Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng phạm nhân lao động hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam cần được trả công theo quy định của pháp luật về lao động.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn: Phạm nhân lao động ngoài trại giam cần được trả công

Lam Thanh | 03/06/2022, 10:52

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng phạm nhân lao động hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam cần được trả công theo quy định của pháp luật về lao động.

Cho rằng đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết nghị quyết được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Việc này góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc thực hiện thí điểm mô hình này cần bảo đảm an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.

to-lam.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Đồng thời, phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự; thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Ủy ban Tư pháp cho rằng việc ban hành nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội.

Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp.

Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này.

Theo thống kê thì trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67% mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7% không biết chữ, 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do.

Do đó, nếu như không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn. Ngoài ra, vì lý do bất khả kháng, nhiều trại đã không tổ chức tốt việc lao động, dạy nghề cho phạm nhân.

thuy.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu

Đại biểu Thủy cũng cho biết có những ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động học tập, học nghề tại ngoài trại giam thì có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn. Do đó, cần thiết để Bộ Công an triển khai một cách chặt chẽ nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động.

Bà Thủy cũng nêu, một trong những chính sách rất nhân văn đối với phạm nhân đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2018, đó là chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, phạm nhân chỉ cần chấp hành được 1 phần 2 thời hạn tù có ý thức cải tạo tốt và đáp ứng một số điều kiện khác có thể được tha tù sớm để tự cải tạo xã hội. Do đó, việc hướng nghiệp ở ngoài trại, dưới sự quản lý chặt chẽ của trại giam thì cũng cần thiết được đặt ra và bước đầu cho phép thí điểm.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng phạm nhân tham gia lao động hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam cần được trả công theo quy định của pháp luật về lao động.

lth.jpg
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phát biểu

Đồng thời, ông Hoàn cho rằng cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động. Theo đó, cần có những quy định bảo đảm cho phạm nhân đề phòng tai nạn lao động, kể cả bệnh nghề nghiệp với những điều khoản không kém thuận lợi hơn so với quy định pháp luật áp dụng đối với lao động tự do.

Để làm rõ phạm vi điều chỉnh dự thảo nghị quyết, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn về hoạt động hướng nghiệp, hoạt động dạy nghề. Ví dụ, trường hợp phạm nhân tham gia lao động với mục đích là được học nghề hướng nghiệp thì cơ chế thế nào, thời gian kéo dài bao lâu, khi nào thì chuyển sang lao động có trả công.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ thêm trong quá trình phạm nhân tham gia lao động học nghề ngoài trại giam, các quyền của phạm nhân như hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chế độ y tế được đảm bảo như thế nào?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
16 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Lê Thanh Hoàn: Phạm nhân lao động ngoài trại giam cần được trả công