Các tàu hút cát của Trung Quốc đang tràn vào quần đảo Matsu của Đài Loan, buộc lực lượng bảo vệ bờ biển địa phương phải thực hiện các cuộc tuần tra suốt ngày đêm. Chiến thuật này là một phần từ chiến dịch leo thang chiến tranh bất thường tại ‘vùng xám’ mà Trung Quốc nhắm vào Đài Loan.
Phóng viên Reuters tham gia tuần tra với lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan.
Chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan Lin Chie-ming đang ở tuyến đầu của một loại hình chiến tranh mới mà Trung Quốc đang tiến hành chống lại Đài Loan: Tàu hút cát.
Vào một buổi sáng se lạnh cuối tháng 1.2021, Lin Chie-ming mặc đồng phục màu cam đứng trên boong con tàu của mình đi tuần tra trong vùng nước lạnh ngoài khơi quần đảo Matsu (Mã Tổ) do Đài Loan quản lý. Cách đó vài km là bờ biển Trung Quốc có thể nhìn thấy lờ mờ từ tàu của Lin Chie-ming. Ông đề phòng các tàu hút cát của Trung Quốc xâm phạm vùng biển do Đài Loan kiểm soát.
Các quan chức Đài Loan nói rằng mục tiêu của Trung Quốc là gây áp lực với Đài Loan bằng cách thắt chặt hệ thống phòng thủ hải quân của hòn đảo dân chủ và phá hoại sinh kế của cư dân Matsu.
Nửa giờ sau cuộc tuần tra, thủy thủ đoàn 9 người của Lin Chie-ming
đã phát hiện ra hai tàu hút cát Trung Quốc 3.000 tấn, làm chùn bước con tàu 100 tấn của họ. Đậu ngay bên ngoài vùng biển của Đài Loan, cả hai tàu hút cát đều không hiển thị rõ tên khiến một thành viên thủy thủ đoàn đi cùng Lin Chie-ming khó xác định được khi nhìn qua ống nhòm.
Khi phát hiện tàu của Lin Chie-ming được trang bị hai vòi rồng và một súng máy, hai tàu hút cát nhanh chóng nhổ neo và quay trở lại bờ biển Trung Quốc.
Lin Chie-ming nói: “Họ nghĩ rằng khu vực này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Họ thường rời đi sau khi bị chúng tôi đuổi nhưng sẽ quay trở lại sau khi chúng tôi đi xa”, ám chỉ tàu nạo vét của Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng biển của Matsu.
Việc hút cát là vũ khí mà Trung Quốc đang sử dụng để chống lại Đài Loan trong chiến dịch được gọi là chiến thuật vùng xám, bao gồm việc sử dụng các chiến thuật bất thường để làm kiệt quệ đối phương mà không thực sự cần đến giao tranh. Kể từ tháng 6 năm ngoái, các tàu hút cát của Trung Quốc đã tràn vào quần đảo Matsu, thả neo và múc một lượng lớn cát từ lòng đại dương cho các dự án xây dựng ở Trung Quốc.
Cục Cảnh sát biển dân sự do Đài Loan điều hành đang tiến hành các cuộc tuần tra suốt ngày đêm trong nỗ lực đẩy lùi các tàu Trung Quốc. Các quan chức Đài Loan và người dân Matsu cho biết các hố bị hút cát đã gây ra các tác động ăn mòn khác, làm gián đoạn nền kinh tế địa phương, làm hỏng cáp thông tin liên lạc dưới biển, đe dọa người dân và khách du lịch đến quần đảo. Các quan chức địa phương cũng lo ngại rằng việc hút cát đang hủy hoại sinh vật biển gần đó.
Bên cạnh Matsu, nơi có 13.300 người sinh sống, lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết Trung Quốc cũng đang tiến hành hút cát ở vùng nước nông gần đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, từ lâu đã đóng vai trò là vùng đệm không chính thức ngăn cách Trung Quốc và Đài Loan.
Năm ngoái, Đài Loan đã trục xuất gần 4.000 tàu hút cát và tàu vận chuyển cát của Trung Quốc khỏi vùng biển do họ kiểm soát, hầu hết đều ở khu vực gần dải phân cách. Đó là mức tăng 560% so với 600 tàu Trung Quốc đã bị xua đuổi trong năm 2019.
Tại Matsu, cũng có nhiều tàu Trung Quốc đi sát vùng biển Đài Loan mà không thực sự tiến vào, buộc lực lượng bảo vệ bờ biển phải thường xuyên cảnh giác.
Su Tzu-yun, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh cho biết việc hút cát là “chiến lược vùng xám với nét đặc trưng của người Trung Quốc. Một mặt bạn hút cát, nhưng nếu bạn cũng có thể gây áp lực lên Đài Loan thì điều đó cũng tuyệt vời”.
Cát chỉ là một phần của chiến thuật vùng xám. Tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình, Trung Quốc đã và đang sử dụng các chiến thuật bất thường khác để tấn công hòn đảo 23 triệu dân. Những tháng gần đây, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã điều động các máy bay chiến đấu đe dọa tấn công hòn đảo. Đài Loan đã sử dụng máy bay quân sự gần như hàng ngày để đối đầu với mối đe dọa, đặt ra gánh nặng lớn cho lực lượng không quân của họ.
Các quan chức quân sự Đài Loan và các nhà phân tích phương Tây cho rằng chiến thuật vùng xám của Trung Quốc nhằm tiêu hao tài nguyên, xói mòn ý chí của các lực lượng vũ trang trên đảo và làm cho hành động quấy rối đó trở nên thường xuyên đến mức thế giới phải chú ý. Một quan chức an ninh Đài Loan đang điều tra vấn đề cho biết hoạt động hút cát của Trung Quốc là “một phần trong chiến tranh tâm lý của họ chống lại Đài Loan, tương tự như những gì đang làm ở vùng trời phía tây nam Đài Loan”, nơi các máy bay phản lực Trung Quốc xâm phạm.
Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc nói với Reuters rằng "tuyên bố của Đài Loan rằng Bắc Kinh đang cho phép các tàu hút cát tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp gần Matsu và đường trung tuyến là vô căn cứ". Văn phòng này cho biết đã thực hiện các bước để ngăn chặn việc hút cát trái phép mà không nêu rõ chi tiết.
Văn phòng cũng cho biết Đài Loan là "một phần không thể tách rời của Trung Quốc". Chính quyền Đài Loan bị cáo buộc đang sử dụng tuyên bố kiểm soát vùng biển gần quần đảo để “giam giữ các tàu thuyền trên đất liền, thậm chí sử dụng các phương tiện nguy hiểm và bạo lực để đối xử với các thủy thủ đại lục”.
Khi được hỏi về các hành động trong vùng xám của Trung Quốc, Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan, cơ quan giám sát chính sách với Trung Quốc, cho biết đảng Cộng sản Trung Quốc đang tham gia "quấy rối" với mục đích gây áp lực lên Đài Loan. Hội đồng cho biết chính quyền Đài Loan gần đây đã tăng hình phạt với hành vi nạo vét trái phép trong vùng biển của mình.
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực để khuất phục Đài Loan. Nếu ông ta thành công bằng chiến thuật vùng xám hoặc chiến tranh toàn diện thì điều đó sẽ làm suy yếu đáng kể vị thế thống trị chiến lược hàng thập kỷ của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thúc đẩy Trung Quốc vươn lên vị thế vượt trội trong khu vực.
Quần đảo Matsu cách Đài Bắc gần một giờ đi máy bay, là một trong số ít các nhóm đảo gần bờ biển Trung Quốc mà Đài Loan đã cai quản kể từ năm 1949. Các nhóm đảo Matsu, Kinmen (Kim Môn) và Pratas (Đông Sa) nằm cách Đài Loan vài trăm km.
Matsu chỉ cách bờ biển Trung Quốc 9 km tại điểm gần nhất, có tổng cộng 9 tàu tuần duyên, trọng tải từ 10 đến 100 tấn. Trong một số ngày, các quan chức Đài Loan cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển đã phải đối mặt với hàng trăm tàu Trung Quốc, có kích thước từ 1.000 đến 3.000 tấn, trong và xung quanh vùng biển của hòn đảo này. Đài Loan nói những vùng nước đó kéo dài 6 km tính từ bờ biển ở đây. Trung Quốc không chính thức công nhận bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của Đài Loan.
Vào một thời điểm năm ngoái, hơn 200 tàu vận tải và hút cát của Trung Quốc đã được phát hiện hoạt động ở phía nam Nangan (Nam Can), hòn đảo chính Matsu, ba quan chức Đài Loan nói với Reuters.
Chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển Lin Chie-ming nhớ lại một cảnh tượng tương tự diễn ra vào sáng ngày 25.10 khi ông và các đồng nghiệp của mình chạm trán với đội vũ trang gồm khoảng 100 tàu thuyền Trung Quốc. Ngày hôm đó, Lin Chie-ming nói nhóm của ông đã trục xuất 7 tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Matsu.
“Mọi người hoảng sợ trước cảnh tượng này”, Lin Chie-ming đề cập đến cư dân địa phương. “Họ đang suy đoán về mục đích của những chiếc tàu trên đất liền và liệu chúng có gây ra mối đe dọa an ninh cho vùng Matsu hay không”, ông nói thêm.
Trong một số trường hợp bế tắc, lực lượng bảo vệ bờ biển của Đài Loan đã phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu Trung Quốc trong nỗ lực xua đuổi chúng. Năm ngoái, Đài Loan đã tạm giữ 4 tàu Trung Quốc và bắt 37 thuyền viên. 10 trong số những người bị bắt đã bị tuyên các mức án từ 6 đến 7 tháng tù. Những người khác vẫn đang được xét xử, lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết.
Đài Loan đang trong quá trình tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển, một phần để đối phó với mối đe dọa hút cát. Năm ngoái, nhà lãnh đạo Đài Loan - Thái Anh Văn đã đưa vào hoạt động chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu tuần duyên mới, dựa trên thiết kế của "sát thủ tàu sân bay" - tàu tên lửa cho hải quân.
Vào tháng 12.2020, bà Thái Anh Văn cho biết hơn 100 tàu tuần duyên mới sẽ được đóng trong thập kỷ tới, đồng thời cam kết thực hiện cuộc đàn áp “không khoan nhượng” với hoạt động hút cát của Trung Quốc trong vùng biển Đài Loan. Trong khi đó, các tàu tuần tra lớn hơn đã được cử đến để tăng cường tạm thời cho lực lượng bảo vệ bờ biển ở Matsu, với 117 thành viên đang thực hiện các cuộc tuần tra 24 giờ.
Số lượng tàu hút cát ngoài khơi bờ biển Matsu đã giảm đáng kể vào cuối năm ngoái, do thời tiết mùa đông khiến biển động hơn và việc nạo vét trở nên khó khăn. Khi chuyển mùa và biển lặng hơn, người dân địa phương lo sợ rằng tàu nạo vét Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại.
Từ cuối những năm 1950 đến cuối những năm 1970, các lực lượng Trung Quốc thỉnh thoảng bắn phá quần đảo Matsu bằng đạn pháo. Dấu tích của thời đó vẫn còn hiển hiện trên khắp nhóm đảo, từ những đường hầm trú ẩn không kích cũ kỹ cho đến những khẩu hiệu chống Trung Quốc được hiển thị trên những vách đá hiểm trở của đảo Nangan.
Ngày nay, Matsu là địa điểm du lịch nổi tiếng. Những ngôi nhà bằng đá cũ đẹp như tranh vẽ đã được biến thành những nhà khách thời thượng. Thế nhưng, người dân địa phương nói rằng các chiến thuật hút cát của Trung Quốc đang làm tổn hại đến sinh kế của họ.
Chen Kuo-chiang (39 tuổi), người điều hành một nhà hàng hải sản ở đảo Nangan, nói việc hút cát đã dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng cá mà anh đánh bắt được ngoài khơi đảo. Chen Kuo-chiang cho biết cách đây 3 năm, anh câu được chục chiếc cần mỗi ngày khi đứng câu cá trên một số tảng đá ở cảng Nangan. Giờ đây, anh phải vật lộn để bắt được một hoặc hai con cá.
Nangan có thể thấy rõ nỗi lo về một cuộc xâm lược của Trung Quốc. Chen Kuo-chiang cho rằng việc hút cát có thể là tiền đề cho một cuộc tấn công của lực lượng Trung Quốc. Anh nói: “Chúng tôi không muốn bị cai trị bởi Trung Quốc đại lục. Chúng tôi có tự do, điều này bị giới hạn ở đó".
Tsai Chia-chen, người làm việc tại một nhà nghỉ chỉ phục vụ bữa sáng trước biển, nói mối quan tâm đặc biệt cao trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.2020. Tsai Chia-chen tiết lộ vào thời điểm đó, rộ tin đồn rằng Trung Quốc có thể nắm bắt cơ hội Mỹ bị phân tâm bởi cuộc bầu cử để phát động tấn công vào Đài Loan. Tsai Chia-chen nhớ lại rằng số lượng lớn tàu nạo vét của Trung Quốc xung quanh các đảo vào cuối tháng 10 đã làm tăng thêm sự lo lắng.
“Khách của chúng tôi rõ ràng đã lo lắng. Chỉ có một tàu tuần duyên Đài Loan nhỏ, được bao quanh bởi nhiều tàu hút cát khổng lồ”, cô nói.
Ba quan chức Đài Loan nói với Reuters trong năm ngoái, các tàu hút cát Trung Quốc đã làm hỏng cáp thông tin liên lạc dưới biển giữa Nangan và Juguang (Cử Quang), một hòn đảo khác trong nhóm Matsu. Họ nói rằng các dịch vụ điện thoại di động và internet cho người dân trên đảo đã bị gián đoạn. Không có sự cố như vậy trong năm 2019.
Do chính quyền Đài Loan hậu thuẫn, Chunghwa Telecom đã chi khoảng 2 triệu USD để sửa các tuyến cáp vào năm ngoái và thuê một tàu đánh cá địa phương để thực hiện các cuộc tuần tra hàng ngày nhằm đảm bảo sự an toàn của các dây cáp.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết hầu hết các tàu Trung Quốc chất đầy tải xung quanh Matsu đã được nhìn thấy đang chở cát của họ theo hướng bắc, về phía thành phố Ôn Châu, nơi chính quyền địa phương Trung Quốc đang quảng cáo một dự án cải tạo đất lớn. Được biết đến với cái tên dự án Ou Fei, khu vực này đã được khai hoang để làm vùng kinh tế mới, gồm khoảng 66 km2 - hơn gấp đôi diện tích của tất cả các quần đảo Matsu. Trên trang web của mình, chính quyền Ôn Châu mô tả dự án là “sự phát triển chiến lược lớn cho tương lai” của thành phố.
Sau cuộc tiếp xúc ở cấp địa phương giữa hai bên, Trung Quốc đã tạm giữ một số tàu hút cát vào tháng trước, theo lực lượng bảo vệ bờ biển của Đài Loan. Song, một cuộc họp do Đài Loan khởi xướng với các nhà chức trách ở thành phố cảng Phúc Châu để thảo luận về việc hút cát đã bị "hoãn vô thời hạn" và không có lời giải thích vào cuối tháng 12.
Đài Loan đã lên kế hoạch sử dụng cuộc họp trực tuyến để thúc giục Trung Quốc thực hiện đăng ký bắt buộc đối với tàu hút cát và trừng phạt những người ra khơi mà không báo cáo với chính quyền, theo một lưu ý nội bộ mà Reuters nhìn thấy.
Văn phòng các vấn đề Đài Loan tại Bắc Kinh cho biết chính quyền địa phương của cả hai bên duy trì “liên lạc và hợp tác cần thiết” để đảm bảo trật tự trên biển.
Trên tàu tuần tra của mình, chỉ huy Lin Chie-ming tỏ vẻ thách thức. Ông cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan sẽ “sử dụng vũ lực để xua đuổi” các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển của hòn đảo này.
“Bằng cách đó, chúng ta có thể trấn an những người ở Matsu. Hiện tại, chúng tôi có đủ khả năng để làm việc này”, Lin Chie-ming nhấn mạnh.