Hồi hè, Dangal dài 161 phút là bộ phim Ấn đầu tiên bán được nhiều vé nhất ở Trung Quốc, dù không có hiệu quả đặc biệt, xe đua tốc độ hay đánh nhau hoành tráng như các phim ‘bom tấn’ của Hollywood.
Ấn Độ thắng trên sân Trung Quốc
Chỉ trong 2 tháng, xuất phẩm này thu về hơn 194 triệu USD, trở thành một trong 20 phim thu về nhiều tiền nhất mọi thời ở Trung Quốc.
Phim không có diễn viên Trung Quốc tham gia, không phải do người Trung Quốc sản xuất. Nhưng fan điện ảnh Trung Quốc lại thích vì nội dung hấp dẫn: câu chuyện thật của một người cha Ấn Độ muốn huấn luyện hai cô con gái trở thành những đô vật đẳng cấp thế giới.
Nhân vật chính của Dangal do Aamir Khan, nam tài tử ngôi sao kinh thành điện ảnh Bollywood đảm nhiệm.Tại các rạp chiếu, khán giả hò reo, dán mắt vào một cảnh phim đặc biệt: lá cờ Ấn được kéo lên cùng quốc ca Ấn.
Và Dangal đang làm sống lại nỗi lo sợ ở Trung Quốc, rằng họ thua Ấn trên mặt trận văn hóa.Trong khi ngành điện ảnh Trung Quốc từ lâu tìm cách bắt chước và cạnh tranh với Hollywood của Mỹ, sự thành công rực rỡ của Dangal buộc các hãng phim Trung Quốc phải chấp nhận làm ăn với Bollywood, lập quan hệ đối tác và phát hành phim với Ấn Độ, thuê đạo diễn và tác giả kịch bản người Ấn.
Theo NYT, dù đầu tư lớn cho ngành phim ảnh, Trung Quốc vẫn chật vật để có thể sản xuất những phim ‘bom tấn’ kể từ sau Ngọa Hổ Tàng Long năm 2.000 (của đạo diễn Ang Lee).
Ngay cả Đại trường thành của Trương Nghệ Mưu được cho là phim khá nhất trong vài năm gần đây để tiến đến tầm cỡ ‘bom tấn toàn cầu, vẫn không bán được nhiều vé ở ngoài Trung Quốc.
Một số người nỗ lực bào chữa cho điện ảnh Trung Quốc: ngành này tương đối non trẻ. Nhưng sự tranh luận về Dangal xảy ra lúc nhiều người Trung Quốc lo ngại lĩnh vực phim ảnh nước mình trong mục tiêu chạy đua với Hollywood đã quá nhỏ mọn, chỉ nghĩ đến lờilãi và giải trí, thay vì chú trọng chất lượng phim.
Cổ Uyển Thành, phó chủ tịch hãng phim Khổng tước sơn (chuyên về hợp tác giữa hai làng phim Trung-Ấn) nói: “Tại Trung Quốc, người có tiền ra quyết định. Nhưng những người này không biết nhìn ra một nội dung hay. Họ chỉ thích đầu tư vào những ngôi sao lớn và hiệu quả đặc biệt”.
Một số người nói để hạn chế vấn nạn này, có lẽ nên học tập Bollywood.Ông Cổ Uyển Thành nói thêm: “Ở Bollywood rất khác. Ở đó, người Ấn đủ tự tin nói: ”Chúng tôi có thể kể câu chuyện này thật hay”.
Áp phích phim Dangal ở Ấn Độ
Trung Quốc không muốn thua kém
Thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn đặt mục tiêu trọng tâm là tăng tầm ảnh hưởng văn hóa đến khắp thế giới, nỗ lực giới thiệu Ấn là nơi chào đời của Đức Phật và môn yoga.
Tiểu thuyết và thơ Ấn được thế giới công nhận, kể cả ở Trung Quốc, trong khi Bollywood đưa ngành điện ảnh Ấn lên bản đồ thế giớivới những phim ăn khách toàn cầu như Triệu phú ổ chuột và gần đây là Sư tử, với những nội dung đậm sắc thái Ấn và do diễn viên Ấn thể hiện.
Tương tự, Trung Quốc không giấu bí mật về tham vọng quyền lực mềm. Điển hình là dự án Một Vành Đai, Một Con Đường trị giá 1.000 tỉ USD do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. Nhưng còn phải chờ xem kết quả công trình này.
Trong khi đó, các cơ quan truyền thông nhà nước như Đài truyền hình trung ương, Tân Hoa Xã đều tăng cường hoạt động ở nước ngoàitrong nỗ lực đưa tin thế giới “theo quan điểm Trung Quốc”.
Theo NYT, vài nỗ lực mở rộng ‘mặt trận văn hóa’ của Trung Quốc đã bị sụp đổ. Ví dụ dự án lập những Viện Khổng tử ở các ký túc xá đại học đã bị chỉ trích mạnh.
Tưởng Cảnh Khuê, chủ nhiệm Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Bắc Kinh, nói: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc về chính trị, kinh tế và quân sự là rất dễ hiểu. Nhưng về quyền lực mềm, Ấn Độ giỏi hơn Trung Quốc. Dù chưa thể nói kinh tế Ấn phát triển, họ lại chú trọng cổ động nền văn hóa, gồm những điều như truyền thống Phật giáo và Yoga”.
Trung Trực(theo New York Times)