Một số nhà ngoại giao kỳ cựu thúc giục tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thay Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bằng ai đó thông thạo chính sách Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có quan điểm trái ngược.

Đại diện Thương mại Mỹ có cần hiểu rõ Trung Quốc?

Cẩm Bình | 11/11/2020, 13:55

Một số nhà ngoại giao kỳ cựu thúc giục tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thay Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bằng ai đó thông thạo chính sách Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có quan điểm trái ngược.

Trong 3 năm làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama, Max Baucus thường xuyên thấy bất ngờ khi các đồng nghiệp cấp cao trong chính quyền Washington thiếu hiểu biết về Trung Quốc.

Ông Baucus (hiện làm cố vấn cho tân Tổng thống Joe Biden) chia sẻ: “Rõ ràng là một số người - chẳng hạn như vài vị Bộ trưởng - không đủ hiểu biết và cũng chẳng có kinh nghiệm làm việc với Trung Quốc”.

Đội ngũ của Tổng thống Donald Trump dường như cũng vậy. Baucus cho biết Đại diện Thương mại Lighthizer trước chuyến công du Trung Quốc đầu tiên đã tìm đến hỏi ông nghĩ gì về đối thủ châu Á, chiến thuật đàm phán mà chính quyền Bắc Kinh có thể áp dụng.

“Tôi không hề biết Lighthizer trước đó có từng công tác tại Trung Quốc không. Ông ấy chắc chắc không dành nhiều thời gian ở đó”, theo ông Baucus. Vị cố vấn này tin rằng bất cứ ai sắp thay thế Đại diện Thương mại đương nhiệm cũng phải hiểu biết rất rõ mối quan hệ Mỹ - Trung cực kỳ quan trọng.

Trên đây là một quan điểm trong cuộc tranh luận xung quanh khả năng Đại diện Thương mại Lighthizer bị thay thế sau cuộc chuyển giao quyền lực. Trước khi trở thành cố vấn cứng rắn làm việc cho Tổng thống Trump, ông Lighthizer là luật sư thương mại nổi tiếng quyết tâm bảo vệ ngành thép Mỹ trước cạnh tranh từ nước ngoài.

Cựu quan chức thương mại kỳ cựu Beth Baltzan - ứng viên cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ - nhận định: “Tân Tổng thống có thể hưởng lợi lớn nếu có được một người thông thạo mối quan hệ giữa chiến lược thương mại Trung Quốc với chương trình nghị sự trong nước của ông Biden. Đó sẽ là một chuyên gia thương mại sở hữu kinh nghiệm xử lý vấn đề liên quan đến Trung Quốc”.

chinatrade(1).jpg
Với cách tiếp cận cứng rắn, Đại diện Thương mại Lighthizer (phải) khiến Trung Quốc chấp nhận ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với nhiều nhượng bộ - Ảnh: SCMP

Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy, nhiều người muốn một nhà đàm phán xuất chúng. Theo một đồng nghiệp cũ từng giúp Đại diện Thương mại Lighthizer đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc: “Người bạn cần là nhân vật giỏi đàm phán thương mại, sở hữu trực giác nhạy bén”.

James Green - cựu Tham tán Thương mại thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc - cũng chỉ ra rằng dù chưa từng công tác tại Trung Quốc, Đại diện Thương mại Lighthizer từng thể hiện bản thân tìm hiểu rất rõ vấn đề thương mại Mỹ - Trung.

Điều trần trước Ủy ban Kinh tế - An ninh Mỹ - Trung của Quốc hội Mỹ năm 2010, Đại diện Thương mại Lighthizer đưa ra bản báo cáo nêu chi tiết mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc theo đuổi đem lại bất lợi cho Mỹ lẫn hệ thống thương mại thế giới như thế nào. Cựu Tham tán Green khẳng định nếu chỉ nghiên cứu vấn đề 1 - 2 năm thì không thể nào viết được báo cáo như vậy.

Hiểu biết về Trung Quốc hiện không thiếu. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) có quyền tiếp cận tin tình báo từ Cục Tình báo trung ương (CIA) cùng hàng chục cuộc điều tra do Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao hay Bộ Tài chính tiến hành.

“Tôi nghĩ có kinh nghiệm xử lý vấn đề liên quan đến Trung Quốc không cần thiết lắm. Đại diện Thương mại Mỹ tốt nhất là người nắm rõ những quy tắc thương mại phức tạp và có quan hệ tốt với Tổng thống”, theo cựu Tham tán Green.

Chuyên gia chính sách Simon Lester thuộc Viện nghiên cứu Cato có cùng quan điểm. Quan chức đứng đầu đặt ra phương hướng chung, đội ngũ dưới quyền - hiểu rõ Trung Quốc và có kinh nghiệm - sẽ thực thi.

“Tìm ra ứng viên có kinh nghiệm thì tốt thôi, nhưng không có cũng chẳng sao”, chuyên gia Lester nhận xét.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người
21 phút trước Sự kiện
Chiều 15.4 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế công bố Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại diện Thương mại Mỹ có cần hiểu rõ Trung Quốc?