Công ty CP Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) vừa quyết định bán đấu giá 5 tàu bay ATR 72-500 (212A). Mức giá khởi điểm là 9,62 triệu USD/chiếc, tương đương 215 tỉ đồng/chiếc.
VALC đấu giá 5 cục nợ
Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP. Hà Nội vừa ra thông báo bán đấu giá tài sản do Công ty CP Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) ủy quyền.
Theo đó, VALC sẽ bán 5 tàu bay ATR 72-500 (212A) với mức giá khởi điểm là 9,62 triệu USD/chiếc, tương đương 215 tỉ đồng.
Như vậy, nếu bán đấu giá thành công thì VALC sẽ thu về ít nhất 1.079 tỉ đồng.
Được biết, cả 5 chiếc tàu bay là tài sản của VALC được tài trợ vốn theo cấu trúc bảo lãnh của các Tổ chức Tín dụng xuất khẩu (ECA). Theo đó, quyền sở hữu tàu bay hiện đang thuộc về Công ty Thăng Long Limited – Công ty phục vụ mục đích đặc biệt do ngân hàng cho vay vốn Credit Agricole CIB lập ra để đứng tên tàu bay.
Cả 5 chiếc tàu bay đều đang trong thời hạn hợp đồng thuê khô giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) với VALC và đang được Vietnam Airlines khai thác.
Theo Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, buổi đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 5.8.2016 tại Hà Nội.
ATR 72 là loại máy bay nhỏ, sức chở tối đa 74 người, thường được sử dụng cho các chặng bay ngắn nội địa.
Chấm dứt hợp đồng cho thuê ATR 72-500 với Vietnam Airlines
Vào cuối tháng 1.2016, Vietnam Airlines đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ về việc “Chấm dứt trước thời hạn hợp đồng thuê máy bay ATR 72-500”.
Theo đó, mặc dù hợp đồng có thời hạn gần 12 năm (từ 2008) nhưng Vietnam Airlines muốn chấm dứt hợp đồng từ năm 2016 vì hầu hết các sân bay đã được nâng cấp để đón các tàu bay phản lực, việc khai thác dòng máy bay này trở nên kém ưu thế, không phù hợp.
Xuất phát từ đề nghị đó của Vietnam Airlines, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2016 được tổ chức vào đầu tháng 5.2016, HĐQT VALC cũng thông qua kế hoạch chấm dứt trước thời hạn hợp đồng cho thuê 5 tàu bay ATR 72-500.
Theo đó, sau khi được Chính phủ và ĐHĐCĐ phê duyệt về chủ trương, các cổ đông đã đề nghị HĐQT và Ban điều hành VALC tích cực triển khai thực hiện việc chấm dứt hợp đồng này để đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của ĐHĐCĐ.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ VALC cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016. Theo đó, VALC cho biết sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các dự án mới như đầu tư tàu bay, động cơ, thiết bị hàng không... Đồng thời sẽ nghiên cứu, khảo sát cá thị trường tiềm năng trong khu vực như Lào, Myanmar, Campuchia... để mở rộng thị trường khi điều kiện cho phép.
Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8.10.2007, xuất phát từ ý tưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA).
VALC có sự tham gia góp vốn của các cổ đông sáng lập là các Tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam như BIDV, VNA, PetroVietnam...
Lĩnh vực kinh doanh của VALC bao gồm: Mua và cho thuê, thuê và cho thuê lại máy bay; Đầu tư, kinh doanh vận tải taxi hàng không; Cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp, đặc thù quảnl ý máy bay, các dịch vụ tài trợ cơ cấu, quản lý tài sản cho bên thứ ba, các dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm máy bay; Cho thuê kho phụ tùng máy bay (trừ kinh doanh bất động sản); Kinh doanh khai thác các sân bay.
Ngoài ra, VALC còn có chức năng bán máy bay; xuất nhập khẩu máy bay, động cơ, phụ tùng máy bay, các thiét bị thuộc lĩnh vực hàng không; và nhận ủy thác mua máy bay, động cơ, phụ tùng máy bay và các thiết bị thuộc lĩnh vực hàng không.
Được biết, năm 2015 VALC lãi ròng 19,5 triệu USD, giảm gần 300.000 USD so với kết quả thực hiện năm 2014. Trong năm 2016, VALC đặt kế hoạch lãi trước thuế 18,9 triệu USD, giảm 24,4% so với năm 2015.
Duyên Duyên