Ngày 11.9, chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 9 diễn ra với chủ đề "Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM".
Chương trình do Thường trực HĐND TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM và Sở TT-TT TP.HCM phối hợp thực hiện. Tại chương trình, nhiều cử tri bày tỏ quan tâm đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Trần Kim Yến cho rằng, đối với người dân bị giải tỏa trắng phải dời đi nơi khác nhưng thu nhập thấp, không đủ tiền để mua nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở thương mại để ổn định cuộc sống, Nhà nước cần hỗ trợ giải quyết tái định cư cho người dân.
Trả lời vấn đề này, Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết, tùy theo từng trường hợp cụ thể, TP sẽ xem xét giải quyết chính sách tái định cư cho người dân theo hình thức mua trả góp nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phục vụ tái định cư với thời hạn tối đa 15 năm và được tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng thương mại trên số dư nợ.
“Trường hợp người dân không đủ tiền mua trả góp thì được xem xét giải quyết cho thuê nhà ở phục vụ tái định cư. Trường hợp người dân cực kỳ khó khăn về nhà ở, không đủ tiền thuê, mua trả góp thì liên hệ quận, huyện để đề xuất sử dụng nhà ở xã hội phục vụ tái định cư. Ngoài ra, TP còn xem xét hỗ trợ phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án”, ông Khiết nhấn mạnh.
Trao đổi về giá bồi thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực khẳng định, giá đất bồi thường cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất đã sát với giá trị thị trường theo đúng quy định.
Về hỗ trợ chi phí đào tạo nghề và giải quyết việc làm, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết, sau khi hoàn thành xong khoá đào tạo nghề, người lao động bị thu hồi đất được tư vấn giới thiệu việc làm theo nhu cầu (không tốn phí) tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của TP và 126 cơ sở giới thiệu việc làm khác trên địa bàn TP.
Đồng thời, được vay vốn lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn Quỹ dành cho người có đất bị thu hồi, với mức vay tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ. Riêng vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 50 triệu đồng. Thời gian vay không quá 36 tháng, lãi suất vay 0,5%/tháng.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đường Vành đai 3, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực cho biết, dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đường Vành đai 3 hoàn thành trong tháng 11. Do đó, thời gian triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án dự kiến bắt đầu từ 1.12 và đến 30.12.2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng; đến tháng 3.2024 bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Về đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo dự toán thì đơn giá bồi thường, hỗ trợ được tạm tính như sau: đối với đất ở từ 18.720.000 đồng/m2 đến 40.149.000 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm từ 3.840.000 đồng/m2 đến 8.208.000 đồng/m2; đất trồng cây hàng năm từ 3.200.000 đồng/m2 đến 6.000.000 đồng/m2.
“Đơn giá bồi thường nêu trên chỉ là đơn giá tạm tính, khi triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ đề nghị đơn vị tư vấn thẩm định độc lập đơn giá đất cụ thể để trình Hội đồng thẩm định giá đất TP và UBND TP phê duyệt sát giá thị trường”, ông Trực nhấn mạnh.
Ông Trực thông tin thêm, khi người dân đồng ý cho thu hồi trước thời hạn đối với nhà ở, đất ở bị ảnh hưởng bởi Dự án đường Vành đai 3, người dân sẽ được nhận tiền bồi thường sớm hơn, có nhiều thời gian để chủ động xây nhà tái định cư, sớm an cư, ổn định cuộc sống. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cân nhắc trình UBND TP ưu tiên về mặt chính sách, khen thưởng để động viên.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, hiện nay việc bồi thường tái định cư tại TP.HCM có 4 vấn đề. Đó là vẫn còn khoảng cách giữa giá bồi thường - giá trị trường; bất cập quỹ đất, quỹ nhà trên địa bàn; công tác phối hợp chưa đồng bộ và thông tin minh bạch có lúc chưa tốt.
Về vấn đề nhà ở tái định cư “vừa thừa vừa thiếu”, theo ông Phan Văn Mãi, vấn đề bất cập trong bố trí quỹ đất, quỹ nhà tái định cư ở đây liên quan đến vấn đề quy hoạch, sự đồng bộ phù hợp của quy hoạch và nhiều khi không đáp ứng được nguyện vọng của bà con, từ quy hoạch, xây dựng hạ tầng, bố trí cho phù hợp với nguyện vọng, tức là cái sinh kế, học hành của người dân.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung góp ý sửa đổi Luật Đất đai, giải quyết các bất cập. Đồng thời, TP cụ thể hóa Nghị quyết 18, thu hẹp khoảng cách giữa giá đền bù và giá thị trường; làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đúng luật và đảm bảo nguyên tắc nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Bên cạnh đó, TP sẽ hỗ trợ thủ tục hành chính, cụ thể hóa chính sách đặc thù; làm tốt điều tra xã hội học, tìm hiểu nguyện vọng người dân; bố trí đủ nguồn vốn đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ. Ngoài ra, TP cũng tập trung xử lý các tồn đọng cụ thể, tổ chức tiếp dân, thành lập các tổ công tác chuyên đề…
Trao đổi về dự án rạch Xuyên Tâm, ông Mãi cho biết TP đã thành lập tổ công tác về dự án này; đồng thời rà soát lại quy hoạch, xác định phương thức đầu tư, nguồn vốn. Cuối năm 2022, TP sẽ trình HĐND TP xin chủ trương đầu tư thực hiện dự án; sẽ triển khai các công việc của dự án từ năm 2023.
Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP, góp phần giải quyết, chỉnh trang đô thị, xử lý các nhà ven, trên kênh rạch, là công trình TP thực hiện kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TP.HCM với chiều dài 47,51km, qua 4 địa phương là TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh, ảnh hưởng tới 2.377 hộ dân. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến là hơn 25.000 tỉ đồng. Dự kiến, dự án thi công trong 36 tháng và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026.