Robin Zeng Yuqun, người sáng lập kiêm Chủ tịch CATL - hãng sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới, cho biết căng thẳng địa chính trị phải được gạt sang một bên khi thế giới đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu pin quan trọng như lithium, niken và coban do nhu cầu tăng cao.
Thế giới số

Chủ tịch CATL: Nên gạt bỏ căng thẳng địa chính trị để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu pin ô tô điện

Sơn Vân 19/01/2024 18:35

Robin Zeng Yuqun, người sáng lập kiêm Chủ tịch CATL - hãng sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới, cho biết căng thẳng địa chính trị phải được gạt sang một bên khi thế giới đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu pin quan trọng như lithium, niken và coban do nhu cầu tăng cao.

“Các quốc gia, từ nhà lãnh đạo chính phủ đến các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ, phải hợp tác để tăng tốc đổi mới trong ngành công nghiệp pin ô tô điện nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định, giảm phụ thuộc vào các kim loại quan trọng và khử carbon trong ngành vận tải để giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Chúng ta thực sự nên tránh mọi vấn đề địa chính trị trong công nghệ tái chế pin. Nếu chúng ta có thể cung cấp những công nghệ tái chế này cho châu Âu, Mỹ và phần còn lại của thế giới thì việc quản lý các vấn đề khai thác sẽ rất dễ dàng. Nhu cầu về các nguyên liệu quan trọng có thể tăng gấp 5 lần trong 10 năm tới do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của ngành. Song cuối cùng, khi chúng ta đạt được 100% ô tô điện, sẽ chỉ có một lượng rất nhỏ nguyên liệu quan trọng mới được khai thác”, Robin Zeng Yuqun nói tại Diễn đàn kinh tế Thế giới ở trị trấn Davos, Thụy Sĩ hôm 18.1.2024.

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công nghệ tái chế pin, một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu pin.

Ví dụ, Robin Zeng Yuqun nói rằng CATL hiện có khả năng tái chế tới 99,6% kim loại quý như niken, coban, mangan và tới 91% lithium, cao hơn so với khả năng của châu Âu là từ 70% đến 80%. Ông cho biết CATL năm 2023 đã tái chế 100.000 tấn pin thải thông qua công ty con Brump để tạo ra 13.000 tấn lithium cacbonat.

Song hoạt động kinh doanh của CATL bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây. Vào tháng 12.2023, CATL bị cáo buộc gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia ở Mỹ và bị cấm tại một căn cứ quân sự của Mỹ. Cáo buộc này dựa trên một lá thư của các nhà làm luật Mỹ do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio dẫn đầu, cho biết CATL có mối quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo Trung Quốc.

Robin Zeng Yuqun nói tại Diễn đàn kinh tế Thế giới: “Chúng ta đang chiến đấu chống biến đổi khí hậu nên với bất kể vấn đề địa chính trị nào, chúng ta phải tìm ra một giải pháp”.

chu-tich-catl-nen-gat-bo-cang-thang-dia-chinh-tri-de-giai-quyet-tinh-trang-thieu-nguyen-lieu-pin-o-to-dien.jpg
Robin Zeng Yuqun nói căng thẳng địa chính trị phải được gạt sang một bên khi thế giới đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu pin ô tô điện quan trọng - Ảnh: Internet

Khi doanh số ô tô điện tiếp tục phá kỷ lục trên thế giới, các chính phủ và nhà sản xuất xe hơi ngày càng lo ngại về tình trạng thiếu hụt dai dẳng lithium, niken và coban, điều này có thể đe dọa quá trình chuyển đổi sang 0 carbon.

Công ty dịch vụ tài chính S&P Global dự báo rằng cần phải tăng hơn 270% mức sản xuất lithium để đáp ứng nhu cầu từ lĩnh vực pin ô tô điện vào năm 2030. Niken và coban cũng được cho sẽ rất quan trọng nhưng ở mức độ ít hơn, vì việc triển khai hóa chất dựa trên sắt sẽ giải quyết vấn đề thiếu hụt tiềm năng của chúng, theo dự báo.

Robin Zeng Yuqun nói CATL (có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) sẵn sàng chia sẻ công nghệ của mình và giúp các nhà sản xuất ô tô nước ngoài giải quyết tình trạng thiếu pin. Ông nói thêm rằng đến năm 2042, Trung Quốc sẽ không cần khai thác nguyên liệu khoáng sản mới nữa vì thị trường tái chế pin đã trưởng thành.

CATL đang ngày càng mở rộng năng lực sản xuất ra nước ngoài với các nhà máy ở Đức và Hungary. Họ cũng đang hợp tác với nhà sản xuất ô tô đa quốc gia Stellantis (trụ sở ở Hà Lan) và Ford Motor (Mỹ) để xây dựng các nhà máy sản xuất pin ở châu Âu và bang Michigan (Mỹ).

Là một phần quan trọng của quá trình khử carbon trong hệ sinh thái ô tô, sự chuyển đổi sang xe điện đòi hỏi đổi mới công nghệ, chuỗi cung ổn định và có trách nhiệm, cùng nỗ lực đồng bộ của tất cả các bên liên quan, Robin Zeng Yuqun nói tại một buổi hội thảo khác hôm 19.1. Ông cho biết việc thúc đẩy công nghệ khai thác và lọc dầu giúp tăng nguồn cung lithium, giảm bớt tình trạng thiếu hụt. Tăng mật độ năng lượng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và do đó làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô.

Theo Robin Zeng Yuqun, việc tìm kiếm giải pháp thay thế với chi phí thấp hơn, chẳng hạn pin natri-ion hoặc vật liệu catốt không chứa coban, cũng là giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu quan trọng như lithium.

Robin Zeng Yuqun thông báo CATL đã giới thiệu thế hệ pin natri-ion đầu tiên vào năm 2021 và đang nghiên cứu thế hệ thứ hai, giúp ô tô điện có thể đi được quãng đường từ 400 đến 500 km mỗi lần sạc.

Chính quyền Biden định loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng pin ô tô điện của Mỹ

Hồi tháng 12.2023, Trung Quốc cho rằng kế hoạch của chính quyền Biden hạn chế nguyên liệu Trung Quốc trong pin được hưởng ưu đãi thuế với ô tô điện từ năm 2024 là vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kế hoạch này sẽ khiến các nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng ô tô điện của Mỹ không đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế nếu sử dụng nhiều hơn một lượng nhỏ nguyên liệu pin quan trọng từ Trung Quốc hoặc các quốc gia khác được coi là "thực thể nước ngoài đáng quan ngại" (FEOC). Thuật ngữ FEOC áp dụng cho Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran.

Các quy định mới được thiết kế để giảm thiểu sự phụ thuộc của chuỗi pin cung ứng pin ô tô điện Mỹ vào Trung Quốc và đang được những hãng ô tô theo dõi chặt chẽ khi họ đưa ra quyết định đầu tư sản xuất pin để chuyển đổi sang xe điện.

Vị trí thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng pin toàn cầu đã khiến các quan chức Mỹ và châu Âu phải hành động trước lo ngại rằng ô tô điện Trung Quốc giá rẻ có thể tràn ngập thị trường của họ.

Ủy ban châu Âu đang điều tra xem liệu các nhà sản xuất ô tô điện ở Trung Quốc có được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng từ chính phủ hay không.

Liên minh châu Âu (EU) đã điều tra để quyết định xem có nên thiết lập các hàng rào thuế quan chống lại điều mà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu gọi là làn sóng nhập khẩu ô tô điện Trung Quốc rẻ hơn do được hưởng lợi từ trợ cấp của chính phủ hay không.

Theo Ủy ban châu Âu, ông chủ một số hãng ô tô phương Tây cho rằng ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của chính phủ mang lại lợi thế không công bằng. Qua đó, các ô tô điện thương hiệu Trung Quốc đã có giá rẻ lại càng rẻ hơn, thậm chí mức giá cực kỳ thấp.

Mỹ đã thông qua hai luật rõ ràng loại trừ các nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ việc phân bổ ưu đãi thuế trị giá 6 tỉ USD cho pin và khoáng chất quan trọng, cũng như trợ cấp 7.500 USD cho mỗi phương tiện sử dụng năng lượng mới được sản xuất, nếu họ đưa FEOC vào chuỗi cung ứng của mình. Các quy định sẽ có hiệu lực vào năm 2024 với pin hoàn chỉnh và năm 2025 với các khoáng chất quan trọng.

Chính quyền Joe Biden cũng đang đề xuất các tiêu chí khắt khe, gồm cả ngưỡng sở hữu 25%, để xác định liệu một công ty có bị FEOC kiểm soát hay không.

He Yadong nói: “Bằng cách thiết lập ‘hàng rào kính’, Mỹ đang gây hại nhiều hơn là có lợi cho sự phát triển của công nghệ ô tô điện và ngành công nghiệp nói chung”.

Trung Quốc chiếm gần 2/3 năng lực chế biến lithium của thế giới và 75% với coban, cả hai đều được sử dụng trong sản xuất pin.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng pin toàn cầu có đủ để chứng minh cho lời tuyên bố từ Mỹ và EU về những rủi ro tiềm ẩn hay không.

Dan Marks, nhà nghiên cứu về an ninh năng lượng tại hãng Royal United Services (Anh), nói: “Có rất nhiều sự cường điệu xung quanh vấn đề này. Tôi không chắc các biện pháp mà EU hay Mỹ đang xem xét có phù hợp với quy mô rủi ro hay không. Điều chúng ta nên nói là những chiến lược ở châu Âu và Mỹ thực sự là chiến lược công nghiệp. Ý đồ đằng sau đó là thúc đẩy sự cạnh tranh và sự sống còn của các ngành công nghiệp ở khu vực đó”.

Hiện tại, Bộ Tài chính Mỹ tạm thời sẽ miễn trừ một số khoáng chất quan trọng khỏi các quy định nghiêm ngặt mới cấm nguyên liệu từ Trung Quốc và các quốc gia khác được coi là FEOC.

Bài liên quan
Nỗi lo ô tô điện Trung Quốc giá rẻ khiến các hãng phương Tây chạy đua sản xuất xe giá phải chăng
Sự gia tăng ô tô điện giá rẻ Trung Quốc làm tăng áp lực lên các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Thông qua việc hợp tác với các nhà cung ứng từ hãng sản xuất vật liệu pin đến công ty chip, họ muốn cắt giảm chi phí và phát triển ô tô điện giá phải chăng nhanh hơn kế hoạch trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Pháp luật phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển
4 giờ trước Sự kiện
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới; quy định, chính sách nào tốt nhất cho đất nước thì cương quyết làm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch CATL: Nên gạt bỏ căng thẳng địa chính trị để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu pin ô tô điện