Chỉ trong 1 tuần có 3 vụ lốp máy bay va phải vật ngoại lai (FOD) là mảnh kim loại, sỏi, đá dăm đến ốc vít... khi máy bay di chuyển ở các sân bay.
Mối lo vật ngoại lai ở các sân bay
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài xác nhận thông tin 3 máy bay cán đinh và mẻ cánh trong những ngày gần đây. Cụ thể, ngày 28.6, thợ máy phát hiện lốp của chiếc Airbus A350 chuẩn bị khởi hành từ Nội Bài đi Melbourne (Australia) bị 1 đinh mũ ghim vào.
Ngày 30.6, thợ máy sân bay Nội Bài phát hiện lốp số 2 càng trái của chiếc Airbus A321 bay đến từ Phú Quốc bị găm 1 đinh vít. Ngày 3.7, thợ máy sân bay Đà Nẵng phát hiện cánh quạt động cơ của máy bay Airbus A320 bị mẻ sau khi bay từ Hà Nội vào.
Thông tin “máy bay cán phải đinh" đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Song, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định tần suất phát hiện các vật ngoại lai (FOD) không có gì bất thường.
Cụ thể, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong quá trình khai thác bay thỉnh thoảng vẫn xảy ra những sự cố vật ngoại lai - FOD cắm vào lốp máy bay. Đây có thể là ốc vít, các mảnh vỡ cứng... xuất hiện trên đường băng, đường lăn, chứ không phải thực sự là đinh. "Công tác kiểm soát vật ngoại lai và bảo đảm vệ sinh trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ được cục chỉ đạo thực hiện nghiêm theo quy định", lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Các vật ngoại lai trên đường băng (đường cất hạ cánh và đường lăn của máy bay) có thể bao gồm: Dụng cụ, bộ phận và phần cứng rời, vật liệu xây dựng, giấy, kẹp giấy, bút, đồng xu… Trong khoảng một tuần qua đã phát hiện 3 vụ máy bay bị các loại ốc vít, đinh mũ găm vào lốp tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và 1 vụ máy bay từ Hà Nội sau khi hạ cánh tại Đà Nẵng đã phát hiện cánh quạt động cơ bị mẻ.
FOD có thể gây nguy hại đến sân bay hoặc máy bay như cắt lốp máy bay, gây hỏng động cơ máy bay, kẹt trong máy, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay. Tuy nhiên, với dòng máy bay kích cỡ như Airbus A321 trở lên, các cụm bánh máy bay thường có 2 cặp lốp được thiết kế theo chế độ khi 1 lốp bị hỏng, mất áp suất thì lốp còn lại vẫn có khả năng bảo đảm máy bay hạ cánh an toàn; còn với động cơ, nếu tắt 1 động cơ máy bay vẫn hạ cánh an toàn, xác suất dị vật văng hỏng cả 2 động cơ cùng lúc hiếm khi xảy ra.
Tại hội nghị đánh giá công tác kiểm soát FOD tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 mới đây, đại diện cảng cho biết FOD thường là rác sinh hoạt tại các khu vực sân đậu, băng chuyền hành lý, đường lăn… chưa có khuynh hướng giảm. Công tác vệ sinh sân đường quét hút FOD hiện tại cảng đang tổ chức kiểm tra với tần suất 7 lần/ngày. Ngoài ra, các tổ liên ngành thực hiện kiểm tra theo lịch định kỳ của cảng cũng triển khai với tần suất 14-16 lượt/tháng.
Đại diện một hãng hàng không nhận định tỉ lệ máy bay "cán phải đinh" là một sự cố rất nhỏ trong mấy triệu lượt máy bay cất hạ cánh và các hãng trong quy trình kiểm tra kỹ lưỡng sau mỗi lần cất, hạ cánh thường xử lý, thay thế luôn nên không ảnh hưởng lớn đến an toàn bay.
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, công tác kiểm soát FOD tại cảng được tiến hành thường xuyên. Hằng ngày, Trung tâm khai thác khu bay Nội Bài tổ chức kiểm tra, thu gom FOD, vệ sinh sân, đường khu bay thường xuyên, định kỳ và bất thường khi có sự vụ. Mỗi lần đi kiểm tra, ngoài hệ thống xe quét hút còn có các kíp nhân viên kiểm tra trực quan, thu gom các FOD mà phương tiện không hút được.
Các sân bay phải tăng cường kiểm soát vật thể lạ
Cục Hàng không Việt Nam ngày hôm nay (6.7) đã yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các Cảng vụ hàng không miền Bắc, Trung, Nam kiểm soát vật thể lạ, vật ngoại lai trên đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ tại các cảng hàng không, sân bay.
Cụ thể, nhà chức trách hàng không yêu cầu ACV chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, dọn dẹp vệ sinh sân, đường, đồng thời chấp hành nghiêm chỉnh quy trình kiểm tra tình trạng sân, đường, khu bay để kịp thời phát hiện, dọn dẹp FOD, trong đó tập trung vào hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất và các cảng hàng không đang có hoạt động thi công tại khu bay.
Nhà chức trách hàng không cũng yêu cầu soát lại số liệu, chỉ số liên quan đến FOD, đánh giá rủi ro, xác định mức độ cảnh báo đối với các cảng hàng không. Từ đó triển khai cụ thể giải pháp để tăng cường kiểm soát và ngăn chặn FOD, đầu tư trang thiết bị chuyên dùng nhằm phát hiện, loại trừ FOD tại cảng hàng không.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng chỉ đạo các đơn vị khai thác cảng hàng không, sân bay yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất, đơn vị thi công trên khu bay kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng FOD phát sinh từ phương tiện phục vụ mặt đất, hoạt động thi công, quản lý, kiểm tra kỹ thuật đối với các phương tiện kỹ thuật và dụng cụ trong khu bay.
"Yêu cầu bộ phận, nhân viên hoạt động trên khu bay rà soát lại quy trình quản lý công cụ, dụng cụ mang vào khu bay, nâng cao ý thức của người lao động trong việc ngăn ngừa, phát hiện, xử lý FOD trên khu bay", Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo.