Trận chung kết Carabao Cup giữa M.U và Newcastle được truyền thông đưa tin rầm rộ sáng nay khi M.U đã chấm dứt 6 năm khát danh hiệu bằng chiến thắng 2-0 trước Chích Chòe Newcastle. Nhưng không chỉ M.U mà các nhà điều hành giải đấu EFL (English Football League) còn cười to hơn.

Đắng cay bóng đá Việt Nam khi 'hiểu' Carabao Cup

Đặng Hoàng | 27/02/2023, 14:00

Trận chung kết Carabao Cup giữa M.U và Newcastle được truyền thông đưa tin rầm rộ sáng nay khi M.U đã chấm dứt 6 năm khát danh hiệu bằng chiến thắng 2-0 trước Chích Chòe Newcastle. Nhưng không chỉ M.U mà các nhà điều hành giải đấu EFL (English Football League) còn cười to hơn.

Ngay trước trận chung kết, 86.000 vé vào sân vận động Wembley đã bán hết sạch. Tổng số khán giả đến sân theo dõi giải đấu mùa này đạt mức 1,5 triệu người, cao nhất trong hơn 20 năm qua. Như vậy, số khán giả đến sân mùa này xem Carabao Cup tăng 11% so với mùa trước. Việc khán giả đến sân tăng đột biến như vậy đi ngược lại với suy thoái kinh tế chung ở nước Anh trong năm qua, cũng như trào lưu từ bỏ Cúp Liên đoàn mà mới nhất là Pháp đã khai tử sân chơi phụ này.

Tiền thưởng không phải là động lực lớn cho các đội dự Carabao Cup vì bạn sẽ giật mình nếu biết phần thưởng cho đội vô địch giải đấu chỉ 100.000 bảng, chưa bằng lương tuần của tiền vệ Casemiro đang khoác áo M.U, còn đội nhì bảng chỉ nhận... 50.000 bảng. Đội vô địch Carabao Cup cũng chỉ được suất dự Conference Legue (cúp C3) chứ không phải Europa League (cúp C2) như trước. Thế nhưng, các đội vẫn nhiệt tình tham gia vì khán giả nhiệt tình theo dõi. Và số lượng khán giả theo đông đảo thì sẽ giúp CLB kiếm được tiền bán vé, tiền bản quyền truyền hình.

Lượng khán giả vẫn đến sân đầy ắp như các bạn chứng kiến tại sân Wembley hôm qua chắc chắn giúp 2 đội chia bộn tiền bán vé chứ không chỉ là phần thưởng 100.000 bảng đầy tính tượng trưng.

Chưa hết, ngay cả trận tứ kết mà M.U tiếp Charlton thì sân Old Trafford cũng chật kín 74.000 khán giả, trong đó có 9.000 CĐV đội khách lặn lội từ London đến Manchester. Vậy tại sao người hâm mộ Anh vẫn nhiệt tình theo dõi Cúp Liên đoàn dù có bao giải đấu? Đó là nhờ ban tổ chức biết giữ được sự hấp dẫn của giải đấu này.

Chủ tịch của EFL, Rick Parry dẫn chứng: “Năm ngoái, chúng tôi đã có lượng khán giả kỷ lục cho Carabao Cup, với 4 triệu người (bỏ tiền mua bản quyền) xem trận chung kết. Năm nay số người đến sân đã tăng lên và gần như ở mức kỷ lục. Đó là một giải đấu vô cùng phổ biến”.

Ông Parry cho biết doanh số bán vé và số liệu xem chứng minh Carabao Cup là “cực kỳ phổ biến” và là huyết mạch tài chính cho hệ thống kim tự tháp của bóng đá Anh. Lãnh đạo Ban tổ chức EFL khẳng định sự phục hưng của Carabao Cup đã chứng minh rằng giải đấu này không thể thiếu đối với bóng đá Anh. Đồng thời, họ sẵn sàng thay đổi giải đấu nếu điều đó đạt được một thỏa thuận tài chính mới với các nhà điều hành Premier League.

Theo báo chí Anh, bản quyền truyền hình mỗi mùa giải Carabao Cup khoảng 120 triệu bảng, trong đó 1/3 chia cho Premier League (gồm 20 CLB giải Ngoại hạng) và 2/3 chia cho EFL (tổng cộng 72 CLB từ Championship, League One, League Two). Hiện EFL đang rất vất vả để đàm phán vấn đề chia chác tiền truyền hình với Premier League.

Như đã nói, tương lai của giải đấu đã bị đặt dấu hỏi sau khi những thay đổi ở giải đấu châu Âu đồng nghĩa với việc các đội bóng hàng đầu sẽ phải thi đấu nhiều trận đấu ở Champions League hơn vào mùa thu và mùa đông.

Để duy trì và phát triển giải đấu, EFL sẵn sàng tạo các thay đổi như đổi thể thức thi đấu các trận bán kết 2 lượt thành 1 lượt và các đội Champions League được phép cử đội U.21 ở các vòng đấu sớm.

Vậy EFL là tổ chức như thế nào? Họ giống như một dạng VPF ở Việt Nam, điều hành các giải chuyên nghiệp Championship (24 CLB), League One (24 CLB), League Two (24 CLB) và Cúp Liên đoàn có tên chính thức là Carabao Cup. Tuy nhiên, bóng đá chuyên nghiệp Anh không chỉ có EFL mà còn có ban tổ chức Premier League để điều hành riêng giải Ngoại hạng Anh đầy xôi mật.

Dù phải cạnh tranh lợi ích với Premier League rồi bị o ép bởi FA Cup, các loại cúp châu Âu, nhưng các nhà quản lý EFL vẫn đang gắng thích nghi và tạo ra một sân chơi cuốn hút như Carabao Cup. Như thế thì ta phải thấy rằng ban điều hành EFL rất giỏi.

Trong khi đó, VPF ở nước ta là một mình một ngựa, một mình điều hành cả giải V-League 1, giải V-League 2 (tức giải Hạng nhất) lẫn Cúp quốc gia, Siêu cúp quốc gia mà chưa thật sự nâng tầm được giải đấu nào. Sự tồn tại của VPF cũng được hơn chục năm mà nếu không được hiệu quả thì phải chăng sự điều hành chưa được ổn như kỳ vọng của người yêu bóng đá nước nhà.

Liệu chúng ta có nghĩ đến việc thuê hẳn một công ty nước ngoài điều hành giải đấu thay vì VPF? Hay chúng ta cần hai nhà tổ chức như kiểu bóng đá Anh là Premier League và EFL để có sự cạnh tranh cho tiến bộ. Thậm chí chúng ta mời gọi xã hội tham gia và trình dự án khả thi nếu như họ được trúng và toàn quyền điều hành VPF?

Đó là những giải pháp theo chúng tôi là khả thi sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển. Vấn đề là những người đang điều hành bóng đá Việt Nam có thực lòng muốn tránh được sự độc quyền khiến các doanh nghiệp mặn mà với bóng đá như Carabao rơi vào e ngại như thời gian qua hay không mà thôi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đắng cay bóng đá Việt Nam khi 'hiểu' Carabao Cup