Từ trường hợp nhiễm trùng của một trẻ sơ sinh ở Oregon có liên quan đến chuyện mẹ của bé uống viên nhau thai, các cán bộ y tế Mỹ cảnh báo các bà mẹ về những nguy cơ tiềm ẩn khi uống loại thuốc này trong thời gian cho con bú.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đứa trẻ chào đời khỏe mạnh và không có biến chứng gì hồi tháng 9 năm ngoái, nhưng rồi sức khỏe của bé bắt đầu xấu đi nhanh chóng. Bé được đưa vào Khoa Chăm sóc tích cực trẻ sơ sinh. Các bác sĩ lập tức thực hiện một loạt kiểm tra để cố gắng tìm nguyên nhân gây ra tình trạng suy hô hấp của bé. Kết quả kiểm tra cho thấy bé bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) giai đoạn muộn. Sau liệu trình điều trị bằng kháng sinh kéo dài 11 ngày, sức khỏe của bé dần ổn định.
Thế nhưng sau khi trở về nhà, bé lại bị nhiễm GBS lần hai và được đưa đến một bệnh viện khác. Chính ở đó, các bác sĩ phát hiện ra nguyên nhân gây nhiễm trùng tái phát chính là nhau thai của người mẹ.
Người phụ nữ - không được nêu tên trong báo cáo của CDC - đã uống nhau thai của chính mình trong nhiều tuần lễ sau khi đặt một công ty chế biến và đóng vào viên nang. Trong thời gian uống nhau thai, cô cũng cho con bú sữa mẹ, chính là đường lây nhiễm từ mẹ sang con.
Báo cáo của CDC viết: “Sau khi đứa trẻ chào đời được 3 ngày, người mẹ nhận lại nhau thai của mình đã qua xử lý khử nước và đóngviên nang nên bắt đầu uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên. Bác sĩ yêu cầu người mẹ ngưng uống các viên nhau”.
Khi người mẹ ngưng uống nhau thai, đứa bé - lại trải qua một liệu trình điều trị bằng kháng sinh mới - bình phục.
Người mẹ trong báo cáo của CDC là câu chuyện cảnh báo duy nhất, nhưng là câu chuyện thuyết phục. Nhau thai được ăn sống, nấu chín hoặc sấy khô thành dạng bột đóng gói trong những viên nang giống như cách dùng của người mẹ trong trường hợp mà CDC nghiên cứu.
Uống nhau thai sau khi sinh trở thành xu hướng chủ đạo trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi được quảng bá bởi những người nổi tiếng như các nữ diễn viên Kim Kardashian và January Jones. Họ quảng cáoviệc uống nhau thai là cách để tránh trầm cảm sau sinh. Những người ủng hộ thói quen này cũng tuyên bố rằng nhau thai làm tăng lượng sữa, cải thiện tâm trạng và sinh lực, và cung cấp nguồn năng lượng dồi dào.
Theo CDC, vấn đề là chưa có một bằng chứng thực tế nào để hỗ trợ cho những lợi ích được đưa ra đó. Và nghiên cứu về nguy cơ tiềm ẩn của việc sử dụng nhau thai của CDC vẫn đang được tiến hành.
Khi kiểm tra những viên nhau thai mà người mẹ uống, các nhà nghiên cứu của CDC phát hiện chúng đầy GBS. Nhiễm GBS thường gặp ở người lớn, nhưng họ thường không bị loại vi khuẩn này tấn công. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh khi đáp ứng miễn dịch chưa phát triển, nên cơ thể trẻ có thể sẽ bị tàn phá nặng nề khi bị GBS tấn công. Và GBS được tìm thấy trong trường hợp này lại đặc biệt nguy hiểm, với những độc tính cho phép nó dễ dàng thoát qua thành ruột để ngấm vào máu – và còn có khả năng vượt qua hàng rào máu não.
Theo CDC, một trong những nguy cơ mà các bà mẹ phải đối mặt là không có tiêu chuẩn để xử lý nhau thai để uống ngoài cách làm nóng nó ở 540C trong 121 phút để làm giảm số lượng vi khuẩn Salmonella. CDC nói rõ: “Quá trình đóng viên nhau thai không loại trừ được các mầm bệnh truyền nhiễm, do vậy không nên uống nhau thai. Các bác sĩ nên hỏi về lịch sử uống nhau thai của người mẹ khi phát hiện trẻ sơ sinh bị nhiễm GBS giai đoạn muộn, và giáo dục các bà mẹ quan tâm đến chuyện đóng gói nhau thai của mình về những nguy cơ tiềm ẩn của nó”.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Tâm thần Phụ nữ đã xem xét tất cả những nghiên cứu trước đó về chuyện ăn nhau thai và đã phát hiện ra rằng không có bằng chứng thực sự nào để hỗ trợ cho các tuyên bố về những ích lợi tiềm tàng của nhau thai. Nghiên cứu này cũng nhận thấy rằng không có nghiên cứu nào về nguy cơ tiềm ẩn của việc ăn nhau thai của người.
Crystal Clark, trợ lý giáo sư về tâm thần học và khoa học hành vi tại Trường Y Feinberg (thuộc Đại học Northwestern) và là chuyên gia tâm thần chuyên về chứng rối loạn tâm trạng liên quan đến sinh sản, đã tiến hành nghiên cứu này khi một số bệnh nhân gặp cô để hỏi ý kiến về việc uống nhau thai.
Crystal Clark nói với The Washington Post rằng các bệnh nhân của cô muốn biết liệu viên nang nhau thai -mà họ đanguống để cải thiện tâm trạng - có tương tác với thuốc chống trầm cảm mà cô đã kê cho họ.
Clark nhớ lại: “Tôi thấy mình thật sự bối rối bởi câu hỏi”. Cả Clark và các đồng nghiệp của cô ở khoa sản đều không biết bất kỳ nghiên cứu lâm sàng nào về đề tài này.
Clark kể tiếp: “Có nhiều đồng nghiệp ở khoa sản biết về chuyện này hơn tôi. Họ từng xem những chương trình truyền hình nói về chuyện này, nên họ biết chuyện đó đã xảy ra. Tuy nhiên, họ không nghĩ rằng chính bệnh nhân của họ lại làm điều đó. Điều đó thật thú vị, khi tôi biết rằng có một số bệnh nhân cân nhắc đến chuyện đó”.
Do thắc mắc không biết chị em phụ nữ biết được lợi ích của nhau thai từ đâu, Clark bắt đầu xem lại những tài liệu có sẵn về chủ đề này để rồi cô đi đến kết luận rằng có rất ít bằng chứng cho thấy uống nhau thai có lợi cho sức khỏe.
Ấy thế mà trào lưu chế biến nhau thai để bồi bổ vẫn ngày càng lan rộng, bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn đối với chính con của họ.
TRẦN NGỌC