Chip bán dẫn được xem là xương sống của kỷ nguyên công nghệ. Việt Nam đang trên con đường bước vào lĩnh vực trăm tỉ USD, "hot" bậc nhất này.
Nhìn lại năm 2023, bức tranh kinh tế của Việt Nam được mở rộng ra với nhiều lĩnh vực tiềm năng, hấp dẫn. Trong đó, từ khóa được giới đầu tư nước ngoài tìm kiếm về Việt Nam chính là "chip bán dẫn".
Một lĩnh vực đang rất thu hút sự chú ý của toàn thế giới, nhỏ nhưng vô cùng quan trọng. Những con chip bán dẫn được mệnh danh là "xương sống" của kỷ nguyên công nghệ. Chip bán dẫn là thành phần cốt lõi cực kỳ thiết yếu trong không chỉ xe ô tô mà còn máy bay, điện thoại, CPU máy tính, tivi, tủ lạnh và gần như tất cả các thiết bị điện tử khác. Mọi cường quốc đều muốn làm chủ công nghệ này.
Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời "ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam".
Tuyên bố nhắc đến việc khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Theo thống kê vào tháng 2 của Cục Thống kê dân số Mỹ, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2.2022 lên 562,5 triệu USD sau một năm, chiếm 11,6% thị phần. Con số ấn tượng đưa Việt Nam cùng một số khu vực ở châu Á vào Top thị trường tăng trưởng mạnh nhất, theo đánh giá của Bloomberg.
Việt Nam hiện có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip, theo thống kê của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam. Còn theo Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Việt Nam có 1.072 công bố quốc tế liên quan đến ngành bán dẫn, 635 công bố liên quan đến vi mạch tính đến hết 2022.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được nhận định có nhiều tiềm năng tạo đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Chính vì thế, nước ta đã tận dụng mọi cơ hội để tạo dấu ấn trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: "Năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng và không chỉ có vậy đó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới.
"Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gien về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gien là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.
Phát triển công nghiệp bán dẫn là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số, công nghiệp chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hóa nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà.
"Công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp", Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Chiều 23.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và làm việc nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Công ty TNHH Hana Micron Vina, Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc của Việt Nam và là ngành mới nổi trên thế giới, song phát triển rất mạnh. Thời gian qua, Việt Nam đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư về lĩnh vực này. Thủ tướng đánh giá cao về sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian qua và chiến lược phát triển đến năm 2025.
Động thái trên được đánh giá là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỉ USD và có sức ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực trên thế giới.