Trang Euronews chỉ ra một số lỗ hổng khiến cơ chế trừng phạt Nga của phương Tây không hiệu quả như mong muốn.
Phương Tây áp đặt không ít lệnh trừng phạt Nga kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra đến nay. Một nghiên cứu công bố năm ngoái của Đại học Yale xác định kinh tế Nga sẽ tê liệt vì sự trừng phạt khiến đồng rúp sụp đổ và làm dấy lên làn sóng doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy.
Thế nhưng hãng tin Reuters dự báo GDP nước này năm nay tăng 0,7% trong khi các nền kinh tế châu Âu khác suy thoái. Có nhiều lý do giải thích cho việc tại sao kinh tế Nga đứng vững như vậy, mà một trong số đó là cơ chế trừng phạt tồn tại quá nhiều lỗ hổng nên không gây tổn hại đáng kể.
Hệ thống tài chính
Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu an ninh và tội phạm tài chính (thuộc Viện Royal United Services) Tom Keatinge chỉ ra lỗ hổng đầu tiên nằm ở hệ thống tài chính, nơi các kênh ngân hàng giao dịch với Nga vẫn mở.
Trong vài trường hợp, các kênh ngân hàng vẫn được phép sử dụng để thanh toán cho năng lượng nhập khẩu. Ông Keatinge lưu ý giao dịch loại này rất khó kiểm soát, thanh toán dầu khí có thể che giấu cho hoạt động giao dịch mặt hàng khác, chẳng hạn hàng hóa quân sự công nghệ cao.
“Ngân hàng rất khó biết được giao dịch thực sự của khoản thanh toán là gì”, theo ông Keatinge.
Không chỉ năng lượng, mà thực phẩm và dược phẩm cũng có thể làm vỏ bọc cho những giao dịch khác.
Nhiều ngành chưa bị trừng phạt
Một lỗ hổng khác là còn nhiều ngành chưa bị trừng phạt, trong số đó có ngành công nghiệp kim cương.
Liên minh châu Âu (EU) chưa đưa kim cương vào danh sách chịu hạn chế dù Mỹ và Anh đã làm vậy. Điều này cho phép Nga - nước sản xuất kim cương lớn nhất thế giới - tiếp tục tiếp cận được thị trường lục địa già.
Ông Keatinge cho biết chính phủ các nước châu Âu gặp khó trong việc tìm cách lấp lỗ hổng mà không tổn hại đến kinh tế nước mình. Minh chứng tiêu biểu là mong muốn bảo vệ ngành công nghiệp kim cương Bỉ khiến Brussels chậm áp đặt hạn chế.
“Bất chấp hoạt động thương mại “xấu xí” đang diễn ra, một số hoạt động rất khó cắt giảm”, theo ông Keatinge. Chuyên gia này nhận định quyết định không hạn chế vài mặt hàng như thuốc men cho dân thường là hợp lý.
Không phải nước nào cũng hưởng ứng trừng phạt
Giáo sư Mark Harrison (Đại học Warwick) nhận định: “Không thể phong tỏa kinh tế Nga. Những gì chúng ta có thể làm là liên tục khiến Nga phải tốn nhiều chi phí hơn trong nỗ lực duy trì mối quan hệ với phần còn lại của thế giới. Các nền kinh tế hiện đại là mục tiêu rất khó xử lý”.
Lỗ hổng thứ 3 nằm ở các nước không hưởng ứng phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan hay Ấn Độ có thể đóng vai trò trung gian để hàng hóa bị trừng phạt đi qua lãnh thổ của họ đến hoặc rời khỏi Nga.
Đặc biệt, Ấn Độ đã tăng cường mua lượng lớn dầu thô Nga giá rẻ. New Delhi lấy lý do họ không đủ khả năng nhập khẩu năng lượng đắt đỏ hơn từ nguồn cung ngoài Nga khi đất nước vẫn còn hàng triệu người sống trong cảnh nghèo đói.
“Nếu bạn chặn một đường, hoạt động thương mại sẽ tìm đường khác”, theo Giáo sư Harrison. Ông chỉ ra trong Thế chiến thứ nhất hàng hóa từng được chuyển sang các nước châu Âu trung lập khi Anh phong tỏa Đức.
Một số nước thực thi trừng phạt không nghiêm
Nội bộ châu Âu cũng xảy ra tình trạng thực thi thiếu nhất quán, một số nước mua nhiều dầu mỏ hơn nước khác, cộng thêm việc vài ngân hàng Nga vẫn sử dụng được hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Hiện Hungary vẫn tiếp tục nhập khẩu năng lượng Nga. Tháng 10 năm ngoái, một đảng tại Áo kêu gọi sự trừng phạt nên được trưng cầu dân ý.
Tiêu hao chiến
Tháng 7 vừa qua, EU báo hiệu việc trừng phạt Nga sẽ được tăng cường theo thời gian. Khối đang tìm cách lấp lỗ hổng.
Theo Giáo sư Harrison: “Đây là tiêu hao chiến. Bằng cách buộc Nga phải thực hiện các giải pháp tốn kém và tiêu hao các nguồn lực, chúng ta khiến họ suy yếu ở trong nước lẫn ngoài chiến trường”.