Tốc độ tăng ca nhiễm COVID-19 tại Thái Lan tiếp tục ở mức hơn 100 người/ngày. Myanmar ghi nhận ca nhiễm thứ ba.
Giới chức Thái Lan thông báo có thêm 107 trường hợp mắc bệnh - nâng tổng số ca nhiễm lên 934.
27 trên 107 trường hợp mới liên quan đến ca nhiễm trước, 13 trường hợp là người nhập cảnh, 67 trường hợp chưa rõ nguồn lây.
Về việc số ca tăng mạnh thời gian gần đây, Bộ Y tế công Thái Lan giải thích là do thay đổi trong tiêu chuẩn xét nghiệm. Bây giờ chỉ cần một đơn vị xét nghiệm công bố kết quả dương tính thì đã xác nhận mắc COVID-19 thay vì hai đơn vị như trước.
Người ở độ tuổi khoảng 30 - 39 chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số bệnh nhân COVID-19. Tỉnh có nhiều ca nhiễm nhất là Bangkok (329).
Chính quyền Thái Lan vừa tuyên bố bố tình trạng khẩn cấp tạo điều kiện ban hành lệnh giới nghiêm, triển khai quân đội và giải tán những cuộc tụ tập nhằm ngăn dịch lây lan.
Trong khi đó tại Myanmar, nước này ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ ba không lâu sau khi phát hiện 2 ca đầu tiên.
Ca thứ ba là công dân Myanmar trở về từ Anh qua sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) ngày 21.3. Hai ngày sau bệnh nhân bắt đầu phát sốt nên được chuyển đến bệnh viện đa khoa Insein ở Yangon. Xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19.
Trước đó, hai ca nhiễm đầu tiên cũng là công dân Myanmar từ nước ngoài về. Giới chức nước này vừa ban hành quy định từ 0 giờ ngày 24.3, công dân Myanmar về nước phải chịu cách ly 14 ngày tại cơ sở tập trung. Người nước ngoài được yêu cầu xuất trình giấy tờ xét nghiệm chứng minh không nhiễm COVID-19, cũng phải cách ly tập trung.
Nhà ngoại giao lẫn nhân viên Liên hợp quốc cũng cần giấy chứng minh, tuy nhiên chỉ cần cách ly tại nhà.
Giới chuyên gia lo ngại hệ thống y tế nước này không chịu nổi dịch bệnh bùng phát. Nhưng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Stephan Paul Jost lên tiếng đảm bảo Myanmar có đủ bộ xét nghiệm. Dù cuối tháng trước Myanmar vẫn phải gửi mẫu của người nghi nhiễm sang Thái Lan xét nghiệm, nhưng sau đó họ đã nhận được viện trợ từ Thái, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, và mới đây nhất là Hàn Quốc.
Tại Philippines, Quốc hội quyết định trao thêm quyền hạn cho Tổng thống Rodrigo Duterte, qua đó cho phép ông chỉ đạo cả cơ sở y tế tư nhân, điều động phương tiện giao thông công cộng phục vụ đội ngũ ở tuyến đầu chống dịch cũng như trừng phạt người tung tin giả bằng án tù. Nước này đến nay có 552 ca nhiễm và 35 ca tử vong.
Malaysia có nhiều ca nhiễm nhất Đông Nam Á: tính đến ngày 24.3 là 1.624 (với 16 ca tử vong). Tuy nhiên nước có số người chết vì COVID-19 nhiều nhất lại là Indonesia: 55 trên 686 ca nhiễm - tỷ lệ tử vong khoảng 8%.
Singapore có 558 ca nhiễm, Việt Nam 134 ca, Brunei 104 ca, Campuchia 91 ca, Lào 2 ca.
Đông Bắc Á nhận thêm ca nhiễm từ bên ngoài
Hàn Quốc ghi nhận thêm 100 người mắc - nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 9.137.
34 người mắc mới là người nhập cảnh. Tổng số ca từ bên ngoài tăng lên 101. Số ca tử vong cũng tăng lên 126.
Do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, chính quyền Hàn Quốc tiếp tục duy trì lệnh cấm tổ chức hoạt động tập trung đông người, kêu gọi người dân hạn chế ra đường đồng thời yêu cầu người đến từ Mỹ (bất kể quốc tịch) tự cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh - biện pháp trước đây chỉ áp dụng cho người đến từ châu Âu.
Láng giềng Trung Quốc có thêm 47 ca nhiễm đều là người nhập cảnh. Số ca nhiễm mới từ bên ngoài ở Bắc Kinh, Quảng Đông, Phúc Kiến giảm nhưng ở Thượng Hải lại tăng.
Cẩm Bình (theo Myanmar Times, Frontier Myanmar, Yonhap News, Straits Times)