Từ viễn cảnh CHDCND Triều Tiên được Mỹ dở bỏ lệnh cấm vận, giới đầu cơ "con buôn" Trung Quốc ồ ạt tranh giành mua đất ở vùng biên giới Trung - Triều.

'Con buôn' Trung Quốc tranh giành mua đất ở Triều Tiên để đầu cơ

Trần Trí | 10/06/2018, 17:20

Từ viễn cảnh CHDCND Triều Tiên được Mỹ dở bỏ lệnh cấm vận, giới đầu cơ "con buôn" Trung Quốc ồ ạt tranh giành mua đất ở vùng biên giới Trung - Triều.

Ngày 10.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un lần lượt đổ bộ đến Singapore, sẵn sàng tiến hành cuộc gặp lịch sử từ 9 giờ sáng 12.6.

Theo Reuters cùng ngày, toàn khu vực Bắc Á đang hé cửa cho cơ hội hợp tác làm ăn giữa Triều Tiên với Trung Quốc và Hàn Quốc, và đó là những dấu hiệu cho thấy chiến dịch “gây sức ép tối đa” của ông Trump- nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân (VKHN) - đang bị suy yếu ngay trước cuộc gặp lịch sử.

Hoạt động mậu biên Triều - Trung sẽ trở lại ở thành phố Đan Đông

Tại vùng biên giới Trung - Triều, các nhà đầu cơ đang tranh mua đất, và các nhà buôn đang trữ nguồn than Triều Tiên giá rẻ, trong hy vọng lệnh cấm vận sẽ sớm được dở bỏ.

Tại thành phố biên giới Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), một bà bán nón nói với Reuters: “Sẽ tốt nếu Triều Tiên mở cửa. Dân bên đó nghèo lắm, giống y như Trung Quốc những năm 1980”.

Người phụ nữ này còn nói số cửa hàng của người Triều Tiên ở Đan Đông đã giảm đáng kể từ vài tháng qua, sau khi Trung Quốc siết chặt lệnh cấm vận Triều Tiên. Nhưng nay, giá đất ở Đan Đông tăng vọt, vì các nhà đầu cơ đánh cược rằng sẽ có sự phục hồi thương mại.

Các cư dân Đan Đông khác nói lao động Triều Tiên đang quay trở lại, từ đó vài nhà hàng ăn, khách sạn lại mở cửa đón khách đồng hương Triều Tiên.

Nhà hàng Liuji từng bị đóng cửa năm 2016, sau khi người chủ bị điều tra vì làm ăn với Triều Tiên. Nhưng nhà hàng đã mở lại hồi tháng 3, sau khi ông Kim bất ngờ có chuyến thăm Bắc Kinh và lần đầu tiên ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các nhân viên nói không rõ số phận của người chủ trước, và nhà hàng Triều Tiên này đóng cửa “chỉ để nâng cấp”. Chủ mới đã tập cho nhân viên tiếp tân giới thiệu thực đơn với các du khách Trung Quốc, gồm những người dự tính qua thăm Triều Tiên.

Ngày 5.6, hãng hàng không Air China (Trung Quốc) tuyên bố nối lại các chuyến bay thường xuyên từ Bắc Kinh đi Bình Nhưỡng. Trước đó vào tháng 11.2017, Trung Quốc nói đóng vĩnh viễn tuyến bay này vì không có nhiều khách.

Dù chuyến bay Air China đầu tiên chỉ có 20 khách, các công ty du lịch nói rất đông du khách Trung Quốc đi xe buýt qua Bình Nhưỡng, khi tình hình căng thẳng đã giảm.

Người lập công tu du lịch INDPRK (trụ sở ở Đan Đông) có tên Griffin Che, nói ông đã đến nhà ga xe lửa ở thủ đô của Triều Tiên, và đó là nhà ga bận rộn nhất mà ông từng biết. Che nói các cơ hội làm ăn kinh tế ở Triều Tiên đã khiến ông cũng quan tâm vào hoạt động đầu tư và buôn bán than giá rẻ của Triều Tiên.

Vẫn theo Reuters, ở khu vực Đông Nam Á, hồi năm 2017, nhiều nước đã cắt quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng, nhưng một số nhà hàng ăn Triều Tiên vẫn hoạt động, giúp thu về ngoại tệ cho chính quyền Bình Nhưỡng.

Chiến dịch “gây sức ép tối đa” của ông Trump bị mất uy lực

Ông Trump cùng các lãnh đạo như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều muốn gây sức ép để nhàlãnh đạo Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán, thông qua các biện pháp cấm vận quốc tế, cô lập chính trị và đe dọa hành động quân sự.

Nhưng trừ phi Triều Tiên lại có hành động khiêu khích, hoặc lại phóng thử tên lửa và thử hạt nhân, các chiến lược gia và các học giả nhận định: hầu như “gây sức ép tối đa” sẽ không có kết quả mong muốn.

Giáo sư Kim Hyun-wook thuộc Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc nói:” Chiến dịch của Trump đã kết thúc. Nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên đã có tác động mạnh lên chiến dịch gây sức ép tối đa”.

Chính ông Trump cũng nói ông không muốn dùng câu “gây sức ép tối đa” nữa, vì đã cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.

Tại cuộc điều trần trước một ủy ban Thượng viện Mỹ hôm 5.10, cựu trưởng đoàn đàm phán với Triều Tiên, ông Joseph Yun nói: “Thực tế là không còn có thể tiếp tục gây sức ép tối đa, khi bạn đã nói chuyện với đối thủ. Tôi không nghĩ bạn vừa có thể làm thân lại vừa gây sức ép tối đa”.

Các nước chung biên giới trên bộ với Triều Tiên - Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc - đều đã chuẩn bị lập quan hệ tốt hơn với Triều Tiên. Các cán bộ Triều Tiên đã đi tham quan Trung Quốc, bàn chuyện phát triển kinh tế, trong khi quan chức Hàn Quốc tham quan một dự án kinh tế chung ở Kaesong (Triều Tiên) hôm 8.6, như một phần nỗ lực Hàn Quốc chuẩn bị nới lỏng các lệnh cấm vận Triều Tiên.

Và dù cảnh giác, chưa vội lao vào một tình hình chính trị không thể lường trước, các đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cùng các chuyên gia Triều Tiên đã dự một hội thảo ở Seoul (Hàn Quốc) hôm 7.6, bàn về tiềm năng hợp tác liên Triều.

Một quan chức giấu tên của một công ty xây dựng lớn ở Hàn Quốc cho Reuters biết: “Từ quan điểm công ty chúng tôi, việc gây sức ép tối đa lần này có thể đã hết, từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra, và từ ý muốn có thể trông thấy rõ của ông Kim là pháttriển kinh tế Triều Tiên”.

Các nghị sĩ Mỹ đã lo ngại các nhà buôn ở Trung Quốc đã sẵn sàng “lách” lệnh cấm vận, nhưng các nhà ngoại giao làm việc ở Bắc Kinh nói: không có bằng chứng Trung Quốc từ bỏ cam kết trừng phạt Triều Tiên với Hội đồng bảo an LHQ. Các nhà ngoại giao nói Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đều sẵn sàng ủng hộ lệnh trừng phạt.

Các quan chức Mỹ nói ngoài lệnh cấm vận, Mỹ cũng đã thuyết phục hơn 20 quốc gia giảm cấp hoặc cắt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Nhưng sự cô lập chính trị này đã giảm, sau khi ông Kim gặp các lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc, và bầy giờ là ông gặp Tổng thống Mỹ.

Hồi cuối tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trở thành quan chức Nga đầu tiên gặp lãnh đạo Triều Tiên ở Bình Nhưỡng, và ông đã mời ông Kim thăm Nga.

Tổng thống Hàn Quốc cũng đề xuất nghiên cứu một dự án liên doanh 3 bên gồm Hàn - Triều - Nga đầu tư vào đường sắt, khí đốt kết nối Siberia với bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư Artyom Lukin ở Đại học Viễn Đông Nga tại Vladivostoknói: “Ngay cả nếu như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều thất bại, lại nổi lên căng thẳng giữa Mỹ - Triều, Nga sẽ không ủng hộ đợt trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Nếu trước đây Nga ủng hộ các nghị quyết trừng phạt của LHQ, nay Nga sẽ không ủng hộ, có thể sẽ tìm các giải pháp pháp lý.

Bảo Vĩnh (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chính phủ thông qua đề nghị sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17.5.2024 thống nhất thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 252 Luật Đất đai như đề nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Con buôn' Trung Quốc tranh giành mua đất ở Triều Tiên để đầu cơ