Nhằm tìm hiểu đời sống kinh tế và xã hội Triều Tiên, giáo sư Kang Dong-wan đã bỏ công bới rác bao bì sản phẩm từ những vùng biển thuộc Hàn Quốc cũng như ở khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên.

Giáo sư Hàn Quốc vớt rác bao bì để tìm hiểu đời sống và kinh tế CHDCND Triều Tiên

Bảo Vĩnh | 01/11/2022, 17:55

Nhằm tìm hiểu đời sống kinh tế và xã hội Triều Tiên, giáo sư Kang Dong-wan đã bỏ công bới rác bao bì sản phẩm từ những vùng biển thuộc Hàn Quốc cũng như ở khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên.

giao-su-han-quoc-kang-dong-wan-1.jpg

Giáo sư Kang Dong-wan vớt rác bao bì Triều Tiên - Ảnh: Korea Times

Phòng làm việc của vị giáo sư 48 tuổi thuộc khoa chính trị Đại học Dong-A ở thành phố cảng Busan (phía nam Hàn Quốc) không giống không gian làm việc của một học giả, chính xác hơn là trông như một kho tàng sưu tập các túi nhựa từng đựng những sản phẩm như mì gói, kem, tranh ảnh, đồ gốm từng trôi nổi trên biển từ Triều Tiên qua Hàn Quốc.

Kang nói “bộ sưu tập” bất thường và hiếm có này là “kho tàng của tôi”, vì số rác bao bì được xếp cẩn thận trên sàn phòng này cho ông biết một số thông tin về đời sống kinh tế-xã hội của Triều Tiên vốn gần như sống khép kín.

giao-su-han-quoc-kang-dong-wan-korea-times-4.jpg

Giáo sư Kang Dong-wan giới thiệu các mảnh rác vớt được - Ảnh: Korea Times

COVID-19 cản trở công việc nghiên cứu thực địa của vị giáo sư

Suốt nhiều năm, nhiều chuyên gia về Triều Tiên đã nỗ lực tìm hiểu thực tế cuộc sống ở Triều Tiên thông qua nhiều biện pháp khác nhau gồm phỏng vấn người bỏ trốn, phân tích các thông tin chính thức của truyền thông nhà nước Triều Tiên... nhưng chỉ vài người thành công trong việc trình bày rõ nét về xã hội Triều Tiên.

Vì Triều Tiên tiếp tục là một bí ẩn, giáo sư Kang đã thử dùng một tiếp cận mới. Thay vì tìm hiểu đời sống của người dân nước này, ông vớt rác bao bì trôi nổi trên biển từ Triều Tiên trước khi tấp vào bờ của 5 đảo Yeonpyeong, Baengnyeong, Daecheong Socheong và Woo trong lãnh hải Hàn Quốc và gần Đường Ranh giới Phía Bắc (NLL) vốn rất gần Triều Tiên nên có thể nhìn thấy rõ nước này trong ngày trời quang.

Đa phần rác bao bì Kang thu thập từng ngày là sản phẩm đóng gói ở Triều Tiên. Ông lập các danh sách những xí nghiệp sản xuất, ghi chép các mẫu bao bì, thành phẩn của sản phẩm nhằm tìm ra các manh mối về Triều Tiên.

Kang từng bắt đầu nghiên cứu Triều Tiên từ năm 2008. Trước đó, ông thường chụp ảnh cảnh quan Triều Tiên ở vùng biên giới Trung-Triều. Ông cũng phỏng vấn nhân công Triều Tiên và người bỏ trốn qua Nga và Trung Quốc, theo báo Korea Times.

Kang nói: “Tôi phải đến đó để nghiên cứu thực địa. Tôi cho rằng bất kỳ cuộc nghiên cứu nào cũng nên bắt đầu ngay tại chỗ”.

Một ngày nọ năm 2019, cơ quan di trú Trung Quốc không cho Kang nhập cảnh. Ngay sau đó, Trung Quốc đóng cửa biên giới, thực hiện cuộc phong tỏa chống dịch COVID-19. Kể từ đó, Kang chưa thể qua Trung Quốc.

Ông cho biết: “Họ chỉ nói tôi đã làm gì đó không trùng mục đích du lịch có ghi trong visa của tôi. Tôi chỉ có thể đoán rằng mình bị đưa vào danh sách đen do tôi có gặp người Triều Tiên bỏ trốn và chụp ảnh Triều Tiên khi đến vùng biên giới”.

giao-su-han-quoc-kang-dong-wan-2.jpg
Mẫu mã bao bì sản phẩm Triều Tiên phong phú, không đơn điệu - Ảnh: Korea Times

Bao bì sản phẩm Triều Tiên đa dạng, không đơn điệu về mẫu mã

Để theo đuổi cuộc nghiên cứu ngay từ Hàn Quốc, Kang đã thăm đảo Baengnyeong với hy vọng chụp được vài ảnh về Triều Tiên. Ở đó, ông “chạm mặt” với mẫu rác bao bì đầu tiên, từng là bao bì của một loại thức uống bên Triều Tiên.

Từng sưu tập nhiều hàng hóa Triều Tiên trong các lần đến vùng biên giới Trung-Triều, Kang nhận ngay ra đó là một túi rác bao bì từ Triều Tiên. Và từ đó ông tập trung vào việc vớt rác này.

Tính từ tháng 9.2020 đến tháng 9.2021, Kang đã vớt 1.414 mảnh rác trôi dập dềnh ở bờ biển 5 đảo của Hàn Quốc. Cuối năm ngoái, ông cũng xuất bản một cuốn sách mang tựa “Vớt rác Triều Tiên tại 5 đảo trên Biển Tây”.

Trong phần lời nói đầu của cuốn sách, vị giáo sư viết: “Điều bất ngờ nhất không chỉ là khối lượng rác vớt được, mà còn vì sự khác biệt của chúng. Nếu các túi đựng sản phẩm Triều Tiên bị hạn chế hoặc chỉ có mỗi một mẫu thiết kế, thì cuốn sách này sẽ không được ra mắt với thế giới”.

Kang giải thích người ta quen nghĩ sai rằng Triều Tiên không có nhiều loại sản phẩm, chứ thực ra các bao bì đựng bánh snack hoặc thức uống mà Kang vớt được lại có nhiều hương vị khác nhau, cùng các khác biệt về mẫu mã, màu sắc và phông chữ. Bất ngờ nhất là có vài loại sản phẩm có cả những slogan tiếp thị mang tính sáng tạo.

Kang đã vớt được bao bì của 35 loại kem mà người dân Triều Tiên gọi là kem Eskimo, và chúng có nhiều mùi vị như đào, dưa hấu, chocolat… và một bao bì Eskimo có mùi yaourt ghi dòng chữ cho biết sản phẩm này “cải thiện chức năng đường ruột và giúp trẻ em cao lớn hơn”. Kang cười và nói đây là một sản phẩm được quảng cáo quá đà.

Kang cũng vớt được một số bao bì bắt chước mẫu mã của các nước khác. Ví dụ con mèo rất giống mèo hoạt họa Nhật Bản Hello Kitty xuất hiện trên một túi kẹo hương vị dâu tây. Khác biệt duy nhất là mèo Triều Tiên có một quả dâu trên đầu, trong khi mèo Hello Kitty đeo một dây nơ.

giao-su-han-quoc-kang-dong-wan-korea-times-2.jpg

Bao bì đựng kem có hình con mèo giống mèo Hello Kitty- Ảnh: Korea Times

Vị giáo sư còn nói nhiều người Hàn Quốc nghĩ người Triều Tiên dùng chữ “eoreumbosung-i” để chỉ kem lạnh, nhưng ngày nay người miền bắc chỉ dùng chữ ice cream theo tiếng Anh. Các chữ tiếng Anh gốc cũng được tìm thấy trên các bao bì sản phẩm khác.

Kang thừa nhận cách vớt rác bao bì để nghiên cứu Triều Tiên có vài hạn chế khi phải đưa ra các nhận định về đời sống hàng ngày của người dân Triều Tiên. Ví dụ ông không thể xác định có bao nhiêu sản phẩm được phân phối, hoặc cách người Triều Tiên sử dụng thế nào trong cuộc sống từng ngày.

“Từ đầu năm 2016, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề cao tính khác biệt của các dòng sản phẩm tiêu dùng. Từ đó, nước này đã sản xuất nhiều sản phẩm tiêu dùng mới”, Kang nói.

giao-su-han-quoc-kang-dong-wan-korea-times.jpg

Bao bì thức uống Triều Tiên do ông Kang Dong-wan vớt - Ảnh: Korea Times

Những lúc khóc vì không tìm ra rác Triều Tiên

Hành trình “sưu tập” rác bao bì Triều Tiên của Kang đòi hỏi sức khỏe và sự kiên nhẫn. Kang phải mất 5 giờ để đi từ Busan đến thành phố Incheon, và từ đó mất thêm 5 giờ ngồi tàu thủy để đến 5 hòn đảo. Khi gió mạnh thì tàu không thể hoạt động, đôi khi ông bị mắc kẹt trên đảo suốt cả một tuần lễ.

Kang kể có những ngày ông lang thang trên bờ biển suốt cả ngày mà không tìm được mẫu rác nào. Cứ 10 mảnh rác thì 8 là từ Trung Quốc, ông cho biết.

Kang cũng đã xin các đơn vị quân sự cho phép ông đến các vùng nguy hiểm có cài mìn do 5 đảo trên Biển Tây rất gần Triều Tiên.

Cũng có những lúc ông ra biển chỉ để khóc, dằn vặt tự hỏi việc vớt rác bao bì có ý nghĩa gì. Ông đã nhiều lần bị giới học giả chọc là “giáo sư rác”.

giao-su-han-quoc-kang-dong-wan-korea-times-3.jpg
Giáo sư Kang Dong-wan trả lời phỏng vấn - Ảnh: Korea Times

Nhưng mỗi khi đến 5 đảo, Kang đều tìm thấy những manh mối mới về Triều Tiên. Việc tin mình sắp đạt đến gần thực tế những gì xảy ra ở Triều Tiên đã là động lực cho ông tiếp tục đến với 5 đảo.

Từ đầu năm 2022, Kang đã chuyển chỗ làm việc đến vùng Biển Tây. Ông dự tính so sánh các loại rác tìm được từ vùng biển này với Biển Đông, và tìm hiểu có phải các sản phẩm ấy đều được phân phối đến cả 2 miền đông-tây Triều Tiên.

Vị giáo sư nói: “Tôi hy vọng công việc của tôi góp phần vào việc tạo ra một bán đảo thống nhất, nơi mà nhân dân hai miền Triều Tiên sống hòa điệu. Và tôi tin bước đầu tiên tiến tới thống nhất là từ sự hiểu biết lẫn nhau”.

Theo Korea Times
Copy Link
Bài liên quan
Triều Tiên lên tiếng về loạt vụ phóng tên lửa gần đây
Hãng thông tấn KCNA ngày 10.10 tuyên bố loạt vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên nhằm mô phỏng tình huống tấn công Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, gửi đi thông điệp sau khi Mỹ - Hàn tổ chức tập trận hải quân chung.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo sư Hàn Quốc vớt rác bao bì để tìm hiểu đời sống và kinh tế CHDCND Triều Tiên