Ngành đồ uống đã chịu tác động kép từ dịch COVID-19 và Nghị định 100 dẫn đến năng lực sản xuất của DN đồ uống xuống mức dưới 80% so với trước đại dịch.

Chịu tác động kép, năng lực sản xuất ngành đồ uống xuống thấp

Hoài Lam | 16/06/2021, 16:53

Ngành đồ uống đã chịu tác động kép từ dịch COVID-19 và Nghị định 100 dẫn đến năng lực sản xuất của DN đồ uống xuống mức dưới 80% so với trước đại dịch.

Từ đầu năm 2020, ngành đồ uống nói chung và ngành bia rượu nói riêng bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch COVD-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

do-uong.jpg
Năng lực sản xuất ngành đồ uống xuống thấp

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), cùng với ngành thực phẩm, ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam.

Đây là ngành huy động nhiều nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, tạo ra nhiều việc làm và tham gia đóng góp ngân sách mỗi năm; góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, ngành đồ uống đã chịu tác động kép từ dịch COVID-19 và Nghị định 100 dẫn đến năng lực sản xuất của nhóm doanh nghiệp đồ uống hiện nay hoạt động ở mức dưới 80% so với trước đại dịch.

Trong khi hơn 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch… thì có đến 63,7% khách hàng đã cắt giảm chi tiêu cho bia rượu.

Do tác động kép đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đồ uống đều ghi nhận sự sụt giảm doanh thu trong năm 2020.

Điển hình là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) báo cáo lợi nhuận âm trong quý 1 và quý 2/2020, sang quý 3/2020 tình hình kinh doanh đã sáng sủa hơn. Tính chung cả năm 2020, doanh thu thuần của Sabeco đạt 27.961 tỉ đồng, giảm 26,2% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 4.937 tỉ đồng, giảm 8,1%.

Đối với Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 đạt 7.514 tỉ đồng, giảm 20,1%; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 485,1 tỉ đồng, giảm 25,4%.

Quan sát tác động của Nghị định 100 cho thấy lưu lượng khách đến các quán ăn giảm rõ rệt và người dân có xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác như nước suối, nước có ga, các loại đồ uống không cồn…

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp sản xuất đồ uống phát triển với tốc độ nhanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu. Bình quân giai đoạn này, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất đồ uống tăng 5,8%/năm; trong đó năm 2016 tăng 10,4%; năm 2017 tăng 6,1%; năm 2018 tăng 7,9%; năm 2019 tăng 10,5%; riêng năm 2020 giảm 5,1% do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Nghị định 100.

Lượng tiêu thụ các sản phẩm đồ uống, đặc biệt đồ uống có cồn có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016-2019, tuy nhiên giảm mạnh trong năm 2020. Cụ thể, năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, bằng 1,02 lần. Năm 2020, lượng bia các loại bình quân đầu người là 40,5 lít, giảm 7,1 lít so với năm 2019; sản lượng bia đạt 3.955,1 triệu lít, giảm 13,9%; chỉ số tiêu thụ ngành đồ uống giảm 6,3% so với năm 2019.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, hạn chế tụ tập, ăn uống nơi công cộng.

Vì vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành đồ uống trong tháng 5 giảm 0,5% so với tháng trước; tuy nhiên tính chung 5 tháng đầu năm 2021 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước do IIP 5 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh 14,6%; sản lượng bia các loại 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1.714,1 triệu lít, tăng 11,7% (5 tháng đầu năm 2020 giảm 24,5%).

Tổng cục Thống kê cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp nội địa có năng lực cạnh tranh cao, dẫn đầu thị trường về sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, đối với bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn với rào cản kỹ thuật từ thị trường, khối lượng hàng hóa nhỏ, chi phí logistics cao làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa.

Ngoài ra, những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.

Đồng thời, để phù hợp với luật giao thông đường bộ, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản phẩm từ đồ uống có cồn sang đồ uống không cồn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chịu tác động kép, năng lực sản xuất ngành đồ uống xuống thấp