Các nhà hoạt động Myanmar đã tổ chức lễ thắp nến qua đêm sau khi có nhiều người thiệt mạng những ngày gần đây do quân đội đàn áp các cuộc biểu tình chống đảo chính, khi Mỹ ra lệnh cho các nhân viên đại sứ quán không thiết yếu về nước

Quân đội độc lập Kachin tấn công đồn cảnh sát Myanmar, Mỹ rút nhân viên đại sứ quán về nước

Nhân Hoàng | 31/03/2021, 12:05

Các nhà hoạt động Myanmar đã tổ chức lễ thắp nến qua đêm sau khi có nhiều người thiệt mạng những ngày gần đây do quân đội đàn áp các cuộc biểu tình chống đảo chính, khi Mỹ ra lệnh cho các nhân viên đại sứ quán không thiết yếu về nước

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 521 thường dân đã thiệt mạng trong hai tháng biểu tình chống lại cuộc đảo chính ngày 1.2, trong đó có 141 người vào 27.3, ngày đẫm máu nhất của tình hình bất ổn.

AAPP cho biết có thêm 8 người chết hôm 30.3 khi hàng ngàn người ra đường tuần hành ở một số thị trấn, theo các phương tiện truyền thông và hình ảnh trên mạng xã hội.

Cũng có những cuộc biểu tình thắp nến mới qua đêm ở các thị trấn trên khắp Myanmar bất chấp lệnh giới nghiêm và ít nhất một cuộc tuần hành rạng sáng 31.3 của những người biểu tình.

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của Aung San Suu Kyi, bắt giữ bà và thiết lập lại chế độ quân sự.

Giao tranh cũng bùng phát giữa quân đội với các nhóm nổi dậy ở các vùng biên giới và những người tị nạn đang tràn qua Thái Lan.

Nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một trong những nhóm dân tộc có vũ trang lớn nhất Myanmar hoạt động dọc biên giới phía đông với Thái Lan, hôm 30.3 cho biết đang chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn vào chính phủ quân sự.

"Không có lý do chính đáng nào để giết, làm hại và khủng bố những người vô tội, bao gồm phụ nữ, người lớn tuổi và trẻ em, trong đêm khuya", KNU tuyên bố.

KNU kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nước láng giềng Thái Lan, giúp đỡ người Karen chạy trốn khỏi "cuộc tấn công dữ dội" và kêu gọi các quốc gia cắt đứt quan hệ với chính quyền quân sự để ngăn chặn bạo lực với dân thường.

Trong khi đó, Quân đội độc lập Kachin (KIA), một nhóm nổi dậy ở phía bắc, đã tấn công đồn cảnh sát ở bang Kachin lúc 3 giờ sáng hôm 31.3.

quan-doi-doc-lap-kachin-tan-cong-don-canh-sat-myanmar.jpg
Lực lượng của nhóm Quân đội độc lập Kachin

Cuộc tuần hành của những người biểu tình dân sự cũng diễn ra vào rạng sáng ngày 31.3 tại thị trấn Moegaung, bang Kachin.

Trước đó, ba nhóm vũ trang dân tộc của liên minh phía bắc, Quân đội Arakan, Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, ra tuyên bố chung "lên án mạnh mẽ hành động của quân đội Myanmar với dân thường không vũ trang". Ba nhóm yêu cầu quân đội Myanmar ngừng giết chóc dân thường không có vũ khí và tìm ra một giải pháp chính trị. Họ cũng tuyên bố sẽ bảo vệ người dân nếu quân đội tiếp tục tàn bạo với dân thường.

Ủy ban Đại diện cho Nghị viện Liên minh (CRPH) ra thông cáo hoan nghênh thông báo của ba nhóm nổi dậy. "CRPH đã kêu gọi họ làm việc cùng nhau vì sự thành công của cuộc cách mạng và thành lập liên minh dân chủ liên bang", CRPH cho biết.

CRPH chủ yếu bao gồm các nhà lập pháp trước đây của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) được bầu vào tháng 11.2020, đang kêu gọi mọi người quyên góp tiền thông qua huy động vốn cộng đồng để hỗ trợ cuộc kháng chiến. Đến nay CRPH đã huy động được 9,2 triệu USD, theo một trang web gây quỹ cộng đồng.

Mỹ rút các nhân viên đại sứ quán không thiết yếu khỏi Myanmar

Mỹ hôm 30.3 đã ra lệnh cho các nhân viên đại sứ quán không thiết yếu và các thành viên gia đình của họ khỏi Myanmar do lo ngại về tình trạng bất ổn dân sự.

Những người phản đối cuộc đảo chính đã kêu gọi đứng cùng mặt trận với các nhóm nổi dậy.

Phiến quân đã chiến đấu với chính phủ trong nhiều thập kỷ để giành quyền tự trị lớn hơn ở các vùng biên giới xa xôi. Quân đội đã biện minh cho sự nắm quyền lâu dài của mình bằng cách nói rằng đây là thể chế duy nhất có khả năng đảm bảo sự thống nhất quốc gia.

Máy bay quân sự đã ném bom các căn cứ KNU cuối tuần qua khiến khoảng 3.000 dân làng chạy trốn sang Thái Lan.

Thái Lan bác bỏ cáo buộc từ các nhà hoạt động rằng những người tị nạn bị buộc phải quay trở lại, nhưng một quan chức nước này ở biên giới cho biết quân đội đã đưa hầu hết người dân trở lại vì phía Myanmar được coi là an toàn.

Một phát ngôn viên của cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc lo ngại về các báo cáo có người bị gửi trở lại và đang tìm kiếm thông tin từ Thái Lan.

Một bang biên giới ở Ấn Độ đã rút lại lệnh từ chối cung cấp thực phẩm và nơi ở cho người tị nạn từ Myanmar sau khi biện pháp này bị dư luận chỉ trích dữ dội.

Quân đội Myanmar nắm chính quyền nói rằng cuộc bầu cử tháng 11 mà đảng Liên minh Dân chủ vì Quốc gia (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng là gian lận, một khẳng định đã bị ủy ban bầu cử bác bỏ.

Một chiến dịch bất tuân dân sự với các cuộc đình công đã làm tê liệt nền kinh tế Myanmar và những nhà hoạt động đẩy mạnh nó bằng cách kêu gọi người dân vứt rác tại các giao lộ trong thành phố hôm 30.3.

Các nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính và bạo lực, đồng thời kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi. Một số nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế.

Tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken cho biết một số quốc gia và công ty nước ngoài có đầu tư đáng kể vào các doanh nghiệp hỗ trợ quân đội Myanmar nên xem xét lại những cổ phần đó: “Một số quốc gia và một số công ty ở nhiều nơi trên thế giới đã đầu tư đáng kể vào các doanh nghiệp hỗ trợ quân đội Myanmar. Họ nên xem xét những khoản đầu tư đó và xem xét lại chúng như một phương tiện từ chối hỗ trợ tài chính mà quân đội cần để duy trì, làm trái với ý muốn người dân".

Ông Antony Blinken nói rằng bạo lực gần đây là "đáng lên án" và theo sau là một mô hình "bạo lực ngày càng đáng lo ngại, thậm chí kinh hoàng" chống lại những người biểu tình phản đối sự cai trị của quân đội.

Indonesia đã dẫn đầu nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Myanmar là thành viên, khuyến khích giải pháp thương lượng, bất chấp một thỏa thuận cũ là không can thiệp vào các vấn đề của nhau.

Bài liên quan
Mỹ ngừng mọi hoạt động giao thương với Myanmar, Singapore mong Thống tướng Aung Hlaing nghe theo các lãnh đạo ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore - Vivian Balakrishnan gọi tình hình ở Myanmar là “thảm kịch sắp xảy ra” sẽ cần thời gian để vượt qua và nói rằng điều cần thiết với các nước Đông Nam Á là phải có quan điểm về cách ứng phó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội độc lập Kachin tấn công đồn cảnh sát Myanmar, Mỹ rút nhân viên đại sứ quán về nước