Hội nghị thượng đỉnh qua video được lên kế hoạch giữa các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bị hủy vào phút chót vì tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vai trò của WHO trong xử lý đại dịch COVID-19.

G20 hủy họp cấp cao phút chót vì tranh cãi Mỹ - Trung về WHO

25/04/2020, 14:44

Hội nghị thượng đỉnh qua video được lên kế hoạch giữa các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bị hủy vào phút chót vì tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vai trò của WHO trong xử lý đại dịch COVID-19.

Một hội nghị trực tuyến giữa các bộ trưởng G20 - Ảnh: Xinhua

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin thạo tin giấu tên cho biết hội nghị dự kiến diễn ra hôm 24.4 nhưng đã bị hủy do Mỹ khăng khăng rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chịu trách nhiệm đối với các hoạt động ban đầu ứng phó dịch COVID-19 vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 190.000 người trên toàn cầu, gồm cả gần 50.000 ở Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc kiên quyết từ chối thảo luận về các đề xuất phải điều tra WHO.

"Bởi vậy, hội nghị bị hoãn vào phút chót. Hội nghị thượng đỉnh vẫn có thể diễn ra trong tương lai gần nếu hai bên có thể đồng ý về một thỏa hiệp đối với WHO, hoặc ít nhất về lời lẽ đối với WHO trong thông cáo của G20", nguồn tin cho biết.

Hội nghị video dự kiến có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, hội nghị cuối cùng không xuất hiện trong chương trình nghị sự chính thức được chủ tịch G20 năm nay Ả Rập Saudi công bố. Hiện nước chủ nhà G20 chưa phản hồi về thông tin trên.

Ông Shen Dingli, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nhận định: “Trung Quốc cho rằng Mỹ dừng tài trợ WHO để đánh lạch hướng sự lãnh đạo yếu kém trong việc xử lý COVID-19 tại nước này và đổ lỗi cho Trung Quốc, nhưng Mỹ nói rằng WHO là một phần của Trung Quốc và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những tổn thất nặng nề ở Mỹ”.

"Quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi rất nhiều và điều đó rất đáng lo ngại. Tương lai sẽ trở nên tồi tệ hơn", ông Shen nói thêm.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến đầu tiên diễn ra vào hôm 26.3, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định cam kết xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại mối đe dọa chung, đồng thời sẽ bơm hơn 5.000 tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu, một phần của chính sách tài khóa, biện pháp hỗ trợ kinh tế và các kế hoạch nhằm giảm bớt tác động xã hội, kinh tế và tài chính do dịch COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, kể từ sau hội nghị đó, Mỹ và Trung Quốc đã có những màn khẩu chiến gay gắt về vai trò của WHO và đỉnh điểm là Tổng thống Donald Trump cáo buộc WHO “thiên vị” Trung Quốc và tuyên bố ngưng cấp ngân sách cho cơ quan của Liên Hợp Quốc này.

“Mỹ đã đóng góp từ 400 triệu đến 500 triệu USD mỗi năm cho WHO. Ngược lại, Trung Quốc đóng góp khoảng 40 triệu USD mỗi năm, thậm chí ít hơn. Với tư cách là nhà tài trợ hàng đầu của tổ chức, Mỹ có quyền nhấn mạnh vào trách nhiệm giải trình đầy đủ của WHO”, ông Trump cho biết hôm 21.4.

Sau khi Mỹ thông báo rút viện trợ, Trung Quốc hôm 23.4 tuyên bố sẽ cung cấp thêm 30 triệu USD cho WHO đối phó COVID-19.

Jia Qingguo, giáo sư tại Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi trong nhiều năm và sự bùng phát của coronavirus khiến tình hình càng tồi tệ hơn.

"Đây đáng lẽ là cơ hội để hai nước cùng nhau hợp tác đối phó COVID-19, nhưng Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc và các phản ứng của Trung Quốc đã khiến hai nước tăng cường đối đầu", ông Jia nói và cho rằng nếu Tổng thống Trump tái đắc cử tháng 11, quan hệ Mỹ - Trung có thể leo thang thành một cuộc đối đầu toàn diện.

Hôm 24.4, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã kêu gọi Mỹ không nên đi ngược lại cộng đồng quốc tế bằng cách phá hoại WHO.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Xe tăng Mỹ viện trợ Ukraine bị ‘cất kho’
Hãng AP cho biết Ukraine tạm ngừng sử dụng xe tăng chiến đấu Abrams M1A1 do Mỹ viện trợ, một phần vì chúng dễ bị phát hiện bởi máy bay không người lái (UAV) của Nga, hoặc bị tấn công.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
G20 hủy họp cấp cao phút chót vì tranh cãi Mỹ - Trung về WHO