Các nhà phân tích nói với CNBC rằng việc Ấn Độ cấm các ứng dụng Trung Quốc có thể giúp các công ty công nghệ cây nhà lá vườn của nước này phát triển. Điều này cũng tạo cơ hội cho các đại gia công nghệ Mỹ từ lâu đã coi Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, là rất quan trọng với triển vọng tăng trưởng trong tương lai của họ.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc khiến nhiều công ty ở Ấn Độ trả giá, cơ hội lớn cho Mỹ

04/09/2020, 14:50

Các nhà phân tích nói với CNBC rằng việc Ấn Độ cấm các ứng dụng Trung Quốc có thể giúp các công ty công nghệ cây nhà lá vườn của nước này phát triển. Điều này cũng tạo cơ hội cho các đại gia công nghệ Mỹ từ lâu đã coi Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, là rất quan trọng với triển vọng tăng trưởng trong tương lai của họ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Goa, Ấn Độ, vào ngày 16.10.2016 - ảnh: AFP

Hôm 2.9, Ấn Độ đã cấm 118 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có VPN for TikTok, Baidu, WeChat Work, Tencent Weiyun, Pitu, Rise of Kingdoms, APUS Launcher, Tencent Weiyun, Mobile Taobao, Youko, Sina News, CamCard, PUBG và cả phiên bản thu nhỏ của game này.

PUBG của Tencent phổ biến nhất trong số 118 ứng dụng trên, với hơn 50 triệu người chơi ở Ấn Độ.

Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin của Ấn Độ tuyên bố rằng các ứng dụng này đã “tham gia vào các hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn của đất nước”. Chính phủ Ấn Độ cũng cáo buộc các ứng dụng này gửi dữ liệu của công dân họ đến các máy chủ đặt bên ngoài nước.

PUBG thu hút hơn 50 triệu người chơi ở nước Ấn Độ

Hôm 29.6, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok, WebChat, UC Browser.

Căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới leo thang khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc đụng độ quân sự trên dãy Himalaya vào tháng 6.2020. Căng thẳng lại bùng lên khi ngày 29.8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết quân đội Trung Quốc đã "thực hiện các động tác quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng" tại biên giới. Trong khi phía Trung Quốc nói rằng Ấn Độ đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc" với các hoạt động vào hôm 31.8 và yêu cầu quân đội nước này rút lui.

Hôm 1.9, hãng AFP đưa tin đặc công Ấn Độ gốc Tây Tạng đã "hy sinh trong cuộc đụng độ" với Trung Quốc tối 29.8 nhưng không tiết lộ được tên người lính. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh phủ nhận thông tin này và cho biết không có binh sĩ Ấn Độ nào thiệt mạng trong đợt căng thẳng mới nhất ở biên giới hai nước.

“Các công ty Trung Quốc đang nhận một bài học đau đớn. Chính sách đối ngoại từ Trung Quốc đã cướp đi hoạt động kinh doanh của họ. Địa chính trị của Trung Quốc với Ấn Độ đã dẫn đến sự sụp đổ trên toàn quốc với các công ty Trung Quốc”, Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF) - công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto (Canada), nói với CNBC.

Chính phủ Ấn Độ đã nhắm mục tiêu cụ thể đến các ứng dụng. Trang Bloomberg đưa tin, vào tháng 7.2020, hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc là Huawei và ZTE cũng sắp ngừng hoạt động thử nghiệm 5G ở Ấn Độ. Nếu điều đó xảy ra, Ấn Độ sẽ theo sau những nước khác như Úc và Anh loại trừ Huawei khỏi các mạng di động thế hệ tiếp theo.

Việc đàn áp công nghệ Trung Quốc mang lại cơ hội cho các công ty công nghệ Ấn Độ và Mỹ.

Rodger Baker, Phó chủ tịch cấp cao về phân tích chiến lược của công ty Stratfor (Mỹ), nói với CNBC: Rõ ràng chúng tôi đã thấy người Ấn Độ có lập trường quyết liệt hơn trong việc cấm các ứng dụng Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc, so với Mỹ đã đưa ra trong trận chiến với Trung Quốc”.

"Một phần của điều đó là người Ấn Độ đang cố gắng khuấy động công nghệ trong nước, thực sự khuyến khích sự phát triển lĩnh vực công nghệ của họ và cố gắng định vị mình cũng như một nơi để các quốc gia khác có thể đầu tư vào phát triển công nghệ", Rodger Baker chia sẻ thêm.

Đôi bên cùng có lợi cho Ấn Độ và Mỹ

Ấn Độ tỏ ra hấp dẫn với các công ty công nghệ Trung Quốc muốn mở rộng bên ngoài thị trường nội địa của mình.

Các nhà đầu tư và công ty Trung Quốc đang đầu tư khoảng 4 tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ. 18 trong số 30 ‘kỳ lân Ấn Độ’ (các công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỉ USD) hiện do Trung Quốc tài trợ.

Trong khi ứng dụng TikTok đang vộn lộn ở Mỹ để thách thức đại gia công nghệ Facebook và Google, nhà sản xuất smartphone Xiaomi (Trung Quốc) đã củng cố vị trí hàng đầu ở Ấn Độ.

Có rất nhiều thứ, không chỉ các hãng công nghệ Trung Quốc ở Ấn Độ mà cả các công ty khởi nghiệp dựa vào tiền từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc – PV).

Abishur Prakash nói: “Các công ty công nghệ Trung Quốc biết rằng thời kỳ mở rộng tự do trên toàn thế giới đã qua”. Điều này mang lại cơ hội cho những công ty công nghệ Mỹ ở Ấn Độ, thị trường mà họ đã chào hàng như động lực tăng trưởng chính trong tương lai và cố gắng khai thác với các mức độ thành công khác nhau.

Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, nói với CNBC: Việc cấm các ứng dụng Trung Quốc để lại một khoảng trống lớn cần lấp đầy cho ngành. Nó mang lại nhiều cơ hội hơn cho những công ty lâu năm từ Mỹ và các nơi khác để mở rộng thị phần. Ví dụ, việc cấm TikTok đang mang lại lợi ích cho Instagram Reels”.

Instagram Reels hưởng lợi khi TikTok bị cấm ở Ấn Độ

Phản ứng mạnh mẽ của Ấn Độ với công nghệ Trung Quốc xảy ra khi Mỹ tiếp tục gây áp lực lên các công ty lớn nhất Trung Quốc.

Hôm 6.8, Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh cấm giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu ứng dụng TikTok và WeChat.

Đầu năm nay, Washington cũng đã sửa đổi quy tắc nhằm loại bỏ Huawei khỏi các nguồn cung cấp chất bán dẫn quan trọng.

“Cả Ấn Độ và Mỹ đang nhìn thấy sự hội tụ về lợi ích. Quy tắc lớn nhất của Thủ tướng Narendra Modi là tự lực cánh sinh. Từ quốc phòng đến thương mại điện tử, ông ấy không muốn Ấn Độ phụ thuộc vào bất cứ thứ gì từ nước ngoài. Trong khi đã xây dựng ngành công nghiệp phần mềm nội địa của riêng mình thì Ấn Độ lại tụt hậu về phần cứng, như chip. Các công ty Mỹ đang trông đợi cơ sở mới để xây dựng phần cứng và cơ sở người tiêu dùng mới để đưa sản phẩm của họ đến. Đó là một kết quả đôi bên cùng có lợi và tốt cho tất cả", Abishur Prakash nhận định.

Thung lũng Silicon đặt cược vào Ấn Độ

Những công ty công nghệ khổng lồ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đang tìm cách mở rộng sự hiện diện của họ ở Ấn Độ.

Chỉ chiếm 1% thị phần smartphone ở Ấn Độ, Apple đã bắt đầu bán iPhone XR được lắp ráp tại Ấn Độ vào năm ngoái. Apple cho biết họ “háo hức” mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Ấn Độ. Theo Counterpoint Research, thị trường smartphone của Ấn Độ bị thống trị bởi Xiaomi và Samsung, hai công ty chiếm hơn 50% thị phần.

Theo Neil Shah, Apple không chỉ coi Ấn Độ là thị trường trọng điểm cho nhu cầu smartphone mà còn là địa điểm sản xuất vì muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Ấn Độ có hơn nửa tỉ người dùng smartphone và là thị trường smartphone lớn thứ hai trên thế giới. Với việc mua smartphone thứ ba hoặc thứ tư của họ trong những năm tới, người tiêu dùng có xu hướng sắm một chiếc máy tốt hơn, mở ra cơ hội cho Apple. Hơn nữa, xu hướng chống Trung Quốc ở Ấn Độ sẽ có lợi cho Apple vì hiện tại phân khúc cao cấp, OnePlus đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho họ”, Neil Shah nói.

OnePlus là thương hiệu điện thoại thuộc sở hữu của công ty BBK Electronics (Trung Quốc).

Hôm 24.7, trang India Times đưa tin Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone 11 tại nhà máy Foxconn gần thành phố Chennai, thủ phủ của bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. Đây là lần đầu đại gia công nghệ Mỹ sản xuất một mẫu iPhone hàng đầu tại Ấn Độ, đánh dấu sự thúc đẩy cho chiến dịch Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ) ​​của chính phủ nước này.

Apple đã sản xuất iPhone XR và iPhone 11 ở Ấn Độ thay vì Trung Quốc

Trong khi Google với YouTube, Facebook cùng dịch vụ nhắn tin WhatsApp đã rất phổ biến ở Ấn Độ.

Cả Facebook và Google gần đây đã đầu tư hơn 10 tỉ USD vào công ty dịch vụ kỹ thuật số Jio Platforms của Ấn Độ.

Jio Platforms có một số thương hiệu, gồm cả mảng kinh doanh viễn thông Reliance Jio, phát triển nhanh chóng nhờ vào giá cả cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp dịch vụ di động số một ở Ấn Độ tính theo doanh thu và cơ sở thuê bao.

Khoản đầu tư này được coi là cách để Facebook và Google có được chỗ đứng lớn hơn tại thị trường Ấn Độ.

“Không như Apple, Google và Facebook không có quyền thâm nhập vào thị trường smartphone lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Vì vậy, Ấn Độ là thị trường smartphone quy mô lớn nhất cho hai công ty này. Việc hợp tác với công ty viễn thông lớn nhất, đầy tham vọng và có ảnh hưởng nhất Ấn Độ, mang lại cho họ một đối tác tuyệt vời để củng cố vị trí và quy mô của họ tại thị trường này”, Neil Shah nói.

Mối quan hệ ngắn hạn

Sự căng thẳng gần nhất giữa hai nước đông dân nhất thế giới có thể làm giảm tham vọng của các công ty công nghệ Trung Quốc tại Ấn Độ nhưng không chắc ngăn tham vọng mở rộng toàn cầu từ họ. Theo Abishur Prakash, các công ty Trung Quốc có thể đưa ra nhiều lựa chọn hơn.

“Họ có thể bắt đầu xây dựng các sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho một số thị trường nhất định, thay vì toàn thế giới. Điều này sẽ làm tăng cường cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc nếu các công ty Trung Quốc xây dựng dấu ấn lớn hơn ở một số khu vực nhất định”, Abishur Prakash nói.

Ấn Độ cũng đang thúc đẩy chương trình nghị sự về công nghệ cây nhà lá vườn của mình dưới thời Thủ tướng Modi. Dù Ấn Độ và Mỹ hiện có thể liên quan vì đều gây áp lực với công nghệ Trung Quốc, mối quan hệ giữa hai nước có thể mong manh.

“Trong ngắn hạn, thông qua công nghệ, New Delhi và Washington có thể thúc đẩy một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Tuy nhiên về lâu dài, cũng do công nghệ, Mỹ và Ấn Độ có thể thấy mình ở vị trí tương tự như Mỹ - Trung hiện nay”, Abishur Prakash nhận xét.

Nhân Hoàng

Bài liên quan
Huawei trỗi dậy, doanh số iPhone ở Trung Quốc quý 1/2024 giảm đến 19%, tệ nhất kể từ năm 2020
Dữ liệu thị trường cho thấy doanh số iPhone ở Trung Quốc đã giảm 19% trong quý 1/2024, thành tích tồi tệ nhất kể từ năm 2020, khi sự thống trị của Apple ở phân khúc cao cấp phải đối mặt với áp lực từ Huawei.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc khiến nhiều công ty ở Ấn Độ trả giá, cơ hội lớn cho Mỹ