YMTC (hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc) vừa đệ đơn kiện đối thủ Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ) với cáo buộc vi phạm 8 bằng sáng chế của họ.

Hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc kiện công ty chip hàng đầu Mỹ vi phạm 8 bằng sáng chế

Sơn Vân | 13/11/2023, 12:55

YMTC (hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc) vừa đệ đơn kiện đối thủ Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ) với cáo buộc vi phạm 8 bằng sáng chế của họ.

Hãng tin Reuters cho biết YMTC đã đệ đơn kiện Micron Technology và đơn vị Micron Consumer Products Group tại tòa án ở quận Bắc California (Mỹ).

Theo vụ kiện, Micron Technology sử dụng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của YMTC để đối phó với sự cạnh tranh từ hãng sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc, đồng thời giành và bảo vệ thị phần. YMTC cáo buộc Micron Technology không thanh toán một khoản tiền phù hợp để sử dụng các phát minh đã được cấp bằng sáng chế.

YMTC không trả lời khi được Reuters đề nghị bình luận. Micron Technology chưa phản hồi câu hỏi của Reuters.

Micron Technology sản xuất chip nhớ DRAM và NAND flash, cạnh tranh với Samsung Electronics và SK Hynix (hai hãng chip nhớ số 1 thế giới của Hàn Quốc) cũng như Kioxia (Nhật Bản), một đơn vị của Toshiba.

YMTC là đối thủ nhỏ hơn nhiều so với Samsung Electronics và SK Hynix, năm ngoái đã bị Mỹ cấm mua một số linh kiện từ nước này. Những năm gần đây, Mỹ đã tăng cường hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc vì lý do an ninh.

Vào tháng 5, Trung Quốc cho biết các sản phẩm của Micron Technology đã không đạt yêu cầu đánh giá an ninh mạng và cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước này mua chúng.

Động thái của Trung Quốc chống lại Micron Technology thời điểm đó được nhiều người coi là sự trả đũa cho những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng. Việc này diễn ra chỉ một ngày sau khi các quốc gia giàu có thuộc G7 đồng ý rằng sẽ tìm cách "giảm thiểu rủi ro chứ không tách rời" khỏi Trung Quốc. Mỹ gây áp lực buộc các đồng minh của mình phải tham gia cùng họ trong việc hạn chế xuất khẩu thiết bị chip sang Trung Quốc.

Từ năm 2017, Micron Technology bắt đầu sa vào tranh chấp công nghệ với Trung Quốc. Năm 2017, Micron Technology kiện nhà sản xuất chip UMC (Đài Loan) và công ty mạch tích hợp Fujian Jinhua Integrated Circuit (Trung Quốc) với lý do đánh cắp bí mật thương mại. Đơn kiện được nộp lên tòa án liên bang ở California (Mỹ).

Được thành lập năm 2016, Fujian Jinhua đã nhận được khoản đầu tư 3 tỉ nhân dân tệ từ chính phủ Trung Quốc để xây dựng dây chuyền sản xuất với sự hỗ trợ công nghệ từ UMC.

Đầu năm 2018, Fujian Jinhua và UMC kiện ngược Micron Technology, tố công ty chip Mỹ vi phạm sáng chế về module DRAM. 4 tháng sau, Cơ quan giám sát chống độc quyền và Cục quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc bắt đầu điều tra Micron Technology. Lúc này, Samsung và SK Hynix cũng bị điều tra với lý do tương tự.

Tháng 7.2018, Tòa án Phúc Kiến (Trung Quốc) ra phán quyết yêu cầu Micron Technology phải ngừng bán 26 sản phẩm bán dẫn gồm DRAM, NAND flash tại Trung Quốc và không được phép kháng cáo. Hãng chip số 1 Mỹ sau đó tỏ ra bất bình, đồng thời khẳng định các sản phẩm của mình không vi phạm sáng chế.

Đầu năm 2020, Micron Technology có chiến thắng quan trọng trước UMC khi công ty Đài Loan thừa nhận đánh cắp bí mật thương mại của Micron, đồng thời nộp phạt 60 triệu USD.

Trung Quốc từng là thị trường lớn nhất của Micron Technology, tạo ra một nửa doanh thu 20 tỉ USD trong năm tài chính 2017. Thị phần đó giảm xuống còn 16% vào 2022, năm mà Micron Technology đóng cửa hoạt động DRAM ở thành phố Thượng Hải, đồng thời đề nghị chuyển phần lớn trong số 150 kỹ sư Trung Quốc đến các cơ sở ở Mỹ và Ấn Độ. Lúc này, Micron Technology có khoảng 3.000 nhân viên trên toàn Trung Quốc.

Micron Technology cho biết vẫn cam kết với Trung Quốc. Vào tháng 6, hãng chip số 1 Mỹ cho biết sẽ đầu tư 4,3 tỉ nhân dân tệ (590 triệu USD) vào nhà máy đóng gói chip ở thành phố Tây An những năm tới và lần đầu tiên công ty trưng bày sản phẩm này tại một hội chợ thương mại ở Thượng Hải tháng này.

Trong cuộc họp vào ngày 2.11, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - Vương Văn Đào nói với Sanjay Mehrotra (Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Micron Technology) sẽ hoan nghênh hãng chip nhớ số 1 Mỹ tăng cường dấu ấn tại thị trường Trung Quốc, báo hiệu sự giảm bớt căn thẳng trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ông Vương Văn Đào nói với Sanjay Mehrotra rằng Trung Quốc sẽ tối ưu hóa môi trường cho đầu tư nước ngoài và cung cấp bảo đảm dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài, theo một tuyên bố ngắn trên website Bộ Thương mại Trung Quốc.

Ông Vương Văn Đào nói thêm: “Chúng tôi hoan nghênh Micron Technology tiếp tục bám rễ vào thị trường Trung Quốc và đạt được sự phát triển tốt hơn với tiền đề là tuân thủ luật pháp, quy định của Trung Quốc”.

Cuộc gặp giữa ông Vương Văn Đào và Sanjay Mehrotra phù hợp với tình hình căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với Mỹ đã giảm bớt, khi các quan chức cả hai nước nỗ lực tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình vào cuối tháng 11 này tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở thành phố San Francisco (Mỹ).

hang-chip-nho-so-1-trung-quoc-kien-cong-ty-chip-hang-dau-my-vi-pham-8-bang-sang-che1.jpg
Micron Technology bị YMTC kiện với cáo buộc vi phạm 8 bằng sáng chế của họ - Ảnh: Reuters

Hồi tháng 7, Micron Technology đã công bố các mẫu HBM3 (bộ nhớ băng thông cao 3) Gen2 để hỗ trợ các ứng dụng generative AI. Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

HBM, một loại DRAM tiên tiến được tối ưu hóa cho sáng tạo AI, chỉ được sản xuất bởi Micron Technology, Samsung Electronics và SK Hynix.

Trong khi YMTC gần đây tạo được bước đột phá công nghệ bất ngờ. Cụ thể hơn, YMTC đã sản xuất chip nhớ 3D NAND flash “tiên tiến nhất thế giới” được sử dụng trong một thiết bị tiêu dùng, theo báo cáo của hãng phân tích chất bán dẫn TechInights (Canada).

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chip nhớ của YMTC được tìm thấy trong một ổ cứng thể rắn (SSD) ra mắt lặng lẽ vào tháng 7. Điều này cho thấy YMTC đã tiếp tục phát triển được công nghệ tiên tiến dù bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt sau khi nằm trong danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ từ tháng 12.2022, theo TechInights.

Bộ nhớ 3D NAND luôn đi đầu trong thiết kế chip nhớ và là thành phần quan trọng cho điện toán hiệu năng cao trong các ứng dụng như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy.

YMTC và 21 công ty Trung Quốc lớn khác trong lĩnh vực chip đã bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể vào giữa tháng 12.2022 trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.

Thời điểm đó, YMTC đang trên đà thách thức Samsung Electronics, SK Hynix và Micron Technology với chip 3D NAND flash hàng đầu là X3-9070 với 232 lớp. Triển vọng sản xuất hàng loạt chip này chững lại sau khi các nhà cung cấp thiết bị của Mỹ như KLA, Lam Research ngừng bán và cung cấp dịch vụ cho YMTC.

Tuy nhiên theo TechInsights, sự suy thoái gần đây trên thị trường chip nhớ và sự tập trung đổi mới vào các biện pháp tiết kiệm chi phí trong ngành có thể đã mang đến cho YMTC cơ hội phát triển chip mật độ bit cao hơn, tiên tiến hơn.

YMTC đã tăng gấp đôi nỗ lực hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc để giúp sản xuất những chip tiên tiến nhất của họ. Nỗ lực này dựa trên kiến trúc Xtacking 3.0 của YMTC và các nguồn tin cho biết tiến bộ đã đạt được trong một dự án tuyệt mật có tên mã là Wudangshan.

Các nguồn tin cho biết dự án chỉ có ý định sử dụng thiết bị của Trung Quốc và YMTC đã đặt hàng số lượng lớn với những nhà cung cấp thiết bị trong nước, gồm cả Naura Technology Group – hãng sản xuất công cụ khắc hàng đầu Trung Quốc. Đây cũng dòng sản phẩm chính của Lam Research (Mỹ). Song, các nhà phân tích đã chỉ ra nhiều điểm bất lợi trong chuỗi cung ứng sản xuất chip của Trung Quốc, như việc thiếu các lựa chọn thay thế khả thi trong nước cho các công cụ sản xuất chip, chẳng hạn hệ thống in thạch bản từ ASML (Hà Lan).

Là hãng công nghệ có giá trị nhất châu Âu và nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, ASML gần như độc quyền trong việc sản xuất máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến nhất.

Bài liên quan
Biện pháp mới của Mỹ làm Trung Quốc bộc lộ việc thiếu hụt thiết bị sản xuất chip
Chính phủ Mỹ tăng cường kiểm soát nhằm vào các hệ thống in thạch bản kém tiên tiến hơn đã làm Trung Quốc bộc lộ việc thiếu hụt thiết bị sản xuất chip, bất chấp những tiến bộ gần đây hướng tới mục tiêu chung của cường quốc châu Á này là tự cung cấp chất bán dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc kiện công ty chip hàng đầu Mỹ vi phạm 8 bằng sáng chế