Cuộc sống tại thủ đô Triều Tiên trở nên khó khăn bởi hàng loạt biện pháp phòng dịch có phần quá cứng rắn.
Dù chưa thông báo ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào, nhưng quốc gia Đông Bắc Á này lại áp đặt nhiều biện pháp quyết liệt như đóng cửa biên giới, tạm ngừng hoạt động du lịch quốc tế, hạn chế đi lại một số thành phố, tăng cường cách ly người nhập cảnh lẫn người dân ở khu vực biên giới…
Trong bài đăng Facebook ngày 1.4, Đại sứ quán Nga cho biết các nhân viên ngoại giao đang rời khỏi Bình Nhưỡng. Hiện chỉ còn không tới 300 người nước ngoài ở lại thành phố này.
“Không phải ai cũng chịu được loạt quy định hạn chế khắc nghiệt chưa từng có, tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm, đặc biệt là thuốc men, cũng như thiếu điều kiện giải quyết vấn đề sức khỏe”, theo Đại sứ quán Nga.
Tháng trước, báo cáo viên về tình hình nhân quyền tại Triều Tiên của Liên Hợp Quốc cũng khuyến cáo biện pháp phòng dịch cứng rắn đã gây ra khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Nước này vốn đang phải đối mặt với sự trừng phạt quốc tế vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, an ninh lương thực bị đe dọa do thiên tai làm mất mùa.
Vào tháng 2 vừa rồi từng có 8 nhà ngoại giao Nga cùng người thân (nhỏ nhất là một bé gái 3 tuổi) rời Triều Tiên bằng xe goòng chạy trên đường sắt. Đoạn phim ghi lại cảnh họ tự đẩy xe chất đầy hành lý và phụ nữ ngồi trên, đi qua biên giới để về nước gây xôn xao dư luận.
Cuối năm 2020, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ lên tiếng xin lỗi người dân Triều Tiên vì không thực hiện được lời hứa cải thiện kinh tế. Tuy nhiên ông ta khẳng định phòng dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu.