Sau khi đường Song Hành (xa lộ Hà Nội, TP.Thủ Đức) đã hoàn thành thì 2 đường tạm xung quanh cầu Rạch Chiếc được trồng mảng xanh thuộc hành lang bảo vệ cầu và công viên nên phải tổ chức lại lưu thông.
Ông Phan Công Bằng – Phó giám đốc Sở giao thông vận tải TP.HCM đã chia sẻ như thế với báo chí vào chiều 2.6 xung quanh việc “đóng” 2 đường tạm xung quanh cầu Rạch Chiếc khiến nhiều phương tiện giao thông phải qua Trạm thu phí xa lộ Hà Nội tốn phí.
Theo ông Bằng, sau khi toàn bộ đường Song Hành trái xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức) được nghiệm thu đưa vào sử dụng , ngày 29.5.2022, Công ty cồ phần đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội (Doanh nghiệp dự án BOT trực thuộc Công ty CII) đã tiến hành thi công hoàn thiện bó vỉa, lề đường của khu vực dạ cầu Rạch Chiếc. Việc thi công lề đường đã làm “mất” lối đi tắt mà các hộ dân đã đi trước đây, gây hiểu lầm là “CII đóng đường”.
Công ty CII không cố tình ngăn đường để tận thu, chỉ hoàn thành thi công theo đúng thiết kế được duyệt, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho tất cả các phương tiện.
Các đường tạm hai bên cầu Rạch Chiếc mà hiện nay các chủ phương tiện không tiếp cận được hoàn toàn không có trong quy hoạch, chỉ là đường tạm để thi công cầu Rạch Chiếc trước đây. Việc duy trì hệ thống đường tạm trong thời gian ban đầu là để phục vụ công tác tuần tra, duy tu cầu Rạch Chiếc. Nay đường Song Hành ở khu vực này đã hoàn thành, nhiệm vụ của đường tạm đã xong, cần phải trả lại mặt bằng theo quy hoạch và đảm bảo an toàn giao thông khu vực.
Ông Phan Công Bằng khẳng định, việc thi công đường Song Hành và đường chui cầu Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức) là đúng với thiết kế được phê duyệt. Sau khi đường Song Hành được thi công xong, Sở giao thông vận tải tổ chức trở lại việc lưu thông có tính an toàn cao, hạn chế tình trạng ùn tắc ở cầu Rạch Chiếc.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi công lại đường Song Hành khiến một số trường hợp trước đây không đi qua Trạm thu phí xa lộ Hà Nội thì nay phải qua trạm thu phí này ông Bằng cho biết, đã tính toán những trường hợp miễn giảm phí và thực hiện đúng theo dự án được xây dựng.
“Sau khi tổ chức lại lưu thông có một số trường hợp phải lưu thông qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội, Sở giao thông vận tải cũng đã chủ động mời UBND TP.Thủ Đức để thông tin cho người dân nắm bắt và chia sẻ. Phương án lưu thông mới này đảm bảo an toàn cao, và rất phù hợp với tình hình thực tế, rất mong người dân chia sẻ”, ông Bằng nhấn mạnh.
Theo Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM – Chủ đầu tư dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội, đoạn đường tạm dưới dạ cầu Rạch Chiếc đi ra 2 bên hông cầu Rạch Chiếc là đường công vụ, phục vụ cho thi công cầu Rạch Chiếc trước đây, không có trong quy hoạch giao thông. Sau khi thi công xong, khuôn viên đất của 2 đường tạm sẽ được trồng mảng xanh thuộc hành lang bảo vệ cầu và công viên (như các cầu khác trong TP). Thời gian qua do chưa xây dựng mảng xanh, nên một số hộ dân trong khu vực đã sử dụng đường tạm để đi xe gắn máy (đi tắt) rẽ phải, lên cầu Rạch Chiếc vào Trung tâm thành phố.
Từ khi Trạm thu phí xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động trở lại, đặc biệt là sau khi đoạn đường Song Hành trong phạm vi TP.Thủ Đức (từ nút giao Đại học Quốc Gia đến cầu Rạch Chiếc) cơ bản hoàn thành, mỗi ngày, ngoài các hộ dân trong khu vực lưu thông bằng xe gắn máy như trước đây, còn có thêm khoảng 3.000 lượt xe ô tô con giao thông theo hướng từ Đồng Nai qua đường Song Hành trái (đường Nguyễn Văn Bá), để đi vào đường tạm, rẽ phải ngược lên cầu Rạch Chiếc vào Trung tâm thành phố. Các phương tiện này đã gây xung đột giao thông với các phương tiện đi thẳng trên trục đường chính xa lộ Hà Nội đang tăng tốc để lên cầu (thực tế đã xảy ra một số tai nạn giao thông tại chân cầu Rạch Chiếc).