Gạo là một trong số các mặt hàng cơ bản được người tiêu dùng Thái Lan tìm mua do lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh Coronavirus. Các công ty đóng gói gạo ở Thái Lan cảnh báo rằng giá gạo đóng túi có thể sẽ còn tăng thêm vì giá gạo nội địa đã tăng 20-30% kể từ đầu năm 2020.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các công ty Đóng gói gạo Thái Lan (TRPA) Somkiat Makayatorn cho biết giá gạo đã qua xay xát ở Thái Lan, nguyên liệu dùng để đóng túi gạo, đã tăng từ 12,5 baht (0,38 USD)/kg lên 15 baht (0,46 USD)/kg trong đầu tháng 1. Dự báo giá gạo xay xát sẽ tiếp tục tăng cho tới tháng 8 hoặc tháng 9.
Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua ở Thái Lan là nguyên nhân khiến nông dân thông báo giảm 1,5-2 triệu tấn gạo trái vụ, đã qua xay xát trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Somkiat khẳng định Thái Lan sẽ không bao giờ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt gạo và dự báo dù tăng vọt trong ngắn hạn, tiêu dùng gạo trong nước trong năm nay sẽ giảm vì lượng du khách nước ngoài đến Thái Lan ít hơn.
Tiêu dùng gạo nội địa của Thái Lan trong năm 2019 đạt tổng cộng 7,5 triệu tấn, tăng 8% so với năm trước, trong khi thị trường gạo đóng túi có giá trị 30 tỉ baht (912 triệu USD) tăng 8-9%. Giá trị thị trường gạo nội địa của Thái Lan trong năm nay được cho là sẽ tăng đáng kể do giá gạo cao hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Chookiat Ophaswongse cho biết nhu cầu về gạo trên toàn cầu đã tăng kể từ khi bùng phát dịch Coronavirus (COVID-19), khiến giá gạo tăng từ 30-50 USD/tấn kể từ đầu năm. Giá gạo trắng 5% tấm giao tại tàu (FOB) đã tăng từ 400 USD/tấn lên 480 USD/tấn kể từ đầu năm 2020.
Ông dự báo giá gạo sẽ tăng cho tới giữa năm nay hoặc lâu hơn do người tiêu dùng toàn cầu tăng mua dự trữ, trong khi Trung Quốc không đẩy mạnh xuất khẩu gạo do tình hình dịch Coronavirus. Một khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu gạo, đồng baht của Thái Lan yếu đi và Indonesia nối lại việc mua gạo của Thái Lan thì triển vọng sẽ sáng sủa hơn.
Năm nay, TREA đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,2 tỉ USD, tương đương chỉ tiêu của Bộ Thương mại Thái Lan. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong vòng 7 năm qua kể từ năm 2013, năm mà Thái Lan chỉ xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp với các cơ quan liên quan và các nhà xuất khẩu gạo để tìm kiếm những biện pháp nhằm giành lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới mà quốc gia này để mất từ 3 năm qua.
Tìm kiếm thực phẩm trong hoảng loạn có thể khiến lạm phát tăng cao
Những tuần gần đây, người tiêu dùng trên khắp thế giới từ Singapore đến Mỹ, đã xếp hàng dài tại các siêu thị để mua dự trữ các mặt hàng từ gạo và nước rửa tay cho đến giấy vệ sinh.
Ngay lập tức, giá lúa mì kỳ hạn trên sàn Chicago (Mỹ) đã tăng hơn 6% trong tuần qua - mức tăng theo tuần lớn nhất được ghi nhận trong 9 tháng, còn giá gạo ở Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới - đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8.2013.
Tại châu Âu, ngành công nghiệp ngũ cốc của Pháp cũng đang “đảo điên” tìm kiếm các phương tiện và nguồn nhân lực để đáp ứng khối lượng lớn đơn hàng đặt mua mỳ ống, bột mỳ và lúa mỳ trong nội địa và xuất khẩu.
Trong khi đó, các quy định hạn chế biên giới do một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt để đối phó với dịch Coronavirus cũng đang làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm.
Các quốc gia xuất khẩu dầu ở khu vực Trung Đông - những nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn - thì có thể sẽ cảm thấy tác động của việc nguồn tài chính đang thâm hụt khi giá dầu thô đã giảm tới hơn 60% trong năm nay. Khả năng mua ngũ cốc của các nhà xuất khẩu dầu đã giảm do giá dầu lao dốc và tiền tệ mất giá.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Abdolreza Abbassian, cùng một số chuyên gia về nông nghiệp khác, đã lên tiếng cảnh báo cuộc khủng hoảng lương thực được tạo ra từ sự hoảng loạn của người dân khi họ đổ xô đi mua sắm thực phẩm từ những nhà nhập khẩu lớn, hoặc từ chính phủ.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, chuyên gia của FAO cho hay vấn đề không phải nằm ở phía nguồn cung có đủ hay không, mà là ở sự thay đổi hành vi tiêu dùng.
Nếu người tiêu dùng lo sợ rằng họ sẽ không thể đặt mua lúa mì hoặc gạo vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, họ sẽ đẩy mạnh mua vào với số lượng lớn tại thời điểm này. Điều đó sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng cung cấp lương thực trên quy mô toàn cầu.
T.Anh tổng hợp