Tại Điện Capitol từng xảy ra tấn công bằng súng, đánh bom, nghị sĩ dùng gậy tấn công đồng nghiệp, thậm chí ám sát.

Cuộc bạo loạn 6.1 là sự kiện đặc biệt trong lịch sử Điện Capitol

Cẩm Bình | 08/01/2021, 15:06

Tại Điện Capitol từng xảy ra tấn công bằng súng, đánh bom, nghị sĩ dùng gậy tấn công đồng nghiệp, thậm chí ám sát.

Giáo sư xã hội học David Meyer thuộc đại học California - tác giả quyển “The Politics of Protest: Social Movements in America” (Chính trị biểu tình: Phong trào xã hội ở Mỹ) - nhận xét: “Điện Capitol là nơi thu hút biểu tình, đôi lúc biểu tình bạo lực. Nhưng sự kiện ngày 6.1 thật sự bất thường vì do một Tổng thống Mỹ công khai khuyến khích người dân dùng đến biện pháp bạo lực để chống lại đối thủ chính trị của ông ta”.

Với 4 trường hợp tử vong, sự kiện mới nhất trở thành vụ bạo lực gây chết người nhất trong lịch sử Điện Capitol hơn 200 năm qua.

download.jpg
Cuộc bạo loạn ngày 6.1.2021 - Ảnh: Reuters

Sự kiện đáng chú ý đầu tiên xảy ra năm 1814: quân đội Anh phóng hỏa tòa nhà còn đang được xây dang dở – đốt cháy đồ đạc trong phòng họp Hạ viện cùng phòng Tòa án tối cao Mỹ.

Năm 1835, thợ sơn Richard Lawrence ám sát Tổng thống Mỹ Andrew Jackson đến dự lễ tang một hạ nghị sĩ tổ chức ở Điện Capitol. Kỳ diệu là cả 2 lần bắn súng đều không nổ, đối tượng sau đó được tuyên vô tội vì mắc bệnh hoang tưởng (Lawrence trải qua phần đời còn lại trong bệnh viện tâm thần).

Năm 1856, Thượng nghị sĩ Charles Sumner của bang Massachusetts bị người đồng nghiệp Preston Brooks (bang Bắc Carolina) dùng gậy tấn công sau khi có bài phát biểu chỉ trích chế độ nô lệ.

Năm 1915, một cựu giáo sư tiếng Đức thuộc đại học Harvard cài thuốc nổ tại phòng tiếp tân không người của Thượng viện (đang trong kỳ nghỉ lễ) vì tức giận vì Mỹ hỗ trợ Anh tấn công Đức trong Thế chiến thứ nhất. Vị học giả này sau đó chạy đến New York, bắn bị thương một nhân viên ngân hàng J.P. Morgan. Cuối cùng ông bị bắt và tự tử trong tù.

us-capitol-bomb-1915_176dc547db1_original-ratio.jpg
Hiện trường vụ nổ năm 1915 - Ảnh: RNZ

Năm 1954, 4 đối tượng vũ trang theo chủ nghĩa dân tộc Puerto Rico bắn vào các thành viên Hạ viện khiến 5 nghị sĩ bị thương. Nhóm này bị bắt và phải thụ án tù nhiều năm.

Năm 1971, một quả bom của nhóm phản chiến Weather Underground phát nổ trong buồng vệ sinh gây thiệt hại lớn. May mắn không có thương vong về người.

Năm 1983, nhóm cánh tả phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Lebanon và Grenada đặt bom dưới băng ghế bên ngoài phòng họp Thượng viện. Quả bom sau đó thổi bay cửa văn phòng làm việc của Thượng nghị sĩ Robert Byrd, làm hỏng bức tranh chính khách nổi tiếng Daniel Webster. Không ai bị thương.

Năm 1998, một người đàn ông có vũ trang xông vào chốt an ninh Điện Capitol rồi nổ súng giết chết 2 cảnh sát và làm 1 du khách bị thương. Đối tượng lúc đó muốn tìm văn phòng của Hạ nghị sĩ Tom DeLay.

Năm 2001, chuyến bay số hiệu 93 của United Airlines rơi xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania sau khi hành khách dũng cảm khống chế không tặc. Cuộc điều tra sau đó tiết lộ mục tiêu ban đầu không tặc nhắm đến là Điện Capitol.

flight-93-119746803.jpg
Máy bay của United Airlines rơi xuống một cánh đồng thay vì Điện Capitol như kế hoạch của không tặc - Ảnh: History.com

Năm 2013, một phụ nữ cố lái xe vượt qua trạm kiểm soát an ninh Nhà Trắng bị lực lượng chức năng rượt đuổi đến Điện Capitol. Nhân viên an ninh đã bắn chết người phụ nữ.

“Sự kiện đặc biệt”

Ngày 6.1.2021, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol nhằm ngăn Quốc hội chứng nhận ông Joe Biden thắng cử. Không ít người biểu tình tấn công cảnh sát, tràn qua các hành lang và lục tung nhiều văn phòng bên trong tòa nhà.

Cảnh sát mất đến 3 giờ đồng hồ để giành lại Điện Capitol. Đã có 52 người bị bắt, 4 người chết vì bạo loạn. FBI loại bỏ 2 thiết bị nổ.

eight_col_000_8ya8p8.jpg
Cảnh hỗn loạn bên trong Điện Capitol ngày 6.1 - Ảnh: RNZ

Cuộc bạo loạn là kết quả của nỗ lực kêu gọi người ủng hộ tổ chức biểu tình tại thủ đô Washington đúng ngày Quốc hội xác nhận kết quả phiếu đại cử tri mà Tổng thống Trump thực hiện suốt hơn 1 tuần trước.

trump.jpg
Ông Trump liên tục kêu gọi người ủng hộ đổ về thủ đô biểu tình - Ảnh: Twitter
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc bạo loạn 6.1 là sự kiện đặc biệt trong lịch sử Điện Capitol