Giá trị đồng USD tăng vọt vài tuần gần đây đem lại lợi ích cho khách du lịch Mỹ. Họ tiết kiệm được không ít khi đi du lịch nước ngoài mặc dù lạm phát nội địa gia tăng. Nhưng đồng USD mạnh cũng có thể hạn chế du khách quốc tế đến Mỹ khi các công ty du lịch trong nước vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch COVID-19.
Tuần qua giá trị đồng USD chạm tới mức ngang bằng với đồng euro lần đầu tiên sau hai thập kỷ, giúp chuyến đi châu Âu của du khách Mỹ ít tốn kém hơn 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng USD cũng tăng giá trị so với đồng tiền của Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc – những quốc gia thu hút du khách Mỹ và tăng trưởng kinh tế tương đối yếu hơn Mỹ.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Cố vấn du lịch Mỹ Erika Richter: “Với chi phí du lịch tăng cao, đồng USD mạnh là điều tích cực trong bối cảnh ngành gặp gián đoạn”. Bà lưu ý rằng người Mỹ đang chi tiêu cho du lịch nhiều hơn 11% so với năm 2019.
Nhu cầu đồng USD của nhiều quốc gia tăng vọt do lo ngại về suy thoái toàn cầu gây ra bởi lạm phát cao, cuộc chiến tại Ukraine cùng cú sốc nguồn cung vì COVID-19 kéo dài.
Mỹ không tránh khỏi bị thiệt hại bởi loạt biến động trên, nhưng nền kinh tế nước này vẫn tốt hơn nhiều nền kinh tế khác khiến đồng USD có giá trị hơn. Đồng USD cũng được sử dụng làm tiền tệ dự trữ của thế giới nên cá nhân lẫn doanh nghiệp nước ngoài thường tăng lượng USD nắm giữ và thực hiện giao dịch bằng USD để tự bảo vệ trước những cú sốc tài chính.
Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ cho phép Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn, làm đồng USD đắt hơn để mua và có giá hơn ở quốc gia khác.
Chuyên gia kinh tế Angel Talavera thuộc tổ chức phân tích Oxford Economic cho biết: “Đồng USD mạnh hơn mang lại lợi ích trực tiếp cho các hộ gia đình Mỹ nếu họ muốn đi du lịch châu Âu, vì chi phí tương đối của mọi thứ đều rẻ hơn, đồng thời làm cho hàng nhập khẩu rẻ hơn với cả hộ gia đình lẫn doanh nghiệp Mỹ”.
Một nửa du khách Mỹ trả lời khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Destination Analysts thực hiện gần đây cho biết giá cả cao khiến họ không đi du lịch trong tháng 6 – tăng 8% so với tháng trước.
Tuy nhiên tỷ giá hối đoái thuận lợi làm giảm tác động lạm phát. Dữ liệu từ công ty du lịch Expedia cho thấy số lượt tìm kiếm chuyến đi mùa hè ở loạt điểm đến châu Âu nổi tiếng như Paris, Frankfurt, Brussels, Amsterdam, Dublin vào tuần trước tăng ở mức hai con số. Trang Hotels.com cũng ghi nhận mức độ quan tâm với Copenhagen, Athens và Madrid gia tăng.
Chiều ngược lại, đồng USD mạnh khiến chuyến đi đến Mỹ trở nên đắt đỏ hơn với du khách quốc tế, có khả năng làm suy yếu ngành du lịch Mỹ đang cố khôi phục hàng triệu việc làm bị mất trong đại dịch.
Giá trị tăng vọt của đồng USD cũng làm tăng áp lực phải tăng lãi suất để theo kịp lên nhiều nền kinh tế – động thái khiến nguy cơ suy thoái toàn cầu thêm nghiêm trọng.
Mỹ đón 22,1 triệu khách du lịch trong năm 2021 – tăng 79% so với năm 2019. Lượng khách đến Mỹ vào tháng 4.2022 vượt qua con số 2 triệu – gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái, du khách châu Âu chiếm một nửa số khách nước ngoài năm nay.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Mỹ Tori Emerson Barnes: “Mặc dù việc loại bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành sẽ có tác động tích cực đến du lịch trong nước, nhưng chúng tôi không kỳ vọng du lịch quốc tế trong nước phục hồi hoàn toàn trước năm 2025”.