ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn không nằm trong quy hoạch khu du lịch quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, cụ thể là tại Quyết định 201 ngày 22.1.2013.

Dự án tâm linh Hương Sơn mà Xuân Trường đề xuất không có trong quy hoạch quốc gia

25/12/2018, 12:30

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn không nằm trong quy hoạch khu du lịch quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, cụ thể là tại Quyết định 201 ngày 22.1.2013.

Danh thắng chùa Hương (Mỹ Đức) - Ảnh: Internet

Liên quan đến đề xuất xây dựng siêu dự án tâm linh quy mô 15.000 tỉ đồng tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) của doanh nghiệp Xuân Trường, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn không nằm trong quy hoạch khu du lịch quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, cụ thể là tại Quyết định 201 ngày 22.1.2013.

Theo bà Thúy, để làm khu du lịch quy mô như vậy phải đánh giá tác động môi trường chi tiết; phải xác định dự án vì quyền lợi của ai, ai là người được hưởng lợi nhiều nhất? Doanh nghiệp nói quy mô dự án khoảng 15.000 tỉ đồng nhưng thực chất lại xin Nhà nước giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng…

“Như vậy, Nhà nước bỏ ra cũng khoảng gần 14.000 tỉ đồng rồi. Lúc đó doanh nghiệp chỉ việc xây dựngr ồi thu lợi thì tôi rất lo chuyện thất thoát ngân sách”, bà Thúy nói.

ĐBQH Kim Thúy cũng lo ngại việc xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn phải nạo vét suối Yến để làm tuyến du lịch sông nước. “Liệu việc này có tái diễn việc đội vốn gấp 36 lần lên 26.000 tỉ đồng như nạo vét kênh Sào Khê ở Ninh Bình không? Cần phải làm rõ tiền đầu tư là tiền của doanh nghiệp hay của Nhà nước, tỷ lệ bao nhiêu, việc thu phí thế nào?”.

“Tôi nghĩ cần hết sức thận trọng trong việc này, tránh dẫn đến tình trạng phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, di sản và văn hóa tâm linh ở khu vực này. Do đó cần phải đánh giá tác động rất kỹ, tham vấn nhiều bên”, bà nói.

Cũng theo nữ ĐBQH này, tại điều 26 Luật Đấu thầu có quy định chỉ những dự án đặc biệt mới được chỉ định thầu, vậy dự án này có gì riêng biệt không? Cần phải công khai, minh bạch, chứ cách làm như hiện nay theo bà là không ổn.

Còn về Luật Ngân sách, bà Thúy cho rằng nếu Nhà nước bỏ tiền giải phóng mặt bằng, hạ tầng rồi doanh nghiệp kinh doanh, gặt hái thì không được mà cần phải làm rõ những vấn đề này.

“Tôi đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ KH-ĐT về vấn đề này và đang chờ câu trả lời của Bộ trưởng”, bà Thúy nói.

Trong văn bản gửi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết cách triển khai tại các dự án trên có dấu hiệu vi phạm Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… Do đó, bà đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết: “Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và cần ưu tiên cho những lĩnh vực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án trên có đúng pháp luật không? Bộ trưởng có giải pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn những dự án tương tự xảy ra?”.

ĐBQH Kim Thúy cũng nêu, vừa qua doanh nghiệp Xuân Trường còn đề xuất xây dựng tuyến đường hành hương từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia qua Chùa Hương (Hà Nội), qua Tam Chúc, Ba Sao (Hà Nam), về Bái Đính (Ninh Bình).

Giai đoạn trước mắt, thực hiện đoạn đi qua Hà Nội nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ - TTg ngày 31.3.2016, giao UBND TP. Hà Nội tổ chức hoàn chỉnh hồ sơ và bố trí vốn.

“Xung quanh đề xuất này, theo báo chí phản ánh thì có dấu hiệu trục lợi từ doanh nghiệp Xuân Trường vẽ ra tuyến đường hành hương đi qua 3 khu du lịch do doanh nghiệp đầu tư để đặt các trạm thu phí, thương mại hoá chủ trương phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh các trạm thu phí BOT trong thời gian qua khiến dư luận hết sức bức xúc chứ không thực tâm phát triển du lịch theo chủ trương được duyệt”, bà Thúy nêu.

Mặt khác, bà cho rằng những tuyến đường này nếu như được đầu tư phải tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu (đấu thầu công khai, không chỉ định thầu cho một doanh nghiệp nào nếu họ không đủ điều kiện để chỉ định thầu theo quy định tại điều 26 của Luật Đấu thầu 2013).

Bà đề nghị Bộ trưởng KH-ĐT làm rõ việc chỉ định thầu cho doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng tuyến đường trên có đúng với Luật Đấu thầu hay không.

Trả lời báo chí, ông Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng không đồng tình với việc triển khai dự án tâm linh tại chùa Hương của doanh nghiệp Xuân Trường. Lý do theo ông Biên, đã là di sản văn hóa là không được xâm phạm, phải tôn trọng không gian di sản.

“Hiện nay có một số doanh nghiệp, dự án núp bóng tâm linh, ngụy trang phát triển du lịch mà phá vỡ cấu trúc di sản văn hóa để phục vụ lợi ích kinh tế cho chính mình. Cái cốt lõi của văn hóa là tự nó hấp dẫn khách du lịch chứ không phải là xoay các yếu tố văn hóa để chạy theo du lịch. Dòng suối Yến có lịch sử văn hóa, có thiên nhiên mang bản sắc tâm linh mà bây giờ lại nắn dòng, thương mại hóa thì sẽ ảnh hưởng đến văn hóa, ảnh hưởng đến hệ sinh thái”, ông Biên nói.

Có phải "chỉ là gợi ý"?

Liên quan đến dự án này, doanh nhân Nguyễn Văn Trường đã lên tiếng với báo chí rằng đây chỉ là "gợi ý" của doanh nghiệp đối với UBND TP.Hà Nội để có một cảnh quan xứng tầm, chứ chưa phải quyết định cuối cùng và Xuân Trường chưa chắc đã làm.

Tuy nhiên trước đó, trong văn bản gửi Sở KH-ĐT TP.Hà Nội, Xuân Trường đề nghị đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) có quy mô 1.000 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng.

Dự án gồm các hạng mục: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20 km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100 m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.

“Nếu được triển khai, doanh nghiệp Xuân Trường cam đoan khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc Hà Nam vào năm 2028; khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1.000 tỉ đồng/năm”, văn bản của Sở KH-ĐT TP.Hà Nội cho hay.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án tâm linh Hương Sơn mà Xuân Trường đề xuất không có trong quy hoạch quốc gia