Hôm 1.9, Facebook cho biết tổ chức truyền thông giả có tên Peace Data từ Nga thực hiện các hoạt động nhắm vào các cử tri cánh tả ở Mỹ và Anh, gồm cả việc tuyển dụng các nhà báo tự do viết về chính trị hai nước này.

Facebook bóc mẽ tổ chức truyền thông Nga chơi xấu ông Biden, chiến dịch Trump nói gì?

02/09/2020, 11:30

Hôm 1.9, Facebook cho biết tổ chức truyền thông giả có tên Peace Data từ Nga thực hiện các hoạt động nhắm vào các cử tri cánh tả ở Mỹ và Anh, gồm cả việc tuyển dụng các nhà báo tự do viết về chính trị hai nước này.

Facebook hé lộ Peace Data chơi xấu ông Biden, giúp ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ

Facebook cho biết một phần hoạt động của Peace Data tập trung vào chính trị Mỹ và căng thẳng chủng tộc trong thời gian trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3.11 tới.

Trang web Peace Data vận hành 13 tài khoản Facebook và hai fanpage được tạo vào tháng 5.2020, đã bị đình chỉ hôm 31.8 vì sử dụng danh tính giả và hành vi không xác thực có phối hợp, theo công ty mạng xã hội Mỹ.

Facebook điều tra và tìm thấy các liên kết đến các cá nhân có liên quan đến hoạt động trong quá khứ của Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga - công ty có trụ sở tại St Petersburg mà các quan chức tình báo Mỹ cho rằng đó là trọng tâm trong những nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Twitter cũng đình chỉ 5 tài khoản liên quan đến Peace Data mà họ quy kết là tổ chức của nước Nga.

Peace Data đã không trả lời về chuyện trên khi được đề nghị bình luận qua email. Nga trước đây đã phủ nhận cáo buộc từ Mỹ về việc cố gắng làm lung lay cuộc bầu cử và nói rằng họ không can thiệp vào chính trị của các nước khác.

Các nhà điều tra tại công ty phân tích mạng xã hội Graphika đã nghiên cứu hoạt động này và cho biết Peace Data chủ yếu nhắm mục tiêu vào các nhóm cánh tả và tiến bộ ở Mỹ cùng Anh, nhưng cũng đăng về các sự kiện ở nước khác như Algeria và Ai Cập.

Graphika nói trang web Peace Data đã đẩy các thông điệp về phát ngôn từ cánh hữu và trung tả, đặc biệt chú ý đến căng thẳng chủng tộc và chính trị ở Mỹ, bao gồm các cuộc biểu tình dân quyền và lời chỉ trích Tổng thống Donald Trump nhắm vào đối thủ của đảng Dân chủ là ông Joe Biden.

Graphika cho biết chỉ có khoảng 5% bài báo bằng tiếng Anh của Peace Data liên quan trực tiếp đến Mỹ nhưng “khía cạnh này của hoạt động cho thấy nỗ lực xây dựng người đọc cánh tả tránh xa chiến dịch Biden”.

Phát hiện của Graphika củng cố cho đánh giá từ ông William Evanina, Giám đốc Trung tâm an ninh và phản gián quốc gia Mỹ (NCSC) vào tháng trước, nói rằng Nga đang sử dụng thông tin sai lệch trực tuyến để cố gắng ảnh hưởng xấu đến chiến dịch Biden và có thể gây ra lo ngại về những nỗ lực từ Moscow nhằm can thiệp vào cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.

William Evanina cho hay giới tình báo Mỹ đánh giá Nga đang cố dùng các biện pháp nhằm “bôi nhọ” cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Cũng theo William Evanina, “những người hành động có liên quan Kremlin” đang cố tuyên truyền ủng hộ Tổng thống Trump tái đắc cử thông qua mạng xã hội và truyền hình Nga.

William Evanina cho biết NCSC đánh giá Trung Quốc không muốn Tổng thống Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới vì Bắc Kinh xem ông là người “không thể đoán trước được”.

Graphika phát hiện Peace Data trả tiền cho nhà báo tự do viết bài ảnh hưởng xấu đến chiến dịch Biden

Trước thông tin từ Facebook và Graphika, một phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết Tổng thống Mỹ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử “công bằng, chính trực và chúng tôi không cần hoặc muốn bất kỳ sự can thiệp nào từ nước ngoài”. Chiến dịch Biden không trả lời về chuyện trên.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đã chuyển các câu hỏi cho FBI. Trong một tuyên bố, FBI cho biết đã báo cáo hoạt động này của Peace Data lên Facebook.

“FBI cung cấp thông tin về vấn đề này để bảo vệ tốt hơn trước các mối đe dọa với an ninh quốc gia và các quy trình dân chủ của chúng tôi”, FBI cho hay.

Người đứng đầu chính sách an ninh mạng của Facebook, Nathaniel Gleicher nói nhóm của ông đã hành động theo lời khuyên từ FBI và tạm ngưng các tài khoản trước khi họ thu thập được một lượng lớn người theo dõi. Nathaniel Gleicher nói chỉ có 14.000 người theo dõi một hoặc nhiều tài khoản bị tạm ngưng.

“Tôi nghĩ rất quan trọng là chúng ta phải biết về điều này. Tôi muốn mọi người biết rằng các diễn viên Nga vẫn đang cố gắng và chiến thuật của họ đang phát triển, nhưng tôi không muốn mọi người nghĩ rằng đây là một chiến dịch lớn và thành công”, Nathaniel Gleicher nói với Reuters..

Peace Data xuất bản bài bằng tiếng Anh, tiếng Ả Rập và viết trên trang web của mình rằng họ là tổ chức tin tức phi lợi nhuận nhằm tìm kiếm "sự thật về các sự kiện quan trọng của thế giới". Song theo phân tích của Graphika, ba nhân viên thường trực được liệt kê trên Peace Data không có thật. Các hồ sơ này sử dụng ảnh người không tồn tại và được liên kết với các tài khoản giả trên Facebook, Twitter, LinkedIn.

Theo Reuters, ba nhân vật giả mạo đã quảng cáo với cây viết trên các trang web báo chí tự do và Twitter, sẵn sàng trả tới 75 USD cho một bài.

Trang web Peace Data liệt kê 22 cộng tác viên, hầu hết là các nhà báo tự do ở Mỹ và Anh. Theo Facebook và Graphika, không có dấu hiệu nào cho thấy người viết biết ai đứng sau trang web Peace Data.

Người của Peace Data đã chia sẻ các bài viết, gồm cả một loạt các vấn đề chính trị, trong các nhóm truyền thông xã hội cánh tả, Graphika nói.

Trang web Peace Data đã xuất bản hơn 700 bài viết bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay.

Ben Nimmo, người đứng đầu cuộc điều tra tại Graphika, cho biết việc hợp tác với nhà báo thật giúp các hoạt động ảnh hưởng đến chính trị khó bị phát hiện hơn.

Nhân Hoàng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải
12 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đề nghị kỷ luật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Facebook bóc mẽ tổ chức truyền thông Nga chơi xấu ông Biden, chiến dịch Trump nói gì?