Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Mỹ có giải pháp cụ thể hỗ trợ Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị ngành bán dẫn, tham gia vào các chuỗi cung ứng ngành hàng không vũ trụ...
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) ngày 25.1 cho biết Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với đoàn Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ do bà Young Oak Kim, Hạ nghị sĩ (đảng Cộng hòa, bang California), Chủ tịch Tiểu ban Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ làm trưởng đoàn.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao cơ hội được thảo luận với đoàn Hạ viện Mỹ về những vấn đề kinh tế, thương mại giữa hai nước, đồng thời đề nghị Mỹ quan tâm, xem xét sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường, có giải pháp cụ thể hỗ trợ Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị ngành bán dẫn, tham gia vào các chuỗi cung ứng ngành hàng không vũ trụ...
Bà Phan Thị Thắng mong muốn chuyến thăm của đoàn nghị sĩ Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ những lĩnh vực hợp tác cụ thể của trụ cột kinh tế thương mại, làm động lực quan trọng thúc đẩy tổng thể quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ.
Liên quan đến việc hợp tác kinh tế thương mại song phương, Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại đầu tư Việt Nam - Mỹ. Việt Nam và Mỹ đã chủ động giải quyết các vấn đề hai bên cùng quan tâm, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa bền vững cùng có lợi.
Đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị trong thời gian tới hai nước cần tăng cường các hoạt động trao đổi chính sách, củng cố lòng tin chiến lược, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua cơ chế đối thoại của Hội đồng TIFA.
Về phần mình, Hạ nghị sĩ Young Oak Kim và đoàn nghị sĩ Mỹ coi Việt Nam là thị trường năng động và tiềm năng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Các nghị sĩ đại diện các bang của Mỹ (California, Ilinois, North Carolina, Arizona, lowa …) đã bày tỏ mong muốn phát triển hợp tác về thương mại đầu tư, phát triển hợp tác nông nghiệp hơn nữa giữa hai nước, và đồng thời trông đợi có những hợp tác cụ thể trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, chuyển đổi số với Việt Nam.
Đoàn nghị sĩ Mỹ đặc biệt quan tâm đến những cải cách của Việt Nam về luật pháp, những chính sách cụ thể của Việt Nam về khoáng sản quan trọng, về chuyển đổi số, cải tiến công nghệ thiết yếu, quan trọng, qua đó sẽ thúc đẩy Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn và đạt các mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 cũng như trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Liên quan đến việc hợp tác trong ngành bán dẫn, trong chuyến công du 3 nước châu Á bao gồm Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc từ ngày 22.1 đến 1.2 trong đó Việt Nam là chặng dừng chân đầu tiên, Thứ trưởng Jose Fernandez, người phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đã có chia sẻ định hướng hợp tác với Việt Nam trong hai lĩnh vực "nóng" nhất hiện nay là chip bán dẫn và năng lượng sạch.
Nói về những cơ hội đầu tư giữa hai nước trong ngành chip bán dẫn, ông lưu ý vào năm 2022, khoảng 1.000 tỉ vi mạch được giao dịch trên toàn cầu.
Đạo luật chip và khoa học (Chips and Science Act) được thông qua vào năm ngoái đã thể hiện cam kết của Mỹ đầu tư hơn 50 tỉ USD hỗ trợ đưa các nhà máy sản xuất chip vào thị trường này, gồm cả Quỹ An ninh công nghệ quốc tế và đổi mới (ITSI Fund).
Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ chi 500 triệu USD để ổn định và mở rộng sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời phát triển và triển khai công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) an toàn và đáng tin cậy.
"Việt Nam, với lợi thế trong kỹ năng lắp ráp, kiểm tra và đóng gói vi mạch, là đối tác quan trọng trong sáng kiến này. Hợp tác nhằm đa dạng hóa và củng cố hệ sinh thái vi mạch toàn cầu, giải quyết thách thức phát triển nguồn nhân lực ở cả hai quốc gia", Thứ trưởng ngoại giao Mỹ khẳng định.