Hàng Châu, nơi được mệnh danh là "thiên đường nơi hạ giới" với cảnh sắc tuyệt đẹp, núi non bao quanh... nhưng rồi dịch Covid-19 xuất hiện, thành phố thiên đường của 10 triệu dân cũng buộc phải đóng cửa.
Ngày 23.1 tại Hàng Châu, cách xa Vũ Hán758km, chúng tôi nghe tin Vũ Hán chính thức "phong thành". Đó cũng là ngày 29 Tết, khi vừa làm xong việc, tôi và những đồng nghiệp nói chuyện và bắt đầu nghĩ về những điều có thể diễn ra trong những ngày sắp tới… thay vì những điều sẽ làm cho dịp năm mới.
Ngày 18.1, chỉ 1 tuần tuần trước đó, một ngày thứ bảy trời lạnh, không nắng, chúng tôi còn đi đến một thị trấn nhỏ ở Shaoxing, cách Hàng Châu 1 giờ xe chạy. Lúc đó ai cũng háo hức và hứng khởi trước thềm năm mới, và không ai trong chúng tôi biết rằng tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán đã bắt đầu tiến triển xấu đi.
Ngày 24.1, tôi được nghỉ làm và cũng là 30 Tết ở Việt Nam. Trên facebook của bạn bè, ngập tràn hình ảnh về Tết, hoa đào, hoa mai, những món ăn truyền thống, hội họp cuối năm. Ở Hàng Châu trời mưa lạnh, chúng tôi có hẹn ăn tối và đón giao thừa với gia đình một người bạn Trung Quốc. Trong những câu chuyện về năm mới 2020, chúng tôi nói về những con số người nhiễm ngày càng tăng ở Vũ Hán rồi đến Hàng Châu. Tôi vẫn nhớ câu chúc năm mới mà chúng tôi dành cho nhau không phải là Thịnh Vượng - Phát Tài mà là ‘Khoẻ mạnh - An toàn’ và mong dịch bệnh sẽ được kết thúc sớm.
Đây là năm thứ 2 tôi ăn Tết ở Hàng Châu, đường phố vắng lạnh, vì lúc đó mọi người biết rằng những ngày sắp tới sẽ là những ngày rất dài… Tất cả mọi người đều đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường, ánh mắt nhìn nhau không còn vui vẻ mà thay vào đó là "lảng tránh", người sợ người, các quán xá nhà hàng đóng cửa, chỉ có tiệm trái cây, tiệm thuốc và siêu thị mở cửa. Tại các tiệm thuốc, khẩu trang cháy hàng, giá cả tăng gấp 2-3 lần ngày thường nhưng vẫn có thể mua được.
Những ngày tiếp theo, thang máy của khu chung cư nơi chúng tôi ở bắt đầu nồng nặc mùi dung dịch khử trùng, các nút bấm thang máy được che bởi một lớp ni lông để tránh lây lan, các cửa vào khu chung cư bắt đầu đóng và chỉ có duy nhất một lối đi chính.
Tôi được yêu cầu làm việc ở nhà thay vì đến công ty.
Ngày 4.2, Hàng Châu chính thức thông báo đóng cửa thành phố, các phương tiện công cộng tạm dừng hoạt động, các cửa ngõ chính đi vào và đi ra khỏi thành phố đều đóng. Khu chung cư chúng tôi bắt đầu yêu cầu mỗi hộ gia đình chỉ được phép 1 người được ra khỏi nhà 2 ngày 1 lần để mua các thực phẩm cần thiết (sử dụng tem phiếu phát sẵn và có ngày cụ thể để đi ra ngoài chung cư), yêu cầu kiểm tra thân nhiệt. Lúc đó việc mua hàng trên mạng hay đi chợ online cũng bắt đầu khó hơn khi mà nhân lực giao hàng không đủ, nhiều mặt hàng cũng nhanh chóng bán hết… Mọi người cố gắng hạn chế đến siêu thị, những nơi đông người và "tự cách ly".
Trên các phương tiện truyền thông các nhóm bạn bè chia sẻ rất nhiều thông tin mới nhất về dịch bệnh, hỏi han sức khoẻ của nhau.
Các chuyến bay từ Việt Nam đến Hàng Châu, Thượng Hải cũng bắt đầu thưa dần và không còn bay nữa sau đó. Chính quyền thành phố cũng chia sẻ rất nhiều thông tin, các số điện thoại khẩn để hỗ trợ người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hàng Châu, danh sách các bệnh viện được yêu cầu chữa trị bệnh do virus này gây ra.
Những ngày tiếp theo, chúng tôi gần như ở nhà, không ra ngoài, không gặp gỡ bạn bè, ngoài cái giảm lo lắng và sợ, cảm giác khác là buồn chán. Mỗi buổi sáng tỉnh dậy, việc đầu tiên là kiểm tra điện thoại để xem tình hình số người nhiễm bao nhiêu, có thông tin lạc quan nào về sự kiểm soát dịch bệnh…
Mỗi ngày đều giống nhau, chúng tôi không còn cảm thấy sự phấn khởi khi cuối tuần đến. Chỉ cách đây vài tháng, chúng tôi còn bàn tính bao nhiêu kế hoạch đi du lịch, leo núi... nay tất cả chỉ là ngồi ở nhà. Cái cảm giác không thoải mái khi ra ngoài, mọi người đeo khẩu trang, không ai giao tiếp có thể còn khiến cho tâm lý dễ tiêu cực hơn.
Ngày 17.2, chính quyền thành phố bắt đầu cho phép một số nhà máy sản xuất và các công ty quan trọng đến nền kinh tế sẽ được phép hoạt động, các trường học vẫn tiếp tục đóng cửa và các công ty khác vẫn yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà…
Ngày 19.2, dựa trên đánh giá việc dịch đang được kiểm soát, thành phố cho phép các phương tiện giao thông công cộng hoạt động trở lại, và mọi người bắt đầu phải nộp đơn trên mạng theo "health code" - tạm gọi mã sức khỏe - qua ứng dụng điện tử Alipay của tập đoàn Alibaba. Người nộp đơn cần điền thông tin cá nhân, số điện thoại và trả lời nhưng câu hỏi bắt buộc.
Những ai có mã vạch màu xanh, có nghĩa sẽ được trở lại Hàng Châu, và được di chuyển trong thành phố, đồng thời sử dụng mã code này để ra vào nhà ga, trung tâm mua sắm.
Những ai có mã vạch màu vàng, sẽ phải tự cách ly ở nhà 7 ngày liên tục và sau đó nếu sức khoẻ tốt và sau khi thông báo sẽ được chuyển qua màu xanh.
Những ai có mã vạch màu đỏ, sẽ phải tự cách ly 14 ngày liên tục và sau đó nếu sức khoẻ tốt cần thông báo để chuyển qua màu xanh.
Ngày 23.2, con số hiện tại ở Hàng Châu là 169 người bị nhiễm, trong đó 123 người chữa khỏi. Trong số 7.776 người có tiếp xúc với với 169 trường hợp nhiễm, 304 người vẫn đang tự cách ly, 7.472 người hết đã được hết diện theo dõi.
Thành phố bắt đầu từng bước trở lại, các phương tiện bắt đầu lưu thông, nhưng sự kiểm soát dịch bệnh vẫn chặt chẽ.
Mùa xuân là khoảng thời gian rất đẹp ở Hàng Châu, hoa nở khắp nơi, đi bộ vãn cảnh Hồ Tây, hoăc leo núi, ngắm những đồi trà xanh ngát. Nhưng ở thời điểm này tất cả những điều đó dường như có vẻ xa xỉ vì dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc vẫn đang phong tỏa, dịch bệnh vẫn hoành hành.
Trên mạng mọi người truyền nhau những video, những lời nhắn nhủ "Cố lên Vũ Hán".
Và ngay lúc này đây, có lẽ điều mà chúng tôi muốn là chỉ sau một giấc ngủ, sáng thức dậy, dịch Covid-19 đã hoàn toàn được kiểm soát, cuộc sống có thể trở lại như ngày thường, giống như mặt trời vẫn đang tỏa sáng.
Yến Thanh (viết từ Hàng Châu, Trung Quốc)