Nói đơn giản, các nước tham gia kế hoạch áp mức trần giá dầu Nga này sẽ chỉ mua dầu của Nga với giá thấp hơn giá thị trường.

Mỹ và đồng minh muốn áp mức trần giá dầu Nga

Bảo Vĩnh | 15/07/2022, 16:30

Nói đơn giản, các nước tham gia kế hoạch áp mức trần giá dầu Nga này sẽ chỉ mua dầu của Nga với giá thấp hơn giá thị trường.

Dầu thô là nguồn thu nhập tài chính chủ yếu của Nga, giúp Điện Kremlin giữ vững nền kinh tế Nga bất chấp các lệnh cấm xuất khẩu, trừng phạt và niêm phong các tài sản ngân hàng.

Dù đã có hàng ngàn lệnh trừng phạt Nga nhằm đè bẹp nền kinh tế nước này, Mỹ và các đồng minh đang tìm các giải pháp mới để thắt chặt hầu bao Nga, đồng thời ngăn chặn giá xăng dầu tăng cao đến các mức có thể bóp nghẹt nền kinh tế toàn cầu.

xang-o-my.jpeg
Một chủ xe ở Mỹ buồn phiền vì giá xăng cao - Ảnh: AP

Mỹ và các đồng minh châu Âu đang tính lập một cộng đồng các nước mua dầu Nga để buộc Nga chấp nhận giá dầu bán dưới giá thị trường. Lãnh đạo 7 nước phát triển (G7) đã đồng ý áp mức trần giá dầu Nga.

Ý tưởng đằng sau việc áp mức trần giá dầu Nga là hạ giá khí đốt cho người tiêu dùng, đồng thời giúp kết thúc cuộc chiến tranh do Nga tiến hành ở Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang đến các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để vận động cho kế hoạch này. Ngày 14.7, bà Yellen nói nếu không thông qua giải pháp này thì giá dầu sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Mỹ và các đồng minh cần có Trung Quốc và Ấn Độ tham gia việc áp mức trần giá dầu Nga, mà hai nước này thì vẫn giữ quan hệ thương mại với Nga và đã mua năng lượng Nga bán giảm giá.

Tuy nhiên, chính quyền Biden tin tưởng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đồng ý tham gia. Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói với AP hôm 14.7: “Chúng tôi nghĩ cuối cùng các nước trên thế giới đang mua dầu Nga sẽ rất quan tâm đến việc trả càng ít tiền để mua dầu đó càng tốt”.

Adeyemo nói thêm: “Nếu không có cơ chế áp mức trần giá dầu để kéo giảm nguồn thu nhập của Nga, thì sẽ có nguy cơ lớn là một vài nguồn cung ứng từ Nga sẽ rời khỏi thị trường, điều đó dẫn đến giá bán cao hơn, cũng có nghĩa là người dân nhiều nước cũng phải chịu giá mua cao hơn”.

Vấn đề là chi phí năng lượng cao đang bóp nghẹt nhiều nền kinh tế, đồng thời gây bất đồng giữa các nước phản đối Nga đưa quân vào Ukraine từ ngày 24.2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden còn phải chứng kiến tỷ lệ uy tín của ông giảm và có thể làm hỏng các cơ hội của đảng Dân chủ ở cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ trong mùa thu tới, trong khi lãnh đạo các nước Anh, Đức, Ý đều đang phải đối phó với những thiệt hại kinh tế do muốn ngưng lệ thuộc nguồn dầu khí Nga từ cuối năm nay.

Tổng thống Biden đã được cảnh báo rằng giá nhiên liệu cao trong mùa hè này là cái giá phải trả để buộc Nga chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Nhưng giá nhiên liệu cũng có thể tăng lên các mức giá kỷ lục mới, và sẽ dẫn đến những tổn thất chính trị-kinh tế cho vị chủ nhân Nhà Trắng.

Một số nhà kinh tế học hàng dầu ủng hộ kế hoạch áp mức giá trần dầu Nga. Jason Furman của Đại học Harvard nói nếu kế hoạch có hiệu quả thì sẽ là “chiến thắng trọn vẹn, gây tổn thất tối đa cho cỗ máy chiến tranh của Nga trong khi hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất cho phần còn lại của thế giới”.

Nhà kinh tế học David Wessel ở Viện Brookings cũng nói nếu không thực hiện kế hoạch áp mức trần giá dầu Nga thì sẽ là “một điều không vui”.

Nếu không áp mức trần giá dầu Nga, giá dầu chắc chắn sẽ tăng cao do Liên minh châu Âu (EU) đã quyết cấm gần hết dầu từ Nga.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ đã và thực hiện những bước để ngưng sử dụng dầu khí Nga từ cuối năm 2022, một động thái mà các nhà kinh tế học nói sẽ khiến nguồn cung ứng dầu khí toàn thế giới sẽ sụt giảm và đẩy giá bán lên cao tới 200 USD/thùng.

EU cũng lên kế hoạch từ cuối năm nay sẽ cấm bảo hiểm và hỗ trợ tài chính cho hoạt động chở dầu cùng các sản phẩm từ dầu Nga qua các nước thứ 3, trừ phi giá bán dưới mức trần.

Một báo cáo hồi tháng 6 của ngân hàng Barclay đã cảnh báo rằng với lệnh cấm vận dầu của EU cùng các hạn chế khác, dầu Nga có thể tăng lên 150 USD/thùng hoặc thậm chí 200 USD/thùng, nếu mọi hoạt động xuất khẩu bằng đường biển của Nga bị gián đoạn.

Nhà kinh tế học James Hamilton của Đại học California nói điều quan trọng là vận động được Ấn Độ và Trung Quốc tham gia kế hoạch áp mức trần giá dầu Nga: “Đó là một thách thức ngoại giao quốc tế về cách bạn có được sự đồng ý của người ta. Nếu bạn kéo được Mỹ ngưng mua dầu nhưng Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục mua ở mức giá cao, thì nguồn thu nhập của Nga không hề bị tác động chút nào. Nga càng không có nguồn thu từ bán dầu thì càng không có tiền chuyển bom đạn qua Ukraine”.

Trong trường hợp này, “vấn đề chính là liệu các nước có đủ thời gian tìm ra các nguồn năng lượng thay thế để chống giá tăng vọt”, theo nhà kinh tế học Christiane Baumeister của Đại học Notre Dame.

Khi còn 5 tháng nữa sẽ hết năm 2022, khi lệnh cấm nhập năng lượng Nga của EU sẽ có hiệu lực, sẽ cần có sẵn kế hoạch áp mức trần giá dầu Nga và hoạt động hiệu quả, để có thể tránh giá nhiên liệu tăng cao hơn.

Nhà kinh tế học Baumeister kết luận: “Nếu không áp mức trần giá dầu Nga, nếu lệnh cấm nhập khẩu của EU có hiệu lực cùng với lệnh cấm bán bảo hiểm, thì tác động xấu sẽ chuyền xuống người tiêu dùng thông qua giá xăng dầu”.

Bài liên quan
Ả Rập Saudi tăng nhập dầu thô Nga để cấp phát điện
Các dữ liệu cho thấy Ả Rập Saudi đã tăng nhập khẩu dầu thô Nga trong quý 2 năm nay để có điện đáp ứng nhu cầu làm mát trong mùa hè. Cách làm này cũng để dự trữ nguồn dầu thô của Ả Rập Saudi cho hoạt động xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ và đồng minh muốn áp mức trần giá dầu Nga