Thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. Đó là câu chuyện liên quan đến các loại vi rút như vi rút tham nhũng, vi rút trì trệ, vi rút vô cảm như các đại biểu đã phản ánh. Sức công phá của chúng không kém gì vi rút corona”, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhận xét.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Vi rút tham nhũng, trì trệ, vô cảm công phá không kém coronavirus

15/06/2020, 17:34

Thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. Đó là câu chuyện liên quan đến các loại vi rút như vi rút tham nhũng, vi rút trì trệ, vi rút vô cảm như các đại biểu đã phản ánh. Sức công phá của chúng không kém gì vi rút corona”, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhận xét.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: VGP

Cần thành lập tổ tư vấn về văn hóa

Phát biểu về lĩnh vực văn hóa tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 15.6 tại Quốc hội, đại biểu (ĐB) Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm, phát triển lĩnh vực văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước.

Theo đó, cần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động về vị trí, vai trò của văn hóa; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị.

Ông Lượng cho rằng cần hoàn thiện, thi hành chính sách, pháp luật, nhất là chính sách, pháp luật về xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam, bảo tồn di sản văn hóa, phát huy tiềm năng sáng tạo và bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

“Phát triển văn hóa phải đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị; ưu tiên đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp văn hóa và kiện toàn đội ngũ cán bộ công tác văn hóa theo kết luận của Trung ương”, ĐB Lượng nêu.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ tư vấn văn hóa giáo dục. Bà nhấn mạnh đây là mong muốn xuất phát từ vai trò của văn hóa, giáo dục và công nghệ, trong đó, văn hóa là nền tảng tinh thần, nền tảng tư tưởng của xã hội và giáo dục, khoa học - công nghệ, là quyết sách hàng đầu.

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, tổ tư vấn văn hóa giáo dục sẽ tư vấn, đề xuất cho Thủ tướng những quyết sách đúng đắn hơn, kịp thời hơn về chính sách phát triển văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ trong trung hạn, dài hạn và phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, giống như tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã tư vấn với Thủ tướng nhiều giải pháp, nhiều biện pháp ứng phó kịp thời trước những biến động của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Cứ phải đúng quy trình thì làm sao có sáng tạo?

Đề cập đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, theo bà Mai Hoa, Thủ tướng đã tổ chức nhiều hội nghị, trong đó nhiều hội nghị được gọi là hội nghị Diên Hồng, để lắng nghe doanh nghiệp và có nhiều quyết sách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. Đó là câu chuyện liên quan đến các loại vi rút như vi rút tham nhũng, vi rút trì trệ, vi rút vô cảm như các đại biểu đã phản ánh. Sức công phá của các loại vi rút này không kém gì vi rút corona.

Với tinh thần chống dịch COVID-19 như vừa qua, đại biểu Mai Hoa mong Thủ tướng quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo chống các loại vi rút nói trên. Đó là tư tưởng chống dịch như chống giặc, việc xác định các nhóm nguy cơ cao trong nhiễm các loại vi rút và đặc biệt quyết tâm khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn từ xa và dập dịch triệt để để từng bước tạo môi trường minh bạch, trong lành để phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng nêu quan điểm rằng Việt Nam không có tham vọng thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, nhưng đây cũng chính là thời điểm rất tốt để tái cấu trúc kinh tế, giúp Việt Nam hóa rồng.

Theo ông Cường, Thủ tướng đã có tổ công tác nhằm chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư là mục tiêu thu hút để nắm bắt yêu cầu, đánh giá các điều kiện đáp ứng. Chính phủ cần lựa chọn hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực để tiếp nhận, sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất, biến các nhà đầu tư nước ngoài thành một phần của các tập đoàn trong nước.

Ví dụ, nếu chúng ta có cơ chế phù hợp để giành toàn bộ thị phần ngành công nghiệp đường sắt và những chính sách phù hợp, chúng ta có thể thu hút các tập đoàn nước ngoài và bắt tay các doanh nghiệp trong nước hình thành nền công nghiệp đường sắt trong nước.

Theo đại biểu Cường, cách làm này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc chúng ta đi vay tiền các nhà thầu nước ngoài xây dựng từng dự án đường sắt, nhập từng đoàn tàu riêng lẻ. Nhiều ngành công nghiệp khác các nước rất muốn chuyển giao công nghệ cho chúng ta mà chúng ta đang rất cần.

Để tạo bước phát triển đột phá, theo ông Cường, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Trước hết, đổi mới sáng tạo trong quản lý, thay thế cơ chế đánh giá dựa vào sự tuân thủ quy trình, quy định sang cơ chế đánh giá dựa vào hiệu quả đầu ra.

“Nếu cứ bắt buộc phải tuân thủ đúng quy trình, quy định thì làm thế nào để có đổi mới sáng tạo? Nếu cố đổi mới sáng tạo thì chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng vi phạm và sẽ bị xử lý”, ông Cường nói.

Nhiều cán bộ giàu tư đất, lụi tàn cũng từ đất

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chia sẻ rằng đất đai là nguồn lực cực lớn của đất nước nhưng lại hữu hạn. Vấn đề này đang rất phức tạp, tiềm ẩn những bất ổn toàn diện, cần có chủ trương, quyết sách, thậm chí cần có cuộc cách mạng về đất đai, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhắc đến việc điều chỉnh cách chính sách về đất đai, ông Vượt nêu thực tế xuất hiện nhiều tỉ phú, triệu phú từ đất.

“Có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, giàu nhanh bất thường, thậm chí sự nghiệp lên từ đất. Song cũng có không ít người lụi tàn là các đồng chí đã bị lộ, càng làm tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân, dẫn đến các vụ khiếu kiện đông người gay gắt”, ông Vượt nói.

Ông Vượt dự báo sẽ có nhiều điểm nóng, tương lai sẽ rất nóng liên quan đến chính sách thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó” với giá bèo để phân lô bán nền tại các đô thị và địa phương. “Vấn đề này lây lan như dịch COVID-19 và cũng chưa có thuốc đặc trị”, ông Vượt nói.

Ông Vượt nhận định đứng sau các dự án có thể là người nước ngoài, nhất là với các vị trí nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, bởi nhiều dự án có chung thủ đoạn là ủy quyền lòng vòng với mục đích lừa đảo, cần sự chỉ đạo của các cơ quan, kịp thời xử lý bịt kẽ hở pháp luật này.

Nhấn mạnh về thực trạng của các tỉnh miền núi, đất đai là nguồn lực duy nhất nhưng ĐB Vượt nhận định đất đai lại bị sử dụng lãng phí, không hiệu quả. Một số doanh nghiệp nông lâm trường để hàng nghìn hecta cây trồng lay lắt, hàng nghìn hecta đất hoang hóa, họ lợi dụng chính sách ưu đãi nên hằng năm không phải nộp đồng nào cho Nhà nước. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, có tâm tiếp cận rất khó, không có đất sạch, đồng thời còn nhiều người dân sở tại không có đất.

“Như vậy là bất hợp lý, gây không ít bức xúc, tiềm ẩn âm ỉ những đốm lửa tại nhiều địa phương hiện tại và tương lai”, ông Vượt nêu quan điểm và đề nghị không hỗ trợ và giao đất không thu tiền sử dụng đất với những hộ còn sức lao động, coi đây là chính sách đặc thù.

Lam Thanh

Bài liên quan
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine từ chức vì liên quan đến tham nhũng
Hãng Reuters đưa tin, ngày 25.4, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky đã đệ đơn từ chức trong lúc phải đối mặt với cáo buộc liên quan đến hoạt động mua bán đất công trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Vi rút tham nhũng, trì trệ, vô cảm công phá không kém coronavirus