ loại trừng phạt. Tình hình càng thêm phức tạp sau khi chính trị gia bảo thủ Ebrahim Raisi đắc cử Tổng thống Iran.

Nỗ lực đàm phán trước đó chỉ mang lại kết quả khiêm tốn. Vòng đàm phán thứ 8 - Mỹ tham gia gián tiếp - chuẩn bị diễn ra vào ngày 27.12.

Nga

Mong muốn tìm kiếm mối quan hệ ổn định với Nga ban đầu đã bị tiêu tan khi Nga đưa quân đến sát biên giới Ukraine làm dấy lên lo ngại vụ sáp nhập Crimea năm 2014 sẽ lặp lại.

Hội đàm trực tuyến với Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 7.12, Tổng thống Biden cảnh báo Nga sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nếu dám xâm lược Ukraine. Tuy nhiên ông lại cho biết đơn phương dùng quân đội đối phó Nga không phải phương án được xem xét đến.

Tổng thống Putin thì lại yêu cầu Mỹ cùng NATO đưa ra cam kết không cho Ukraine gia nhập NATO. Washington từ chối làm vậy, nhấn mạnh rằng chỉ có thành viên khối mới có quyền quyết định việc này.

np_file_128223.jpeg
Mỹ - Nga căng thẳng vì vấn đề Ukraine - Ảnh: The Japan Times

Châu Phi

Đến nay, chính sách ngoại giao của Mỹ tại châu Phi chủ yếu tập trung vào xoa dịu xung đột ở Ethiopia, xử lý hậu quả của cuộc tiếp quản quân sự gần đây ở Sudan, cũng như hỗ trợ sáng kiến thương mại dưới thời Trump.

Nhưng khi sang công du tháng 11, Ngoại trưởng Blinken lại nói về một cải tổ sâu rộng trong cách tiếp cận, xem châu Phi như “thế lực địa chính trị lớn” chứ không phải là nơi cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng dự định tổ chức hội nghị thượng đỉnh để thúc đẩy hợp tác với các nhà lãnh đạo châu Phi.

Mỹ Latin

Nhiều người đánh giá Tổng thống Biden không làm đúng cam kết xây dựng chính sách nhập cư ở biên giới phía nam theo hướng nhân đạo hơn. Chính quyền đương nhiệm viện dẫn một quy định y tế thời đại dịch để gửi người di cư và người xin tị nạn về nước, mặc dù bổ sung thêm quy định miễn trừ cho trẻ vị thành niên không có người đi kèm.

Trong khi đó, một tòa án liên bang yêu cầu chính quyền khôi phục chính sách giữ người di cư và người xin tị nạn ở Mexico cho đến khi yêu cầu của họ được xử lý. Chính quyền phản đối nhưng đã thua kiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
6 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm 2021