Elon Musk, chủ sở hữu Twitter, đã không gửi bất kỳ dòng tweet nào khi ông đến Trung Quốc trong chuyến thăm đầu tiên kể từ sau đại dịch.
Cho đến đầu hôm 30.5, Elon Musk đã tweet mỗi ngày (thường là nhiều lần) trong năm 2023.
Sự im lặng của Elon Musk khi ở Trung Quốc đánh dấu khoảng thời gian dài nhất mà tỷ phú này không tweet trên Twitter kể từ tháng 6.2022. Nhiều nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài bị cấm ở Trung Quốc, gồm cả Twitter và Facebook, song người dùng có thể sử dụng VPN (mạng riêng ảo) để truy cập chúng.
Việc sử dụng VPN cho mục đích cá nhân là bất hợp pháp ở Trung Quốc nhưng việc thực thi pháp luật không đồng đều nên nhiều người ở nước này tiếp tục dùng dịch vụ.
Cũng điều hành Tesla, Elon Musk đã gặp gỡ các quan chức chính phủ Trung Quốc và lãnh đạo doanh nghiệp địa phương trong chuyến thăm của mình, đồng thời cho biết lợi ích của Trung Quốc và Mỹ đan xen với nhau.
Elon Musk đã ca ngợi con người và thành tựu Trung Quốc đạt được trong thời gian qua, khẳng định Tesla phản đối chính sách “tách rời” và sẵn sàng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại quốc gia châu Á. Máy bay riêng của tỷ phú giàu nhất thế giới rời thành phố Thượng Hải vào sáng 1.6 (giờ địa phương).
Sự im lặng bất thường của Elon Musk trên Twitter khiến một số người dùng mạng xã hội này thắc mắc liệu có phải ông không thể thiết lập VPN, hoặc cảm thấy điều đó không phù hợp. Tuy nhiên, tỷ phú 51 tuổi đã có một lịch trình bận rộn, gồm cả việc gặp gỡ các nhân viên tại nhà máy Tesla ở Thượng Hải tối 31.5.
Theo Bloomberg Billionaires Index, Elon Musk hiện sở hữu 192 tỉ USD, tăng 2 tỉ USD sau phiên giao dịch 31.5, và trở lại vị trí người giàu nhất thế giới. Trong khi đó, tài sản ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault (Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH) giảm 5,25 tỉ USD còn 187 tỉ USD. Nguyên nhân do cổ phiếu LVMH giảm 2,6% trên sàn Paris hôm qua.
Trung Quốc quá quan trọng với Tesla
Từ những cái bắt tay với các quan chức Trung Quốc, đến những chuyến đi tới Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp nước này, Elon Musk cho thấy tầm quan trọng của đất nước 1,4 tỉ dân trên thị trường ô tô điện toàn cầu, theo CNBC.
"Chuyến đi tới Trung Quốc rất quan trọng với Elon Musk", Anthony Sassine, chiến lược gia tại công ty quản lý đầu tư Kraneshares, nhận định.
Trung Quốc chiếm 50% doanh số bán ô tô điện và 20% năng lực sản xuất của Tesla. Trong cuộc họp cổ đông vào tháng 4, Elon Musk đã xác định thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc là rủi ro với triển vọng của công ty trong năm 2023.
Anthony Sassine khẳng định chuyến đi tới Trung Quốc của Elon Musk là "tuyên bố chính trị". "Các lãnh đạo doanh nghiệp như Elon Musk và Jamie Dimon - Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase đang nói với giới chức ở cả hai bờ Thái Bình Dương rằng, doanh nghiệp cần sự ổn định chính trị", Anthony Sassine bình luận.
Thêm vào đó, các điều kiện vĩ mô đang không đứng về phía ngành công nghiệp ô tô điện. Trung Quốc đã chấm dứt việc trợ cấp cho những ô tô điện mới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tăng lãi suất dồn dập để kìm hãm lạm phát.
Trước những thay đổi về kinh tế vĩ mô, các công ty đồng loạt hạ giá bán để thúc đẩy doanh số bán hàng, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đó là tín hiệu cho thấy tầm quan trọng trong việc bảo vệ thị trường Trung Quốc và tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc với hệ thống toàn cầu của Tesla.
Tesla đã giảm giá ô tô điện tại Trung Quốc vào tháng 10.2022 và tháng 1.2023, nhưng rồi tăng giá trở lại hồi tháng 5. Dù vậy, giá bán của ô tô điện Tesla vẫn thấp hơn so với đầu năm nay.
Theo Bill Russo, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược và đầu tư toàn cầu Automobility, việc Tesla buộc phải giảm giá bán cho thấy tầm quan trọng của thị trường ô tô điện Trung Quốc với công ty Mỹ.
"Đó là tín hiệu cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ thị trường Trung Quốc và tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc với hệ thống toàn cầu của Tesla", Bill Russo nói với CNBC.
Theo Bill Russo, Tesla cần lợi thế kinh tế nhờ quy mô của Trung Quốc, từ đó tạo ra lợi thế về chi phí trên toàn cầu. "Song để duy trì được điều đó, Tesla phải duy trì một mức gắn bó nhất định với nước này", ông giải thích.
Dĩ nhiên, đó không phải là điều dễ dàng với Tesla. Bill Russo nhấn mạnh rằng Trung Quốc là thị trường ô tô điện rất cạnh tranh. Tesla buộc phải cạnh tranh với nhiều công ty trong nước để giành giật lợi thế.
"Không giống những thị trường khác trên thế giới, Tesla không phải là công ty lớn duy nhất tại đây", Bill Russo nhận định.
Tesla phải giành giật thị phần bằng những ô tô điện cũ. Mẫu ô tô điện Model 3 ra mắt cách đây 3 năm, còn Model Y cách đây 2 năm. Do đó, công ty của Elon Musk phải dùng mức giá rẻ để cạnh tranh với các hãng ô tô điện Trung Quốc, vốn đang rao bán những mẫu xe mới hơn.
BYD (đối thủ chính của Tesla ở Trung Quốc) đã ra mắt loại xe hybrid có động cơ điện và động cơ đốt trong, có thể chạy liên tục mà không cần phải dừng lại để sạc điện. Đây là vũ khí mà Tesla không có. Hơn nữa, doanh thu của BYD trong lĩnh vực kinh doanh pin điện thuần túy cũng cao gấp đôi Tesla. Vì thế, Tesla buộc phải dựa vào giá cả để duy trì khả năng cạnh tranh.
"Ở các thị trường khác, Tesla được coi là một hãng ô tô điện cao cấp. Song để tồn tại trong cuộc đua tại thị trường Trung Quốc, hãng buộc phải bước vào cuộc chiến giá", Bill Russo chia sẻ thêm.
Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ hai của Tesla và không ngạc nhiên khi Elon Musk tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Tỷ phú công nghệ cũng cam kết đầu tư dài hạn và ca ngợi thành tựu công nghệ của Trung Quốc.
Nhà máy sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới của Tesla nằm ở thành phố Thượng Hải. Đầu tháng 4, Tesla tuyên bố sẽ mở một nhà máy mới ở thành phố này. Ban đầu nhà máy này sẽ sản xuất 10.000 pin Megapack mỗi năm, tương đương với khoảng 40 gigawatt giờ lưu trữ năng lượng và bổ sung cho hoạt động của nhà máy sản xuất ô tô điện hiện có ở Thượng Hải.
Tesla hiện có một nhà máy Megapack ở bang California (Mỹ) và các đơn đặt hàng tồn đọng cho đến đầu năm 2025. Theo trang web của Tesla, một pin Megapack có giá dưới 2,7 triệu USD ở California.
Trung Quốc đang thuyết phục các công ty quốc tế tiếp tục đầu tư vào nước này sau khi việc phong tỏa kéo dài vì đại dịch gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Điểm đáng chú ý là Tesla vẫn đang chờ chính quyền Trung Quốc phê duyệt Full Self Driving (FSD), hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến của hãng. Ô tô điện Tesla cũng bị cấm vào các khu liên hợp quân sự và địa điểm họp chính trị của Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về camera lắp trên xe.