Ngày càng có nhiều nhà phát triển ứng dụng không hài lòng với các chính sách hiện tại của App Store. Một số người hy vọng các quy tắc mới của Liên minh châu Âu (EU) có thể buộc Apple phải cho phép các cửa hàng ứng dụng và phương thức thanh toán khác được sử dụng trên iOS.

Elon Musk và CEO Spotify hợp tác chống quy tắc trên App Store của Apple

Sơn Vân | 01/05/2023, 10:30

Ngày càng có nhiều nhà phát triển ứng dụng không hài lòng với các chính sách hiện tại của App Store. Một số người hy vọng các quy tắc mới của Liên minh châu Âu (EU) có thể buộc Apple phải cho phép các cửa hàng ứng dụng và phương thức thanh toán khác được sử dụng trên iOS.

Tuy nhiên, những thay đổi này có thể chỉ dành riêng cho EU và mọi thứ sẽ giữ nguyên với phần lớn các thị trường. Apple chịu áp lực mạnh mẽ đến từ các đối tượng đang nỗ lực thay đổi chính sách của mình như Epic Games, Spotify và Elon Musk (Giám đốc điều hành Twitter).

Spotify (công ty Thụy Điển) cũng như Elon Musk tiếp tục đưa ra các tuyên bố công khai phản đối chính sách của Apple Store. Bây giờ, cả hai hợp tác chống lại các quy định mà Apple áp đặt lên các nhà phát triển.

Trong cuộc trò chuyện mới thông qua Twitter, Elon Musk và Daniel Ek, Giám đốc điều hành Spotify, đã đặt câu hỏi về các quy tắc của Apple.

Daniel Ek gọi các quy tắc này là "vô lý" và Elon Musk nói rằng chúng tạo ra "vấn đề về quy mô nghiêm trọng".

Cuộc trò chuyện diễn ra sau khi Twitter triển khai cho người dùng đăng ký Subscriptions trả phí giá 4 USD/tháng để theo dõi nội dung độc quyền trên tài khoản nào đó.

Sau khi nhận được các câu hỏi từ người dùng, Elon Musk giải thích tại sao việc đăng ký Subscriptions mất nhiều thời gian hơn để xuất hiện trên iPhone so với trên web.

"Mong là các bạn hiểu, việc đăng ký trên iPhone mất vài ngày lâu hơn so với trên web, vì tất cả các đăng ký hiện tại đều phải được phê duyệt bởi Apple", Giám đốc điều hành Twitter làm rõ.

Đây là tham chiếu đến các nguyên tắc của App Store xung quanh đăng ký trong ứng dụng cho nội dung kỹ thuật số. Twitter cần tuân thủ các nguyên tắc này với các đăng ký có sẵn thông qua ứng dụng trên iPhone.

Daniel Ek sau đó quyết định trích dẫn bài đăng từ Elon Musk để tiếp tục chỉ trích các quy tắc của Apple.

Giám đốc điều hành Spotify hỏi: “Sẽ thế nào nếu có một nền tảng cho rằng mức phí phù hợp là 0% hoặc 10% thay vì 30% như của Apple?”. Elon Musk bình luận rằng điều này đang trở thành một thách thức nghiêm trọng về quy mô.

Spotify từ lâu phản đối các nguyên tắc của App Store. Gã khổng lồ phát nhạc trực tuyến đã đệ đơn khiếu nại chống độc quyền với Apple tại EU. Spotify lập luận rằng Apple có thể cung cấp đăng ký Apple Music trong ứng dụng mà không bị phạt. Mặt khác, Spotify cần trả cho Apple 30% (hoặc 15% từ năm thứ hai) doanh thu đăng ký nếu muốn tiếp tục hiện diện trên App Store.

Elon Musk trước đây nói rằng phí App Store giống như việc đánh thuế 30% khi sử dụng internet.

Apple cho biết khoản tiền hoa hồng nhận được sẽ giúp họ tài trợ cho việc đánh giá các ứng dụng để đảm bảo người tiêu dùng không tiếp xúc với các ứng dụng lừa đảo, khiêu dâm hoặc xâm phạm quyền riêng tư.

Cuối tháng 11.2022, Elon Musk chỉ trích khoản phí 30% mà Apple tính cho các nhà phát triển phần mềm khi có người mua hàng trong ứng dụng và đăng một meme cho thấy ông sẵn sàng "tham chiến" hơn là trả nó.

Sau khi mua Twitter vào hôm 28.10.2022, Elon Musk đã tính phí 8 USD/tháng cho người dùng muốn được xác minh tài khoản (có dấu tích màu xanh lam) trên nền tảng truyền thông xã hội này nhằm tăng lợi nhuận. Việc bị App Store cắt giảm 30% sẽ là vết lõm lớn với các kế hoạch đó.

elon-musk-va-ceo-spotify-hop-tac-chong-lai-quy-tac-tren-app-store-cua-apple1.jpg
Elon Musk và Daniel Ek phản đối các quy tắc App Store của Apple

Năm 2019, Spotify đã nộp đơn kiện lên Ủy ban châu Âu (EC), cho rằng Apple đối xử không công bằng, lạm dụng thế thống trị thị trường để gây bất lợi cho đối thủ cạnh tranh, ưu tiên dịch vụ Apple Music.

Nội dung đơn kiện nhấn mạnh mức phí 30% mà Apple thu mỗi khi người dùng Spotify thanh toán trên App Store là quá cao. Theo Spotify, khoản phí được tạo ra để gây hại cho các dịch vụ cạnh tranh. Apple cũng bị cáo buộc gây khó dễ nhằm ngăn việc tích hợp Spotify vào Siri, HomePod hay Apple Watch.

Trong bài viết phản hồi đơn kiện năm 2019, Apple cho biết Spotify đã hưởng lợi từ hàng trăm triệu lượt tải xuống trên App Store, trở thành dịch vụ nghe nhạc trực tuyến lớn nhất châu Âu.

Sau khi Spotify đệ đơn kiện, Ủy ban châu Âu đã điều tra xem liệu các chính sách mà Apple dành cho nhà phát triển ứng dụng có vi phạm các quy tắc của họ hay không. Apple có nguy cơ bị phạt tới 10% doanh thu toàn cầu nếu bị kết tội vi phạm các quy tắc chống độc quyền của EU, song đến nay phán quyết cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Hồi tháng 10.2022, Daniel Ek viết trên Twitter: "Apple tiếp tục gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh và tác động là rất lớn với người tiêu dùng, nhà phát triển ứng dụng và bây giờ là tác giả cùng nhà xuất bản. Nếu các nhà hoạch định chính sách không hành động, sẽ không có gì thay đổi". Thời điểm đó chưa hoàn tất việc mua Twitter, Elon Musk đã viết "Đáng lo ngại" để đáp lại bài đăng của Daniel Ek.

Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX cũng nhắc đến chuyện các nền tảng truyền thông xã hội cho phép quảng cáo và tính phí các bài đăng để tăng tương tác (chẳng hạn Facebook hay Instagram) phải tuân theo chính sách bị Apple cắt giảm 30% doanh thu với mua hàng trong ứng dụng. "30% là rất nhiều", Elon Musk viết trên Twitter.

Hồi năm 2020, Epic Games (nhà sản xuất game Fortnite) kiện Apple tại Mỹ vì họ cho rằng nhà sản xuất iPhone có hành vi cạnh tranh không lành mạnh và lạm dụng vị thế thống trị của mình trong thị trường cửa hàng ứng dụng trên iOS. Trong đơn kiện, Epic Games cáo buộc Apple đã thực hiện hành động cấm các ứng dụng được phân phối từ nền tảng khác ngoài App Store và thu phí quá cao (30%) với các giao dịch trong ứng dụng, điều này làm giảm lợi ích và lợi nhuận của các nhà phát triển ứng dụng. Epic Games cũng tố cáo Apple đã xâm phạm vào quyền riêng tư của người dùng và kiểm soát quá mức các ứng dụng trên App Store.

Hôm 25.4 vừa qua, Apple được tuyên không vi phạm luật chống độc quyền nhưng không thể cấm các nhà phát triển sử dụng tùy chọn thanh toán của bên thứ ba.

Tại vòng phúc thẩm thứ 9, tòa án tiếp tục giữ nguyên phán quyết được đưa ra lần đầu vào tháng 11.2021. Phán quyết tuyên Apple không vi phạm “độc quyền theo luật chống độc quyền của liên bang hoặc tiểu bang” tại Mỹ, theo trang Bloomberg.

Apple đã gọi phán quyết này là “chiến thắng vang dội”. Tuy nhiên, Apple cho biết không đồng ý với việc tòa án giữ nguyên quyết định ban đầu là không thể cấm các nhà phát triển hướng người dùng đến tùy chọn thanh toán của bên thứ ba. Theo đó, Apple sẽ phải cho phép các nhà phát triển ứng dụng thêm liên kết và nút bấm đưa người dùng đến các phương thức thanh toán bên thứ ba. Nhiều nhà phát hành game muốn dùng con đường thanh toán này để tránh phải trả cho Apple phí hoa hồng 30% mỗi khi người chơi mua hàng qua App Store.

Tòa phúc thẩm đứng về phía Apple trong 9 vấn đề khác trong vụ kiện, đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm rằng các quy tắc App Store không vi phạm luật chống độc quyền và Apple được duy trì khoản hoa hồng lên tới 30% cho mỗi giao dịch trong ứng dụng.

"Lần thứ hai trong 2 năm, một tòa án liên bang đã ra phán quyết rằng Apple tuân thủ luật chống độc quyền ở cấp tiểu bang và liên bang", Apple cho biết trong một tuyên bố. Tuy nhiên, hãng nhấn mạnh rằng không đồng ý với phán quyết của tòa về một vấn đề theo luật ở cấp độ tiểu bang và đang cân nhắc kháng cáo.

Apple có 14 ngày để nộp đơn kháng cáo. Lệnh của tòa sẽ bị tạm dừng trong thời gian kháng cáo diễn ra.

Trong một tuyên bố, Epic Games thừa nhận thua trong các cáo buộc độc quyền. Song về mặt tích cực, phán quyết "cho phép các nhà phát triển ứng dụng iOS đưa người dùng lên web và giao dịch trực tiếp với họ ở đó", theo Epic Games.

Epic Games đã thua tại phiên tòa khi không chứng minh được hầu hết cáo buộc rằng Apple đã vi phạm luật chống độc quyền. Tuy nhiên, thẩm phán cho rằng Apple vi phạm luật cạnh tranh không lành mạnh của bang California, bằng cách cấm các nhà phát triển ứng dụng nói với người dùng về các phương thức thanh toán khác bên ngoài App Store.

Thẩm phán tòa sơ thẩm từng đưa ra phán quyết rằng Apple không được cấm các liên kết và nút bấm đưa người dùng đến phương thức thanh toán của bên thứ ba. Song, thẩm phán không đưa ra hướng dẫn về cách thức mà Apple phải cho phép các liên kết hoặc nút bấm đó ở Mỹ, để ngỏ khả năng xảy ra các cuộc chiến pháp lý trong tương lai về cách gã khổng lồ công nghệ thực hiện thay đổi này.

Vào ngày 13.4, Elon Musk thông báo việc đổi tên tính năng Super Follows thành Subscriptions. Tính năng mới cho phép người dùng đăng ký theo dõi nội dung độc quyền trên tài khoản Twitter nào đó.

Theo ảnh chụp màn hình mà Elon Musk tweet hôm 24.4, dường như có ít nhất 24.700 người đăng ký (subcribe) theo dõi nội dung độc quyền tài khoản của ông.

Trước đây, Elon Musk cho biết những người đăng ký theo dõi nội dung độc quyền trên tài khoản của ông với giá 4 USD/tháng sẽ có thể "hỏi tôi bất cứ điều gì" vài tuần một lần.

Theo tính toán của trang Insider, nếu có 24.700 người đăng ký, Elon Musk sẽ kiếm được 98.800 USD mỗi tháng (hơn 2,3 tỉ đồng mỗi tháng).

Thông qua tính năng Subscriptions, Elon Musk nói rằng người dùng có thể để thu phí từ người theo dõi cho nội dung độc quyền, bao gồm văn bản dài, video dạng dài và Spaces chỉ dành cho người đăng ký. Người đăng ký cũng sẽ nhận được huy hiệu đặc biệt.

Spaces là một tính năng của Twitter cho phép người dùng tạo ra các phòng họp trực tuyến (hay còn gọi là phòng hội thoại) và mời các thành viên khác tham gia để trò chuyện, chia sẻ ý kiến và thảo luận về các chủ đề khác nhau.

Kể từ khi tiếp quản Twitter, Elon Musk đã triển khai các tính năng mới. Ông cũng cắt giảm khoảng 80% lực lượng lao động. Khoảng 6.300 trong số 7.800 nhân viên mà Twitter có vào năm 2022 đã mất việc kể từ khi Elon Musk nắm quyền kiểm soát công ty.

Bài liên quan
Trump, Ronaldo và Bill Gates có lại dấu tích xanh Twitter, Elon Musk e ngại chiến dịch #BlockTheBlue
Elon Musk đăng ảnh trêu chọc người dùng Twitter cho rằng được cấp dấu tích màu xanh miễn phí.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Elon Musk và CEO Spotify hợp tác chống quy tắc trên App Store của Apple