Diễn biến nhanh chóng tại Afghanistan làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ trong những cam kết bảo vệ đồng minh.
Khi Taliban tiến vào Kabul và Mỹ phải gấp rút sơ tán công dân, lo ngại về viễn cảnh Afghanistan thành nơi trú ẩn cho khủng bố, kích hoạt một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn với số lượng người tị nạn khổng lồ càng tăng cao.
Tờ The Washington Post cho biết các đồng minh Mỹ than phiền rằng họ không được tham vấn đầy đủ về quyết định chính sách đem lại rủi ro cho an ninh quốc gia họ – trái với lời hứa hợp tác toàn cầu từ Tổng thống Joe Biden. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng tự hỏi liệu có thể tin tưởng Washington thực hiện cam kết an ninh lâu dài hay không.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Anh Tobias Ellwood chất vấn: “Có chuyện gì với “Nước Mỹ trở lại” vậy? Mọi người đang hoang mang vì sau 2 thập kỷ can thiệp và đầu tư lớn thì nay họ rút lui và trao lại Afghanistan cho kẻ mà họ đánh bại. Thật trớ trêu. Làm sao có thể tuyên bố nước Mỹ đã trở lại khi chúng ta bị đánh bại bởi một lực lượng chỉ trang bị lựu đạn, mìn và AK-47 chứ?”.
“Nước Mỹ trở lại” là chính sách đối ngoại Tổng thống Biden theo đuổi. Ông cam kết tái thiết hàng loạt quan hệ đồng minh, khôi phục uy tín của Washington bị tổn hại dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Anh - đồng minh thân cận đóng góp lớn cho cuộc chiến ở Afghanistan do Mỹ phát động - không ngần ngại phản đối thẳng thừng. Bộ trưởng Anh Ben Wallace cuối tuần trước cảnh báo: “Tôi cảm thấy đây không phải thời điểm quyết định rút quân thích hợp. Chắc chắn al-Qaeda (nhóm khủng bố đứng sau sự kiện 11.9 khiến Mỹ đưa quân sang Afghanistan) sẽ quay trở lại, chắc chắn chúng ưa thích một cứ điểm phát triển lực lượng như vậy. Rút quân gây ra nhiều vấn đề mặt chiến lược”.
Đối thủ của Mỹ cũng lo lắng không kém, đặc biệt là Trung Quốc. Nước này sợ rằng một chính phủ cực đoan phát triển mạnh tại vùng biên giới phía tây thúc đẩy tình trạng bất ổn ở Tân Cương. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng lên tiếng chỉ trích: “Mỹ có trách nhiệm không tránh khỏi trước tình hình Afghanistan hiện tại”.
Ngoại trưởng Antony Blinken bác bỏ lập luận rút quân gây tổn hại uy tín của Mỹ. Ông cho biết sa lầy vào một cuộc xung đột không vì lợi ích quốc gia đem lại thiệt hại lớn hơn.
“Hầu hết đối thủ cạnh tranh chiến lược đều muốn chúng ta ở lại Afghanistan thêm 1 năm, 5 năm hay 10 năm nữa. Nhiều nguồn lực phải dành cho cuộc nội chiến tại đó, không có lợi cho chúng ta”, Ngoại trưởng Blinken phát biểu với đài CNN.
Nhà chính trị học Cathryn Clüver Ashbrook thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức (DGAP) nhận xét thái độ lẫn cách thức Mỹ rút quân khiến đồng minh cảm thấy bị phản bội: “Chính quyền Tổng thống Biden hứa hẹn trao đổi cởi mở và minh bạch với đồng minh. Họ nói mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là then chốt. Và giờ họ luôn miệng nói về quan hệ xuyên Đại Tây Dương và vẫn tin rằng đồng minh châu Âu nên hành xử phù hợp các ưu tiên của Mỹ. Ta đang trở lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương kiểu cũ lúc Mỹ ra lệnh mọi thứ. Chúng tôi đúng là muốn hợp tác, nhưng chúng tôi muốn biết rõ Mỹ làm gì và khi nào làm”.
Các đồng minh Ả Rập vốn tin tưởng Mỹ sẽ bảo vệ họ nếu Iran tấn công nay cũng đặt câu hỏi liệu có thể dựa vào Washington không. Theo chuyên gia Riad Kahwaji thuộc công ty tư vấn an ninh Inegma (UAE): “Tình hình Afghanistan gióng lên hồi chuông cảnh báo khắp nơi. Chúng ta thấy Nga nỗ lực chiến đấu bảo vệ chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, còn Mỹ rút quân để lại hỗn loạn ở Afghanistan”.
Bà Ashbrook cảnh báo kế hoạch xây dựng liên minh chống Nga - Trung của chính quyền Tổng thống Biden cũng bị nghi ngờ, khi phương Tây không còn duy trì hiện diện đáng kể tại Trung Á. Bắc Kinh và Moscow hoàn toàn có thể lợi dụng tình hình mở rộng ảnh hưởng, thuyết phục nhiều chính quyền ở khu vực tìm kiếm mối quan hệ khác ngoài Mỹ.
Về phía Trung Quốc, tờ Hoàn cầu Thời báo (phụ san Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) vừa dẫn tình hình Afghanistan để “nhắc khéo” lực lượng đòi dân chủ cho Hồng Kông đừng quá tin tưởng lời hứa từ Mỹ.
“Bất cứ ai mà giới chính trị Mỹ tuyên bố ủng hộ đều gặp vận rủi, rơi vào tình trạng bất ổn xã hội và chịu hậu quả nghiêm trọng”, Hoàn cầu Thời báo viết.
Tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs Fyodor Lukyanov cho biết Nga bị sốc trước tốc độ sụp đổ của chính quyền ở Kabul mà Mỹ hậu thuẫn. Ông lưu ý rằng chính quyền do Liên Xô lập nên trước đó cũng tồn tại đến 3 năm sau khi Hồng quân rút đi (sụp đổ năm 1989).