Khi nền kinh tế suy sụp và vấn đề thiếu thốn lương thực cũng như thuốc men trở nên trầm trọng, thì ngày càng có nhiều người Venezuela chọn cách rời bỏ đất nước. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đã có khoảng 5.000 người Venezuela chạy sang Curacao, 20.000 đến Aruba, 30.000 đến Brazil, 40.000 tới Trinidad và Tobago, và hơn 60.000 tới Colombia.

Hệ lụy từ khủng hoảng Venezuela lan tới các láng giềng

Nhàn Đàm | 06/03/2018, 07:03

Khi nền kinh tế suy sụp và vấn đề thiếu thốn lương thực cũng như thuốc men trở nên trầm trọng, thì ngày càng có nhiều người Venezuela chọn cách rời bỏ đất nước. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đã có khoảng 5.000 người Venezuela chạy sang Curacao, 20.000 đến Aruba, 30.000 đến Brazil, 40.000 tới Trinidad và Tobago, và hơn 60.000 tới Colombia.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela đang ngày càng có những dấu hiệu cho thấy nó sẽ không dừng lại, mà thậm chí còn đang lan tràn ra bên ngoài theo những cách khác nhau, và có lẽ đã đến lúc cộng đồng thế giới cần tính đến việc xem đây là một cuộc khủng hoảng mang tầm khu vực hơn là trong nội bộ một quốc gia nữa. Một khía cạnh ít được nhắc đến kể từ khi đất nước Nam Mỹ này rơi vào khủng hoảng, đó là vấn đề người tị nạn. Khi nền kinh tế suy sụp và vấn đề thiếu thốn lương thực cũng như thuốc men trở nên trầm trọng, thì ngày càng có nhiều người Venezuela chọn cách rời bỏ đất nước. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đã có khoảng 5.000 người Venezuela chạy sang Curacao, 20.000 đến Aruba, 30.000 đến Brazil, 40.000 tới Trinidad và Tobago, và hơn 60.000 tới Colombia.

Trước đây, quốc gia thường tìm cách giải quyết các vấn đề về tị nạn do khủng hoảng chính trị hoặc nhân đạo là Mỹ. Năm 1980, nước Mỹ đã đón nhận khoảng 125.000 người Cuba tị nạn; gần hai thập kỷ sau đó Mỹ cũng đã giúp đỡ hàng chục ngàn người Honduras và Nicaragua trú ẩn trong cơn bão Mitch và hơn 250.000 người Salvador trong một trận động đất vào năm 2001. Tuy nhiên, không phải lúc nào các nước Trung và Nam Mỹ cũng chấp nhận sự hỗ trợ từ phía Mỹ, như Grenada vào năm 1983, Panama vào năm 1989 và một số nước Trung Mỹ trong suốt thập kỷ 1980.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi nước Mỹ đang chú tâm vào các vấn đề về kinh tế, thương mại và chính trị, và khi mà Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang tìm cách cắt giảm các khoản tài trợ và kinh phí viện trợ nhân đạo cho cả các cơ quan Liên Hợp Quốc, thì không nên quá kỳ vọng vào Washington trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela hiện nay. Chính quyền mới của Tổng thống Trump ít nhiều đang có xu hướng kéo nước Mỹ ra khỏi khu vực, khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hàng loạt các nước đối tác trong khu vực như Canada, Mexico, Chile và Peru. Washington cũng nhiều lần đòi hủy bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico, đồng thời cũng đang xem xét lại vấn đề nối lại quan hệ với Cuba.

Một nước Mỹ cô lập và bảo thủ dưới thời Donald Trump cũng ít khoan dung hơn với người nhập cư, đặc biệt là từ các nước Mỹ Latinh. Gần đây, Mỹ đã chấm dứt tình trạng bảo vệ tạm thời cho khoảng 200.000 người Salvador và 60.000 người Haiti (số phận của 87.000 người Honduras vẫn chưa rõ ràng) và bắt đầu trục xuất khoảng 700.000 người nhập cư Mexico. Không chỉ giảm số lượng người tị nạn được chấp nhận, mà Mỹ còn đang nhanh chóng đảo ngược thông qua việc buộc một lượng lớn người tị nạn trước đây hiện đang sinh sống ở Mỹ phải hồi hương.

Gánh nặng giải quyết vấn đề người tị nạn Venezuela đó đang đặt trên vai các nước láng giềng trong khu vực của quốc gia này, biến cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị trong nội bộ của Venezuela trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất Tây bán cầu. Hy vọng vào sự can thiệp nhân đạo của Mỹ ở thời điểm hiện tại là điều gần như sẽ không xảy ra. Trong chuyến đi mới đây đến 5 nước trong khu vực, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tập trung nhiều hơn vào việc tìm kiếm sự ủng hộ cho các lệnh trừng phạt mới với Venezuela thay vì giải quyết tình trạng thảm họa này ngay lập tức. Không chỉ thế, dù Washington đã đề nghị viện trợ cho Venezuela (nhưng đã bị chính quyền của Tổng thống Maduro từ chối), thì lại không có các khoản viện trợ tương tự cho các nước đang phải chịu gánh nặng từ người tị nạn Venezuela.

Colombia đang là nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng nhân đạo này. Nước này đã đón nhận khoảng 150.000 người tị nạn Venezuela, dù không hẳn là hoàn toàn tự nguyện. Hiện Chính phủ Colombia đang phải sang Thổ Nhĩ Kỳ xem xét các trại dành cho người tị nạn Trung Đông để học hỏi kinh nghiệm quản lý. Trong khi đó, Brazil đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực biên giới Roraima và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cơ bản cho hàng chục ngàn người tị nạn mới đến. Peru và Argentina cũng đã nới lỏng một số yêu cầu về thị thực để cho phép nhiều người tị nạn Venezuela đến sinh sống và làm việc ở đây.

Tuy nhiên, những điều này có thể sẽ là không đủ. Dòng người tị nạn quá lớn đang khiến các khu vực biên giới tại nhiều quốc gia chịu áp lực nặng nề về nhà ở, hệ thống y tế, trường học, việc làm… kể cả ở những nước khá phát triển như Brazil hay Colombia. Trong khi đó, các nước láng giềng khu vực Caribe của Venezuela lại có nền kinh tế yếu kém và vẫn đang phục hồi từ trận bão năm ngoái, gần như không có khả năng đối phó với thách thức mới này. Trong khi đó, dòng người tị nạn lớn từ Venezuela này lại đang là đối tượng cho nạn buôn người, tống tiền,... Ngoài ra, nó cũng có thể tác động đến hệ thống chính trị tại các nước Mỹ Latinh khi đây đang là năm bầu cử và chọn ra các vị tổng thống mới.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các nước Mỹ Latinh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này lại không hề dễ dàng. Mặc dù có tuyên bố hợp tác và có nhiều cơ quan hợp tác về ngoại giao và kinh tế, nhưng mối liên kết giữa các nước Mỹ Latinh vẫn còn rất sơ sài.

Điểm tươi sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm này là nguồn lực kinh tế của các nước Mỹ Latinh. Tổng quy mô GDP của các nước trong khu vực lên đến hơn 5.000 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng khá cao, sẽ cho phép có nhiều nguồn lực hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay. Sự gia nhập của Mexico cùng với việc các nước Mỹ Latinh đều cam kết sẽ giải quyết vấn đề này đang đem lại nhiều triển vọng tích cực. Ngoài ra, các nước Mỹ Latinh cũng có thể đề nghị các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Liên Hợp Quốc hỗ trợ nhân lực và tài chính, đặc biệt là các khoản vay không lãi suất hay lãi suất thấpđể xây dựng cơ sở hạ tầng cho lượng người tị nạn mới đến.

Về một số góc độ, đây có thể là một sự kiện không mấy tích cực với các nước Mỹ Latinh, nhưng nó cũng có thể xem là một cơ hội để thiết lập một cơ chế kết nối và đồng thuận giữa các nước trong khu vực vốn vẫn bị bỏ ngỏ từ trước đến nay. Một khi Mỹ Latinh có thể sát cánh bên nhau trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ của mình, thì ảnh hưởng từ các cường quốc bên ngoài như Mỹ sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ lụy từ khủng hoảng Venezuela lan tới các láng giềng