Khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Nga đóng vai trò làm trung gian hòa giải ở đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhấn mạnh vị trí của họ là một bên liên quan chính và hầu như không che giấu mong muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực để lấp đầy khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại khi rút quân về nước.

Đại sứ quán ở Afghanistan vẫn hoạt động, Nga muốn lấp đầy khoảng trống quyền lực khi Mỹ rút quân

Sơn Vân | 28/08/2021, 22:21

Khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Nga đóng vai trò làm trung gian hòa giải ở đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhấn mạnh vị trí của họ là một bên liên quan chính và hầu như không che giấu mong muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực để lấp đầy khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại khi rút quân về nước.

Tổng thống Nga - Vladimir Putin gần đây đã chế nhạo các nước phương Tây và những nỗ lực ảm đạm của họ trong việc thành lập một chính phủ dân chủ ở Afghanistan.

"Tôi nghĩ rằng nhiều chính trị gia ở phương Tây đang bắt đầu hiểu rõ hơn với thực tế rằng không thể chấp nhận được việc áp đặt các tiêu chuẩn ngoại lai về đời sống chính trị và ứng xử lên các quốc gia lẫn dân tộc khác", ông Putin nói trong cuộc họp báo ngày 20.8 sau khi hội đàm với Thủ tướng Đức - Angela Merkel.

Sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul và tuyên bố chiến thắng vào ngày 15.8, ông Putin đã tung ra một loạt các nỗ lực ngoại giao để tận dụng động lực mới.

Tổng thống Nga đã cố gắng cho cộng đồng quốc tế thấy khả năng khôi phục trật tự ở Afghanistan sau cuộc rút quân hỗn loạn của quân đội Mỹ bằng cách tổ chức các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Uzbekistan, Iran, Tajikistan, Pháp và Ý.

dai-su-quan-o-afghanistan-van-hoat-dong-nga-muon-lap-day-khoang-trong-quyen-luc-khi-my-rut-quan1.jpg
Ông Putin chỉ trích chính sách Afghanistan của các quốc gia phương Tây tại cuộc gặp với Thủ tướng Angela Merkel ở Moscow vào ngày 20.8 - Ảnh: Reuters

Trong khi hầu hết các nước phương Tây đang nháo nhào sơ tán nhân viên đại sứ quán khỏi Afghanistan, Đại sứ quán Nga tại Kabul vẫn hoạt động bình thường. Vào ngày 15.8, Đại sứ Nga - Dmitry Zhirnov cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc ở đây một cách bình tĩnh".

Ông Dmitry Zhirnov giải thích quyết định của mình bằng cách lưu ý rằng "hiện tại không có mối đe dọa ngay lập tức với nhân viên hoặc cơ sở của chúng tôi". Dmitry Zhirnov cũng nói rằng ông đã đạt được sự tin tưởng nhất định với quân nổi dậy thông qua cuộc nói chuyện với các đại diện của Taliban vào ngày 17.8.

Trong một dấu hiệu khác Điện Kremlin đang chuẩn bị cho việc Taliban trở lại nắm quyền, đặc phái viên của Tổng thống Putin tại Afghanistan - Zamir Kabulov cho biết Nga đã nỗ lực thiết lập "các mối liên hệ với sự chuyển động của Taliban trong 7 năm qua". Ông nói thêm rằng Nga dự đoán “Taliban sẽ đóng vai trò hàng đầu trong tương lai của Afghanistan".

Nga đã xem Taliban là một tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, chính phủ Nga từng chào đón một cách không chính thức một phái đoàn Taliban đến thủ đô Moscow vào tháng 7.

dai-su-quan-o-afghanistan-van-hoat-dong-nga-muon-lap-day-khoang-trong-quyen-luc-khi-my-rut-quan21.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Nga - Sergei Lavrov (bên trái) từng chào đón đại diện Taliban - Alhaj Mohammad Sohail Shaina trong cuộc đàm phán hòa bình đa phương ở Moscow vào ngày 9.11.2018 - Ảnh: Reuters

Nga đang gặt hái thành quả từ nhiều năm chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc tấn công ngoại giao trong trường hợp Mỹ rút quân khỏi đất nước.

Như việc can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, mục tiêu của ông Putin là có dấu ấn lớn trong khu vực. Nga bắt đầu sử dụng quyền lực của mình để tác động đến tình hình ở Afghanistan.

Kể từ khi Taliban bắt đầu giành được cơ sở vào đầu tháng 8, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các lực lượng Uzbekistan, Tajik và Trung Quốc tại các khu vực giáp biên giới với Afghanistan. Uzbekistan và Tajikistan – 2 trong số 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á - được Nga coi là một phần ảnh hưởng của mình. Nga cũng có liên minh quân sự với Tajikistan.

Tất cả các quốc gia này đều lo ngại rằng Taliban hoặc các chiến binh Hồi giáo khác đang ẩn náu ở Afghanistan có thể lợi dụng tình trạng hỗn loạn hiện nay để xâm nhập vào lãnh thổ của họ, gây rối loạn các khu vực biên giới. Thông qua các cuộc tập trận, Nga đã được quốc tế công nhận là người bảo vệ các quốc gia Trung Á.

Ngoài ra, ông Putin đang cố gắng coi sự thất bại giữa Mỹ và Afghanistan như dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu trong khu vực. Bản tường thuật từ ông Putin về sự rút lui của Mỹ bao gồm một tham chiếu ẩn chứa sự phụ thuộc của Ukraine vào Mỹ.

Nga không quá muốn dấn thân vào vùng chính trị nguy hiểm của khu vực dù có vị thế ngày càng tăng ở đây. Nga chỉ đơn giản lo ngại sự xuất hiện của bất kỳ mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nào với Trung Á (sân sau của họ) có thể đe dọa đến hạnh phúc của chính nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Sergei Shoigu đã cảnh báo về khả năng những kẻ khủng bố ở Afghanistan có thể vào Nga thông qua Tajikistan, Uzbekistan hoặc Kyrgyzstan. Với người Nga, tình hình hiện tại khơi lại những ký ức cay đắng về các cuộc tấn công khủng bố của các chiến binh Hồi giáo trong những năm 1990 và 2000.

Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có thể đạt được kết quả ổn định ở Afghanistan và các khu vực khác của Trung Á trong khi tăng cường ảnh hưởng của mình tại khu vực này hay không.

Ông Putin biết quá rõ rằng Afghanistan đang đặt ra thách thức ghê gớm, với bối cảnh chính trị bị chia cắt được cai trị bởi các lãnh chúa trong khu vực đang tranh giành quyền lực tối cao.

Năm 1979, Liên Xô tấn công Afghanistan trong cuộc chiến tồi tệ kéo dài 10 năm và cướp đi sinh mạng của hơn 14.000 người Liên Xô trước khi rút lui. Nhiều người Nga vẫn chưa quên đau thương của cuộc chiến ở Afghanistan, một trong những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết.

Một số người Nga đang có cảm giác "từng nhìn thấy" và cảnh báo về cuộc xung đột thảm khốc tái diễn.

Chiến tranh Liên Xô tại Afghanistan là cuộc xung đột kéo dài 10 năm giữa các lực lượng quân sự Liên Xô ủng hộ chính phủ Cộng hòa Dân chủ Afghanistan của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) chống lại lực lượng Mujahideen chiến đấu nhằm lật đổ chính quyền theo chủ nghĩa cộng sản. Liên bang Xô viết ủng hộ chính phủ trong khi phe đối lập nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía gồm Mỹ, Pakistan và các quốc gia Hồi giáo khác trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh. Cuộc xung đột xảy ra đồng thời với Cách mạng Iran năm 1979 và Chiến tranh Iran-Iraq, ảnh hưởng tới sự trỗi dậy của lực lượng Mujahideen tại Trung Á.

Tập đoàn quân số 40 Liên Xô bắt đầu triển khai tại Afghanistan ngày 25.12.1979. Vào giữa thập niên 1980 quân số quân đội Liên Xô tăng lên tới 108.800 lính và chiến tranh lan ra khắp lãnh thổ Afghanistan. Cái giá về quân sự cũng như về ngoại giao chẳng bao lâu là quá cao cho Liên Xô. Vào giữa năm 1987, Liên Xô dưới sự lãnh đạo của nhà cải tổ Mikhail Gorbachev tuyên bố là sẽ rút quân. Việc rút quân bắt đầu ngày 15.5.1988 và chấm dứt ngày 15.2.1989.

Chỉ riêng thường dân, ước tính từ 850.000 đến 1,5 triệu người đã bị chết trong cuộc chiến và hàng triệu người Afghanistan đã chạy ra khỏi nước tị nạn, hầu hết tới Pakistan và Iran.

Kịch bản đang diễn ra đáng lo ngại ở một số cấp độ. Thứ nhất, Afghanistan đã trở nên “chín muồi” với các nhóm khủng bố, đó là lý do dẫn đến các cuộc tập trận quân sự chung của Nga với các nước láng giềng. Afghanistan đã và đang khiến làn sóng người tị nạn thất vọng. Nước láng giềng Tajikistan đã xây dựng một cơ sở để chứa đám đông, trong đó có nhiều người không được kiểm tra kỹ lưỡng.

dai-su-quan-o-afghanistan-van-hoat-dong-nga-muon-lap-day-khoang-trong-quyen-luc-khi-my-rut-quan12.jpg
Các tàu sân bay bọc thép của Uzbekistan luyện tập trong cuộc tập trận chung với Nga và Tajikistan vào ngày 10.8 - Ảnh: AP

Uzbekistan cũng đóng vai trò là điểm trung chuyển cho những người chạy trốn khỏi Afghanistan. Trong những năm 1990 và 2000, Uzbekistan phải hứng chịu các cuộc tấn công của các công dân có vũ trang và nghèo khổ vì tức giận về sự tham nhũng của chính phủ cùng chế độ cai trị độc tài. Trong khi đã cố gắng khôi phục lại luật pháp và trật tự, chính phủ Uzbekistan vẫn đang cố gắng loại bỏ bất kỳ nguồn gốc nào của chủ nghĩa khủng bố. Uzbekistan cũng rất lo lắng về những người tị nạn từ Afghanistan và là một trong số ít quốc gia không ký Công ước về người tị nạn.

Một trong những mối quan tâm khác của Nga là buôn bán ma túy. Afghanistan là một trong những nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất, vốn là nguồn tài chính chính cho Taliban.

Taliban được cho đã hứa với Nga rằng họ sẽ xóa sổ nạn sản xuất ma túy, nhưng sẽ không dễ dàng để truy quét các tổ chức tội phạm liên quan đến buôn lậu. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất với Nga là sự không chắc chắn về sự cai trị của Taliban. Vẫn còn quá sớm để nói liệu chiến lược của ông Putin với Afghanistan sẽ dẫn đến một chiến thắng ngoại giao hay điều gì đó ảm đạm hơn.

Một điều rõ ràng là Tổng thống Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc dành nguồn lực khổng lồ cho các cơ quan an ninh và tình báo của mình để đảm bảo một kết quả thuận lợi ở Trung Á.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại sứ quán ở Afghanistan vẫn hoạt động, Nga muốn lấp đầy khoảng trống quyền lực khi Mỹ rút quân